Những kỷ niệm theo cùng năm tháng

.

Việc chụp ảnh và giữ lại những bức ảnh là cách lưu giữ kỷ niệm tuyệt vời nhất. Dù thời gian trôi qua nhưng những tấm ảnh được tỉ mỉ xếp theo từng album trở thành thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình.

Những bức ảnh là kỷ niệm theo mỗi người suốt cuộc đời. (Ảnh do một gia đình cung cấp)
Những bức ảnh là kỷ niệm theo mỗi người suốt cuộc đời. (Ảnh do một gia đình cung cấp)

Ba mẹ tôi cưới nhau năm 1989. Đến năm 1990, tôi chào đời. Nhà tôi khi ấy thuộc dạng nghèo của xóm. Ngoài công việc chính ở cơ quan Nhà nước, ba mẹ tôi trồng vài luống rau và nuôi mấy con heo ở khu đất trống bên cạnh nhà. Các em tôi lần lượt ra đời trong những năm kế tiếp nhau khiến gia đình thêm phần túng quẫn. Vậy mà, chị em tôi đã được ba mẹ cho chụp ảnh từ rất sớm.

Những năm 1990, khi giấy và mực in rất đắt, nhưng ba mẹ tôi đã thuê thợ chụp ảnh cho chúng tôi vào những dịp quan trọng. Trong cuốn album gia đình cũ sờn, một số bức ảnh đã bị ăn mòn từ 1/3 đến một nửa, tôi vẫn nhận ra tôi của ngày ấy mỉm cười thật ấm áp và hạnh phúc trong vòng tay ba mẹ. Lớn lên một chút, gia đình ngày càng đông quân số, nhà tôi vẫn giữ thói quen chụp ảnh cùng nhau vào mỗi dịp đặc biệt, chẳng hạn dịp sinh nhật của mỗi thành viên và Tết cổ truyền. Những năm tháng dẫu khó khăn nhất, ba mẹ đã chụp ảnh cho chúng tôi, rửa ảnh và lồng vào từng album. Những album ấy được mẹ cất giữ cẩn thận và theo chúng tôi đến tận bây giờ. Thật vui xiết bao khi có thể thấy lại mình của ngày xưa, từng giai đoạn mập, ốm, lẻm lỉnh, dịu dàng…

Có một nghịch lý là cuộc sống càng hiện đại, con người càng cảm thấy cô đơn. Khi ấy, ta càng cần một nơi để trở về, để được sẻ chia. Nơi đó không đâu xa chính là gia đình, là anh chị em. Tình cảm anh em là một món quà mà tạo hóa ban tặng để cuộc sống thêm ý nghĩa, để lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn. Có bao giờ bạn tự hỏi, người anh/chị/em từ thời “cởi truồng tắm mưa” với mình có đang sống hạnh phúc, có đang thiếu thốn, có đang gặp trúc trắc gì trong cuộc sống không? Hay chúng ta đang đặt tình cảm anh em trong gia đình thấp hơn những mối quan hệ khác?

Những ngày này Đà Nẵng thật buồn. Những con phố du lịch sầm uất nhất trở nên vắng lặng, nhà nhà cửa đóng then cài. Đâu đó trên mạng xã hội, mọi người nhắc nhau ở yên trong nhà cũng là biểu hiện của yêu nước. Cứ cách một vài con phố lại có một tuyến đường bị giăng dây phong tỏa, hạn chế đi lại. Nhà tôi nằm trên một trong những tuyến đường ấy. Sự lo lắng rõ ràng không thể tránh khỏi. Người lớn có thể ăn mắm muối qua ngày, nhưng còn trẻ con thì sao? Nhưng chưa đầy một ngày, điện thoại tôi ngập tràn tin nhắn của mấy đứa em: “Nhà chị thiếu gì em mua lên?”, “Chị thích ăn gì em mua lên?”… Những tin nhắn ấy làm nỗi buồn, nỗi lo vơi đi nhiều. Lẩn quẩn trong nhà, tôi lại lôi những thứ kỷ niệm cũ kỹ ra xem. Những bức ảnh nhắc nhớ từng giai đoạn của gia đình thời quá khứ. Lần giở từng bức ảnh úa màu thời gian, càng thêm trân trọng hiện tại.

Chẳng ai biết giai đoạn giãn cách này sẽ kéo dài bao lâu. Mỗi sáng thức dậy, có cảm giác việc đầu tiên là mọi người đồng loạt mở điện thoại xem thông tin tình hình Covid-19. Các tờ báo dày đặc tin tức về dịch bệnh. Vào mạng xã hội cũng tràn ngập thông tin, hình ảnh về bệnh nhân, dịch tễ, số ca mắc... Thôi thì những người còn đang được ở yên trong nhà hãy xem đó là điều may mắn. Bởi hàng trăm y, bác sĩ xa nhà nhiều ngày ròng rã. Các lực lượng công an, quân đội, mạnh thường quân, tình nguyện viên sẵn sàng làm hậu phương hỗ trợ tiền tuyến chống dịch. Được ở nhà và nhớ nhung những hồi ức cũ thông qua những bức ảnh cũng là cách chúng ta sống chậm để nhìn lại ký ức đẹp, mà cuộc sống đôi khi rất cần những lúc sống chậm như thế…

Được ở nhà và nhớ nhung những hồi ức cũ thông qua những bức ảnh cũng là cách chúng ta đang sống chậm để nhìn lại ký ức đẹp, mà cuộc sống thì đôi khi rất cần những lúc sống chậm như thế…

MAI PHƯƠNG


 

;
;
.
.
.
.
.