Châu Âu lại lo lắng chuyện nhập cư

.

Lượng người nhập cư vào châu Âu tăng trở lại bất chấp Covid-19 tái bùng phát khiến chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) lo lắng.

Những người tị nạn Lybia được chính quyền Tây Ban Nha cứu trên biển. Ảnh: Sky News
Những người tị nạn Lybia được chính quyền Tây Ban Nha cứu trên biển. Ảnh: Sky News

Các quốc gia thuộc EU là điểm đến lý tưởng của người dân Bắc Phi và Trung Đông băng qua biển Địa Trung Hải. Số liệu từ Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) cho biết, trong vòng 3 tháng qua, lượng người nhập cư được phát hiện bên ngoài biên giới các nước EU tăng trở lại. Riêng trong tháng 7, theo Frontex, tổng cộng 8.650 lượt người qua biên giới một cách bất thường để vào châu Âu.

Lượng người nhập cư trong tháng 7 tăng gấp đôi so với tháng 6 ở khu vực Trung Địa Trung Hải với 4.650 người tới Ý và Malta. Chính phủ Ý cho biết, trong số này có ¼ là người Tunisia; ngoài ra là người dân các nước Bangladesh, Côte d’Ivoire, Algeria, Pakistan, Sudan và Maroc. Đa số dùng thuyền và xuồng cao su vượt Địa Trung Hải để đến Ý.

Hồi đầu tuần này, các quan chức EU và Ý đã đến Tunisia để đưa ra những hỗ trợ tài chính nhằm đổi lại các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn của quốc gia Bắc Phi. Trong lúc người Tunisia chọn Ý là điểm đến thì người Algeria chọn Tây Ban Nha làm quê hương thứ hai. Một nửa số người di cư vào Tây Ban Nha trong tháng 7 là Algeria, nhiều kế tiếp là Maroc. Người Afghanistan và Syria thường chọn tuyến đường ở phía đông Địa Trung Hải để vào cựu lục địa. Frontex ghi nhận chỉ có 400 trường hợp vượt biển bất hợp pháp trong tháng 7 ở tuyến đường này, thấp hơn 44% so với tháng trước.

Hội đồng hạt Kent ở Anh cho biết, họ đã hết khả năng tiếp nhận người nhập cư từ châu Phi và Trung Đông. Từ đầu năm đến nay, gần 5.000 người đã vượt eo biển Manche để vào Anh, ¼ trong số họ từ 18 tuổi trở xuống. Luật pháp Anh quy định những người lứa tuổi vị thành niên sẽ được trợ giúp tài chính và chỗ ở cho tới 25 tuổi. Nhiều người cố tình khai gian tuổi nên khả năng tiếp nhận của hạt Kent cơ bản đã hết. Những người trưởng thành sẽ phải quay về nước nhưng thủ tục này kéo dài tới 3 năm.

Những kẻ buôn người sử dụng facebook để quảng cáo rằng, đây là thời điểm thuận lợi để dùng thuyền nhỏ vượt qua eo biển Manche vào Anh. Nhiều người đã vượt qua sa mạc, rừng núi và vùng biển nguy hiểm trên những chiếc thuyền nhỏ để vào eo biển Manche. Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 10-8 cho rằng, vượt biên trái phép qua eo biển Manche tăng kỷ lục trong thời gian gần đây là điều “vô cùng tồi tệ và nguy hiểm”.

Trong lúc xảy ra đại dịch Covid-19 và số ca nhiễm tăng vọt ở châu Âu, chính phủ Anh kêu gọi sử dụng lực lượng phòng vệ để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép bởi gánh nặng về ngân sách và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các quốc gia khác thuộc EU cũng lo lắng nguy cơ bùng phát Covid-19, nhất là trong các trại tập trung.

 Tại Hy Lạp, trại tập trung người nhập cư Moria trên đảo Lesbos là trại lớn nhất châu Âu. Ban đầu, trại này được thành lập chỉ dành cho 3.000 người nhưng hiện có 13.000 người sống trong điều kiện chật chội. Covid-19 vẫn chưa bùng phát ở đây nhưng các tổ chức phi chính phủ nhìn nhận rằng, dịch bệnh xuất hiện chỉ là vấn đề thời gian bởi điều kiện sinh hoạt cũng như vệ sinh thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn.

Thống đốc Nello Musumeci của đảo Sicily (Ý) đã ra lệnh đóng toàn bộ các trại tập trung người nhập cư, chuyển những người nhập cư về đất liền vì không bảo đảm được các biện pháp y tế cần thiết để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19. Trong khi đó, chính phủ Hy Lạp bác bỏ cáo buộc nước này đã trục xuất gần 1.100 người nhập cư trên các bè cứu sinh từ hồi tháng 3. Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có lượng người nhập cư nhiều nhất thế giới với 4 triệu người đến từ Syria, Afghanistan, Iraq và Iran, cũng lo lắng vì Covid-19 đang bùng phát trở lại mạnh mẽ.

ANH THƯ (theo DW, Guardian, Informigrants)

;
;
.
.
.
.
.