Đèn trời - tên gọi đầu tiên của đèn lồng, có thể bắt nguồn từ hàng nghìn năm trước thời Đông Hán ở Trung Quốc (25-220 CN), khi các vật thể phát sáng không chỉ được sử dụng làm nguồn sáng mà còn để chuyển tiếp các tín hiệu quân sự quan trọng ở khoảng cách xa. Tuy nhiên, ngày nay, những đèn lồng truyền thống thường được sử dụng trong lễ hội, dịp kỷ niệm ở các nước châu Á và nhiều điểm đến trên thế giới có đông người gốc Á.
Đèn lồng được bày bán ở phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: VĨNH AN |
Dịp Tết Trung thu ở Trung Quốc, tại khu vực Quảng Châu và đặc khu hành chính Hong Kong, trẻ em với sự hỗ trợ của cha mẹ thường làm đèn lồng bằng giấy và đưa chúng lên cao hơn, hoặc thả đèn lồng Kongming bay trên bầu trời như khinh khí cầu nhỏ làm bằng giấy, có một lỗ nhỏ ở phía dưới để điều chỉnh ngọn lửa. Ở các tỉnh Nam Ninh, Quảng Tây cũng có đèn lồng bưởi đơn sơ, đèn lồng bí ngô, đèn lồng cam. Đèn lồng bưởi là khoét rỗng cùi bưởi, chạm khắc hình đơn giản, buộc dây, bên trong thắp nến.
Ở Việt Nam, đèn lồng cá chép là đặc trưng của Tết Trung thu Việt Nam. Dịp này, cha mẹ dành nhiều thời gian hơn để bầu bạn với con mình; trẻ chạy xung quanh với đèn lồng cá chép và hình dung câu chuyện cá chép vượt vũ môn để hóa thành rồng. Cá chép hóa rồng biểu trưng cho sự can đảm, may mắn, thành công, chiến thắng. Cả bầy cá chép con nào cũng muốn vượt qua Vũ Long Môn, bởi chúng biết hễ vượt qua được cửa đó thì sẽ từ những con cá chép bình thường trở thành con rồng siêu phàm, thoát tục… và biến thành Rồng thiêng, được sống đời đời. Vẫy, đuôi, râu, sừng tự nhiên mọc đủ, tạo sự oai phong, rạng rỡ, một biểu tượng cho sự khát vọng của con người.
Nhưng không phải cá chép nào cũng có phẩm chất, khả năng khắc phục khó khăn, trở ngại để đạt được thành công. Cá chép hóa rồng phun nước làm đất đai màu mỡ, cây cối xanh tươi, đem lại sức sống cho muôn loài. Bởi vậy, người ta thường xem hình ảnh cá chép hóa rồng là biểu tượng của sự an lành, sung túc, thịnh vượng, thăng tiến, may mắn…
Đèn lồng cũng có rất nhiều ở phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Người Hội An kể rằng, ông tổ nghề làm đèn lồng tên là Xã Đường. Khi đó, ông chuyên làm lồng đèn cho các đêm hội hay hội thi, làm lồng đèn cúp. Vào những dịp lễ, Tết, chỉ giới nhà giàu ở Hội An mới có một chiếc đèn to viết chữ Hán hoặc vẽ tranh để treo trước cửa nhà.
Phải mất vài thế hệ đèn lồng mới có mặt trong từng ngôi nhà ở phố cổ Hội An chỉ để trang trí hoặc bán. Mỗi dịp hè, người ta làm lồng đèn để treo, đầu tiên là để trang trí trong đình, sau đó là để bán. Làm đèn lồng trở thành một nghề độc đáo của Hội An.
Lễ hội đèn lồng Hội An lần thứ nhất được tổ chức vào năm 1998. Cứ ngày 14 âm lịch hằng tháng, phố cổ Hội An trở nên lộng lẫy hơn trong ánh sáng của những chiếc đèn lồng. Hằng năm, người dân địa phương tổ chức Lễ hội Đèn lồng Hội An lớn nhất vào dịp Tết Trung thu hay Tết cổ truyền. Đây cũng là một trong những nét đặc trưng của văn hóa Hội An.
HOÀNG ĐẶNG (tổng hợp)