Trong những ngày cả nước căng mình chống Covid-19, ở đợt giãn cách xã hội đầu tiên, cái tên nhà phát minh Trần Ngọc Phúc được các phương tiện truyền thông nhắc đến rất nhiều. Đặc biệt, ông cùng GS. Trần Văn Thọ khởi động dự án hỗ trợ 2.000 máy thở cho Việt Nam với sự tài trợ của một trường đại học và một doanh nghiệp.
Ông Trần Ngọc Phúc tham gia Chương trình “Ngày trở về - Mẹ ơi, con là người Việt Nam” do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức dịp Tết Canh Tý 2020. Ảnh: HOÀNG THU PHỐ |
Mong muốn đóng góp cho đất nước
Cuối tháng 3 vừa qua, khi Covid-19 bùng phát mạnh, thông tin GS. Trần Văn Thọ tại Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản) và ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở cho Việt Nam được dư luận đặc biệt quan tâm. Khi đó, ở Việt Nam có rất ít máy thở để đáp ứng được việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngay cả ở nhiều nước trên thế giới, trong cuộc chiến chống Covid-19, máy thở cũng là thiết bị vô cùng khan hiếm.
Ngay sau đó, nhà phát minh gốc Việt Trần Ngọc Phúc cùng các cộng sự lao vào làm việc quên ngày đêm. Khi chúng tôi liên hệ với ông để phỏng vấn, ông luôn bảo “quá bận”, “thiếu thời gian”…
Chỉ khoảng một tháng sau, ngày 20-4, lễ bàn giao hai máy thở MV20 đã được tổ chức tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản. Sự kiện có sự tham dự của ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản; ông Trần Ngọc Phúc, người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Metran Nhật Bản.
MV20 là dòng máy thở được sản xuất với các chức năng hữu hiệu nhất, tiên phong kết hợp hai chức năng xâm lấn và không xâm lấn. Nhà phát minh khuyến cáo nên sử dụng chức năng xâm lấn để điều trị Covid-19 nhằm tránh lây nhiễm chéo cho bệnh nhân và các y, bác sĩ. Ông Phúc cho biết thêm, máy thở MV20 sử dụng công nghệ tiên tiến nhất nhưng gọn nhẹ, dễ dàng thao tác với độ chính xác cao, dễ vận chuyển. Mặc dù MV20 sở hữu công nghệ mới nhất trong ngành công nghiệp sản xuất máy thở nhưng được thiết kế gần gũi với những nút điều chỉnh quen thuộc, dễ nhận biết và sử dụng. Máy thở MV20 cung cấp nguồn không khí tươi nguyên chất oxy và khí nén cho bệnh nhân, tránh sử dụng không khí trong phòng bệnh - vốn có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Đồng thời, máy có bộ phận thu hồi khí thải được xử lý để tránh lây nhiễm chéo trong môi trường khám, chữa bệnh.
Theo ông Phúc, trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam cần sự trợ giúp. Bản thân ông mong muốn góp một phần công sức cho đất nước bằng tri thức và kinh nghiệm 40 năm trong lĩnh vực sản xuất máy thở. Đây là lý do khiến ông đau đáu mang công nghệ sản xuất máy thở MV20 về Việt Nam đầu tiên, dù nhiều công ty sản xuất y tế nổi tiếng thế giới quan tâm thiết bị này và mong muốn được chuyển giao công nghệ.
Trong hành trình thực hiện ước mơ cống hiến cho Tổ quốc, ông Trần Ngọc Phúc được Đại học Văn Lang và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ 100% kinh phí sản xuất 2.000 máy thở MV20 để tặng Việt Nam. “Là người Việt Nam nhiều năm được học tập, làm việc, nghiên cứu, tiếp thu nền công nghệ cao của Nhật Bản, mặc dù tôi sống và làm việc ở nước ngoài nhưng mọi lúc mọi nơi, tâm trí luôn hướng về Tổ quốc. Trong sâu thẳm trái tim tôi luôn mong muốn đóng góp cho quê hương, đất nước”, “cha đẻ” của máy thở MV20 chia sẻ.
Không “ngủ quên” với thành quả
Tôi có dịp gặp gỡ và chuyện trò với ông Trần Ngọc Phúc vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 khi ông về Hà Nội để ghi hình trong chương trình “Ngày trở về - Mẹ ơi, con là người Việt Nam” do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức.
Đây là lần thứ hai ông xuất hiện trong chương trình này. Khi xem chương trình trước đó, tôi nhớ mãi câu nói của ông Phúc: “Tôi quyết định mình phải lựa chọn một con đường, một nội dung công việc mà người Nhật chưa bao giờ làm, như vậy mình mới là người đầu tiên thực hiện. Khi mình sống tại đất nước của người ta, mình phải để lại dấu chân và đường đi của mình”. Ông cũng biết rằng đặt ra yêu cầu như thế là một thách thức lớn, bởi Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, có nhiều phát minh, sáng kiến, thậm chí đi đầu trong nhiều lĩnh vực. Vậy thì để “khởi nghiệp” ở Nhật Bản là không dễ dàng, chứ chưa nói đến việc “để lại dấu chân mình trên đất Nhật”.
Ông Trần Ngọc Phúc sinh năm 1947 trong một gia đình thương nhân khá giả ở Huế. Năm 1968, ông sang Nhật Bản du học với mong muốn tích lũy kiến thức, kinh nghiệm chuẩn bị cho sự nghiệp kinh doanh ở quê hương. Ông tốt nghiệp kỹ sư tại Đại học Tokai ở Kanagawa năm 1974, sau đó trở thành nhân viên chính thức của Công ty Senko Medical.
Cuối những năm 1970, đầu năm 1980, tỷ lệ trẻ sinh non ở Nhật Bản tăng cao. Những chiếc máy hỗ trợ hô hấp thời ấy không giúp ích được nhiều dẫn tới 90% trẻ sinh non tử vong, số sống sót cũng bị thương tật. Trong những lần đến các bệnh viện cùng đồng nghiệp, ông Phúc chứng kiến nhiều em bé sinh non dưới 1kg được nuôi trong lồng kính với nhiều thiết bị mà các bác sĩ cài đặt để cố níu từng hơi thở cho các em. Những hình ảnh đó cứ ám ảnh ông.
" Mặc dù tôi sống và làm việc ở nước ngoài nhưng mọi lúc mọi nơi, tâm trí tôi luôn hướng về Tổ quốc. Trong sâu thẳm trái tim tôi luôn mong muốn đóng góp cho quê hương, đất nước” Ông Trần Ngọc Phúc |
Dù không được đào tạo về y học, nhưng ông Phúc quyết định tìm hiểu và chế tạo một chiếc máy trợ thở dành riêng cho các bé sinh non. Tháng 12-1982, ông chế tạo thành công máy hô hấp nhân tạo cao tần số HFOV (High Frequency Oscillatory Ventilation) dành cho trẻ sinh non. Chiếc máy đoạt giải nhất cuộc thi chế tạo máy thở nhân tạo tại Đại học Harvard (Mỹ). Thiết bị này đã giành lại cơ hội sống cho bao trẻ sinh non.
Năm 1984, Trần Ngọc Phúc rời Công ty Senko Medical sau 10 năm làm việc. Ông thành lập Công ty thiết bị y tế Metran tại thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama, cách thủ đô Tokyo khoảng 30km. Làm việc trong ngành sản xuất thiết bị y tế, mỗi lần công ty đưa máy mới ra thị trường, ông luôn là người thử thiết bị đầu tiên. Ông cho rằng chỉ nên chia sẻ với mọi người những gì mình thực sự tâm đắc.
Ông Trần Ngọc Phúc vẫn miệt mài nghiên cứu. “Tôi vui mừng với thành quả của mình nhưng không ngủ quên ở đó quá lâu mà ngay lập tức tìm kiếm một điều gì đó mới để làm”, ông Phúc chia sẻ. Hiện đã có hàng ngàn chiếc máy HFOV được trang bị ở 90% bệnh viện, phòng chăm sóc trẻ sơ sinh trên toàn nước Nhật. Một số bệnh viện của hơn 12 quốc gia trên thế giới đã đặt mua máy trợ thở của Metran. Tại Việt Nam, chiếc máy tần số cao đầu tiên được Metran tặng cho Bệnh viện Nhi Hà Nội cách đây gần 10 năm. Ông Phúc cũng thành lập Phòng nghiên cứu Magos để nghiên cứu và phát triển thêm các thiết bị hỗ trợ sức khỏe ngoài trẻ sinh non.
Với những phát minh, sáng chế về thiết bị y tế, Công ty Metran đã được nhận nhiều giải thưởng lớn của chính phủ và các địa phương ở Nhật Bản. Năm 2012, Metran được lựa chọn là doanh nghiệp đón tiếp Nhật Hoàng Akihito đến thăm.
Ông Phúc tiếp tục dành thời gian nghiên cứu, cải tiến để máy trợ thở trở nên tốt hơn, thuận tiện hơn cho người sử dụng. Vì thế, gần đây Metran cho ra mắt máy thở dành cho người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với trọng lượng nhỏ gọn. Trong lần trở về Việt Nam dịp Tết vừa qua, ông Phúc mang chiếc máy thở JFLO dành cho những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ông không giấu giếm khi chia sẻ rằng, nguyện vọng từ lâu của ông là chế tạo một cái máy thở cho người Việt Nam.
Vì thế, chiếc máy thở JFLO được thiết kế rất nhẹ, có thể đeo bên người. Đặc biệt, máy thở MV20 mới đây sẽ giúp ích đắc lực cho các bệnh nhân Covid-19 cũng như các bác sĩ điều trị tránh được sự lây nhiễm chéo… GS. Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức Tích cực Chống độc Việt Nam cho rằng, máy thở MV20 phù hợp, điều biến thể tích theo áp lực, tính được các chỉ số dễ dàng (nồng độ oxy…), dễ sử dụng, nhất là dùng cho đợt Covid-19 và cho cả sau này.
" Những chiếc máy thở MV20 đầu tiên là thành quả của tinh thần “đồng sức - đồng lòng - hành động” biến những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc” thành hành động cụ thể, thiết thực, và được thực hiện bởi những con người luôn sẵn sàng dấn thân vì sứ mệnh bảo vệ sức khỏe và sinh mạng người Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng dự án này chắc chắn sẽ đạt được thành công to lớn, là niềm tự hào của người Việt Nam ” Ông Vũ Hồng Nam - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản |
HOÀNG THU PHỐ