Đà Nẵng cuối tuần
Chuyện về quả chanh
Quả chanh là loại trái cây rẻ, bổ và gần gũi với tôi từ thuở niên thiếu. Đến bây giờ mấy chục năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ mãi vị chua chua, ngọt ngọt, mát dịu từ ly nước chanh má thường pha cho chị em tôi trong những buổi trưa hè nóng bức trên đất Bắc.
Má bảo uống nước chanh để giải nhiệt và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Sau này, đời sống khá hơn, ly nước chanh có được mấy cục đá lạnh; chứ hồi tôi còn ở miền Bắc, nước chanh chỉ pha bằng nước sôi để nguội rồi cho chút đường vào nhưng cũng thấy ngon, nhất là những lúc nắng nóng, sau khi đá bóng, làm việc mệt nhọc hay đi xa về…
Hồi đó, đời sống còn nhiều khó khăn, không phải muốn ăn gì cũng có thể mua được, nhưng chanh là loại quả dễ mua, dễ tìm nhất, lại rẻ tiền. Chanh có thể được biếu hay cho. Những quả chanh tròn xinh, xanh bóng, căng mọng, thơm thơm là món quà quê khá quen thuộc, dân dã. Hàng xóm trong khu tập thể tôi ở những năm bao cấp có thể qua nhà xin hoặc “mượn” nhau quả chanh là chuyện thường tình. Những năm đó, nước mắm phổ biến có hàm lượng muối nhiều hơn đạm, có trái chanh pha nước chấm để ăn kèm rau muống luộc giúp làm dịu cái mặn chát của nước mắm và ngon miệng hơn.
Đối với tôi, ngoài nước chanh, nước chấm, khá nhiều món ăn phải có chanh mới thấy ngon trọn vẹn, chẳng hạn các món bún, miến, mì Quảng, bánh canh, hủ tiếu, cao lầu... Ngay như món phở nếu đúng kiểu Bắc trước đây thì không dùng chanh nhưng nhiều người ăn phở thế nào cũng phải vắt một chút nước chanh vào mới thấy ngon.
Và tất nhiên, nước chấm mà thiếu chanh thì mất hẳn thú vị; đó là chưa kể các món trộn, gỏi… sử dụng chanh vẫn thấy ngon hơn giấm, dù loại giấm đó chua mấy cũng không bằng chanh. Quả sấu nấu với nước luộc rau muống thì rất ngon nhưng ở miền Trung, miền Nam đâu phải lúc nào cũng có sấu; trong trường hợp này, chanh là lựa chọn số 1. Tô nước rau muống luộc để nguội, vắt chanh vào thì ngon tuyệt, nhất là vào mùa hè, nào có thua nước sấu đâu.
Ngoài nước chanh đường, chanh muối thì uống trà Lipton cũng không thể thiếu lát chanh. Nước chanh còn có tác dụng giã rượu, bia khá hiệu nghiệm mà hầu hết mọi người nằm lòng “phương thuốc dân gian” này… Chanh còn là “bạn tốt” của mái tóc. Gội bồ kết hay dầu gội đầu rồi chà chanh lên tóc, xong xả nước cũng giúp tóc mượt hơn, đỡ gàu và nói như mấy câu quảng cáo trên truyền hình là “giúp tóc khỏe hơn”. Theo dân gian, trẻ em khi bị sốt, người lớn thường dùng chanh xoa lên nách, trán, bẹn. Chanh cũng được dùng pha nước cho trẻ uống để giúp hạ nhiệt, nên trong các gia đình có trẻ nhỏ hầu như chẳng bao giờ thiếu vài quả chanh.
Đó là những chuyện rất thực tế, gần gũi của trái chanh với cuộc sống đời thường. Còn dưới góc độ khoa học, y học, chanh là loại quả thuộc họ cam quýt, có chứa đường, canxi, sắt và các vitamin B1, B2, A, đặc biệt là hàm lượng vitamin C rất cao. Vì vậy, chanh có thể hóa giải sự căng thẳng thần kinh, hỗ trợ tiêu hóa, đồng thời phân giải được độc tố của cơ thể. Những người bị cao huyết áp, tắc nghẽn cơ tim uống nước chanh có tác dụng bổ trợ cho trị liệu. Nước chanh (nguyên chất) chứa nhiều muối, axit citric, có thể phòng trị bệnh thận kết sỏi, làm giảm sự kết sỏi thận mãn. Thường xuyên ăn chanh còn tốt cho người bị bệnh viêm khớp do phong thấp, bệnh tiểu đường, tiêu hóa kém...
Người ta quan niệm rằng, màu xanh của chanh tượng trưng cho sự may mắn, khơi dậy lòng nhiệt tình và truyền cảm hứng cho những hoài bão lớn lao. Song, chưa cần nói đến những điều to lớn ấy, chỉ biết rằng trong cuộc sống thường nhật, bất kỳ ai nghe nhắc đến quả chanh cũng có lẽ đều thấy quá đỗi dung dị, thân quen...
DÂN HÙNG