Nhạc cụ bằng xương

.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, con người thời kỳ đồ đồng đã lưu giữ đồ tùy táng kinh dị là xương người khác và đẽo thành nhạc cụ, đồ dùng.

Mộ của người phụ nữ ở Cánh đồng Cối xay gió. Ảnh: CNN
Mộ của người phụ nữ ở Cánh đồng Cối xay gió. Ảnh: CNN

Bằng cách kiểm tra xương cổ đại từ 28 địa điểm trên khắp Vương quốc Anh, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, thông qua xác định niên đại bằng carbon phóng xạ - một thử nghiệm để xác định tuổi - và quét CT, hài cốt đôi khi được sử dụng làm vật nghi lễ. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện một chiếc xương đùi người 3.700 năm tuổi được chế tạo thành nhạc cụ tương tự một chiếc còi trước khi được chôn cất trong ngôi mộ của một người đàn ông gần Stonehenge, cách thành phố Amesbury 2 dặm về phía tây.

Ngôi mộ thứ hai là của một người phụ nữ từ Cánh đồng Cối xay gió, Stockton-upon-Tees. Trong mộ, ngoài hài cốt của cô còn kèm theo hộp sọ và xương tay chân của ít nhất 3 người. Kết quả kiểm tra cho thấy, hài cốt của người phụ nữ này có niên đại 4.500 tuổi, còn hài cốt những người bị chôn cùng thì “cũ” hơn khoảng 60-170 năm.

Theo GS. Joanna Brück, một trong những tác giả nghiên cứu và hiện làm việc tại khoa Nhân chủng học và Khảo cổ học, Đại học Bristol (Anh), các phát hiện trên cho thấy có một dạng văn hóa lạ lùng, bí ẩn trong một bộ phận người dân Anh, đã được lưu truyền từ hàng ngàn năm trước. “Mặc dù các mảnh xương người được coi là vật phẩm chôn cất người chết, nhưng chúng cũng được giữ trong nhà của người sống, chôn dưới sàn nhà và thậm chí được trưng bày trang trọng trong khuôn viên nhà ở”, GS. Joanna Brück nói.

Những hiện vật này hiện được trưng bày trong Bảo tàng Wiltshire. Đây là thành quả hợp tác nghiên cứu giữa Đại học Bristol và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, được tạp chí Antiquity công bố hồi tuần trước.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, văn hóa nói trên phổ biến nhất trong thời đại đồ đồng và là bằng chứng cho thấy những con người cổ đại không ghê sợ hài cốt, thậm chí còn giữ gìn phần cơ thể của những người thân yêu như một vật quý. Nhà nghiên cứu khảo cổ học Thomas Booth, tác giả chính của công trình nghiên cứu, nói với CNN rằng, các mảnh hài cốt sẽ hóa thành đồ tùy táng như một hình thức tôn vinh và tưởng nhớ.

Hiện nay, các công ty biến tro hỏa táng thành kim cương, tranh vẽ và các đồ vật khác của người đã chết để lưu giữ như kỹ vật quý báu trong gia đình. Điều này tương tự với các nghi thức của thời kỳ đồ đồng, chỉ khác ở chỗ hiện nay người ta chọn tro hỏa táng hay tranh vẽ để loại bỏ sự ghê rợn từ việc cất giữ xương cốt.

HOÀNG ĐẶNG theo CNN

 

;
;
.
.
.
.
.