Trái tim người gieo hạt

.

Đà Nẵng đã vào thu. Một năm học mới lại sắp bắt đầu. Không biết năm nay, thầy trò Đà Nẵng sẽ được tựu trường chính thức lúc nào. Nhưng, tôi cứ có thói quen ngày cũ. Viết một cái gì đó cho mùa tựu trường. Cảm xúc đến tự nhiên để chữ nghĩa theo nhau gõ nhịp lòng. Tôi nghĩ về những gương mặt thân thương. Hình ảnh một thầy giáo trẻ của trường tôi hiện lên rõ lắm. Một cựu học sinh chuyên Lý của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, và bây giờ là đồng nghiệp của tôi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi không dạy em buổi nào. Nhưng, vì em gọi tôi là cô nên cũng xin được giữ cách xưng hô như thế trong suốt những dòng tôi nghĩ về em.

Em không thuộc kiểu các chàng trai gặp một lần là nhớ mãi. Nhưng, ấn tượng của tôi về em là phong thái của một ông giáo hiền lành, lúc nào cũng khiêm tốn và thân thiện. Có người bảo, nhìn em giống học trò hơn là thầy giáo. Điều đó cũng dễ hiểu. Bởi, em mới 29 năm tuổi đời và 7 năm tuổi nghề. Người lại gầy, gương mặt trong veo. Nhưng tư chất và phong thái thì đâu đợi tuổi, đợi đủ tháng đủ năm mới có. Tư chất của một nhà giáo, của những người gánh vác sứ mệnh thiêng liêng là đào tạo “con người”, không hiểu sao, tôi cảm nhận từ em đậm sâu lắm lắm.

 Từ những năm còn là học sinh chuyên Lý của trường khóa 2006-2009, em đã âm thầm nuôi ước mơ một ngày đứng trên bục giảng. Để rồi, mơ ước giản dị kia trở thành hiện thực suốt 7 năm qua. Trở về Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được 4 năm trong vị trí của giáo viên dạy Vật lý, với em và một số đồng nghiệp khác, là một cái duyên không dễ gặp. Khi đã là duyên rồi thì nặng nghĩa, nặng tình cũng là điều dễ hiểu.

Có lần, nhìn hai bức ảnh em chụp cùng những thân tình trong sắc áo thiên thanh: một bức khi em còn là học trò Lê Quý Đôn, một bức khi em là thầy giáo. Không biết vô tình hay hữu ý, mà góc đứng chỉ dịch chuyển bằng ý niệm thời gian, tôi chợt phát hiện ra sự không đổi ở cậu học sinh - ông thầy giáo ấy: ánh nhìn lúc nào cũng thẳng vào người đối diện. Ánh nhìn của một người sống thật. Và đó cũng là ánh nhìn trong những khoảnh khắc cô trò gặp nhau ở hành lang lớp học, góc thư viện trường, sân cỏ Lê Quý Đôn, phòng nghỉ giáo viên những giờ giải lao chóng vánh… Sau cặp kính cận khá dày, cái nhìn kia và nụ cười hiền, đủ đem tới cho bạn bè, đồng nghiệp, học trò sự yêu tin và cảm giác an lành.

 Sau một năm về với mái trường xưa, em chính thức được phân công phụ trách lứa học trò chuyên Lý 2017-2020. Ba năm cho một lứa học trò - đó là “duyên nợ” của những giáo viên vừa dạy chuyên, vừa làm công tác chủ nhiệm ở ngôi trường này. Lần đầu tiên em đảm trách nhiệm vụ vừa vinh quang, vừa nặng nề ấy. Những ai từng sống với hành trình một ngàn ngày như vậy, mới đủ cảm thấu bao hương vị của nghiệp, của nghề ở nơi đây. Vất vả, cam go: chồng chất.

Tiêu tốn trí tuệ, sức lực: vô kể. Thử thách cân não: không thể tính đếm trong lòng bàn tay. Nhưng, hạnh phúc: vô bờ bến. Ngọt ngào: lan tỏa mênh mang. Bởi, tình yêu, lửa đam mê, nhiệt huyết, sự tận tâm - những giá trị vĩnh cửu: không thể nào cân đo đong đếm được. Hành trình ba năm của em với lứa học trò chuyên khóa 34 này hội đủ tất cả những cung bậc ấy.

Tôi cảm nhận trọn vẹn điều đó, bằng những khoảnh khắc thầy trò quên tiếng trống tan trường trong chiều muộn; những buổi học xuyên trưa; trong dáng liêu xiêu sau những ngày kín tiết; trong những cái chau mày của em khi một mình nơi góc sân trường… và cả những gì lặng thầm chưng cất trong cả một hành trình “duyên nợ” ấy.

Nhìn lại ba năm cho một chuyến tàu tri thức, những người làm nghề gieo chữ như chúng tôi không khỏi tự hào và vui chung cùng niềm vui của thầy trò em. Quả ngọt đầu mùa từ những giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 thành phố, Olympic 30-4, cho đến kỳ thi học sinh giỏi quốc gia là kết tinh của bao công sức, tình yêu và trách nhiệm của người gieo chữ. Niềm hạnh phúc lớn nhất là trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý, 2 trong 4 học sinh đoạt giải do em chủ nhiệm đã được Bộ Giáo dục và  Đào tạo chọn tham gia thi vòng 2 để chọn đội học sinh của đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi Vật lý quốc tế. Nếu không vì đại dịch Covid-19, chắc chắn niềm vui sẽ còn nhân lên nhiều nữa.

 Khi nhận tin vui nhất của trường trong niên khóa 2019-2020, đồng nghiệp chúc mừng em rộn rã. Một giờ trống tiết, cô trò gặp nhau ở thư viện, tôi chia vui cùng em: “Chúc mừng nhé! Sắp được lên máy bay xuất ngoại rồi nè!”. Vẫn nụ cười lành và sự từ tốn, em đáp lời: “Dạ, em cảm ơn cô! Lại tiếp tục sự nghiệp học hành cô ạ!”. Con người ấy là vậy đó, chân thành, giản dị và khiêm tốn. Người đã đi gần trọn sự nghiệp trồng người, còn phải học nhiều.

 Bằng niềm yêu tin và ngưỡng mộ đối với năng lực, nhân cách của một thầy giáo trẻ, tôi đã có cuộc phỏng vấn nho nhỏ với những cô cậu học sinh chuyên Lý khóa 34 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn về “người thuyền trưởng” của mình. Và kết quả thu được thật đáng yêu:

- Hết mình trong mỗi bài giảng, nhiệt huyết, tận tâm.
- Ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ.
- Là “cỗ máy thông tin”, cái gì cũng cập nhật nhanh nhất, chính xác nhất.
- Siêu kỹ tính, cẩn thận, chu đáo đến khó tính.
- Con người sống theo những chuẩn mực của xã hội và luôn quan tâm đến việc đào tạo “con người”.
- Đằng sau những câu đùa châm biếm, gây cười là những vấn đề cực kỳ nghiêm túc.
- Quan tâm hết mực đến học sinh, luôn biết lắng nghe và chia sẻ.
- Gần nhau, hiểu nhau rồi thì thân tình như một người anh.
- Không bao giờ nói gì về bản thân.
- Không bao giờ nói gì làm tổn thương người khác.

Với một thầy giáo mà tuổi đời và tuổi nghề còn quá trẻ như em, những lời yêu thương chân tình ấy của các nam sinh, nữ sinh chuyên Lý dành cho người thầy chủ nhiệm của mình thật đáng để nâng niu biết mấy!

 Năm học mới, em lại tiếp tục hành trình ngàn ngày cùng lứa học sinh chuyên Lý vừa gia nhập mái nhà Lê Quý Đôn. Lần này, em xin được đứng lớp phụ cùng đồng nghiệp. Bởi, em còn phải hoàn thành nhiệm vụ học tập sau đại học mà em ấp ủ bấy lâu. Mong em giữ mãi tình yêu đã chọn, nhiệt huyết em đã có và trách nhiệm mà lúc nào em cũng tự nhủ. Con đường phía trước còn nhiều thử thách, chông gai. Nụ cười của những ngày qua sẽ là động lực cho em bước tiếp cùng bao sắc áo thiên thanh đang ấp ủ men say tri thức. Những nhà giáo như chúng tôi đang kỳ vọng từ những trái tim nhà giáo như em, thật nhiều!
 Là người đi trước em một chặng đường, tôi muốn chia sẻ thêm với em rằng, ở nơi đây, nụ cười và nước mắt có giá trị như nhau khi chạm vào niềm vui hay nỗi buồn sau những mùa hái quả.

Hãy để nụ cười lau khô nước mắt, nếu một lần nào đó, không trọn vẹn như những gì ta chờ đợi, em nhé!
 Nếu được chọn một điểm dừng lý tưởng trên hành trình ngàn cây số mà chốn nào cũng có cái để mê luyến, bạn sẽ chọn chốn nào? Trên hành trình những chuyến tàu tri thức một ngàn ngày ở Lê Quý Đôn, tôi đã có được một điểm dừng thật đẹp khi nghĩ về thầy giáo trẻ Phan Thế Hiếu của trường tôi.

Thu đã đến gần lắm rồi! Tiếng trống tựu trường đã sắp sửa gióng lên. Bục giảng lại được thăng hoa sau những ngày buồn. Chỉ cần trái tim người gieo hạt ấm mãi!

                        Đà Nẵng, thu 2020

SÓNG THU

 

;
;
.
.
.
.
.