1. Dạo rày trời hay mưa đêm.
Se se, lành lạnh và rơi tí tách…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nàng quấn chặt chiếc chăn mềm và ngủ vùi trong giấc mơ ngập tràn kẹo ngọt.
Đó là những cây kẹo ú, kẹo mè ngọt lịm, dẻo quẹo và thơm mùi gừng non vừa được cắt ra từ thanh kẹo khổng lồ bà Năm đặt trên chiếc nia tre màu nâu sẫm. Lũ trẻ nít trong làng đứa nào cũng biết ăn kẹo bà Năm từ hồi mới biết mặc quần… nên đang khóc dỗi mà nghe tên bà là cười tít mắt. Người ta nói bà dành cả đời mình để làm kẹo ngọt nên đến cả con đường ngang ngõ nhà cũng thơm lừng mùi đường bát, mùi đậu, mè rang…
Ngày trước ở làng, bà Năm không chỉ làm kẹo ú mà còn làm cả kẹo đậu phụng và bắp ngào. Kẹo ú như cái bánh ú nhỏ chút chun trắng ngà, áo bên ngoài một lớp bộn sắn rây mịn. Kẹo đậu phụng là miếng bánh tráng hình tam giác được lấp đầy những hạt đậu phộng rang thơm phức. Kèo mè dài như ngón tay tẩm mè vàng hườm. Còn bắp ngào đường đen được nắm chặt thành từng cục tròn như quả bóng bọn con gái chơi chuyền thẻ…
Không chỉ nàng mà tất cả con nít trong làng đã từng nghĩ đó là căn nhà ngọt ngào nhất thế giới. Và bà Năm như bà tiên kẹo ngọt dẻo quẹo, thơm lừng ngồi bệt dưới đất đếm từng đồng bạc cắc dính đầy đất cát, mồ hôi của bọn trẻ trong xóm đến mua quà. Mỗi lần đếm xong, bà lại cẩn thận bỏ tiền vào cái đẫy vải màu nâu, rút chặt miệng rồi dùng ghim băng cài chặt vào lưng quần.
Một đồng bạc cắc hồi ấy mua được hai cây kẹo ú, hoặc hai cây kẹo mè. Còn bắp ngào phải hai đồng một cục. Riêng kẹo đậu phụng phải năm cắc mới mua hai miếng bằng bàn tay…
2. Vốn dĩ trẻ con rất mê kẹo, nhất là trẻ con nhà quê chỉ quanh quẩn quanh lũy tre làng thì những cây kẹo bột nhà bà Năm là một giấc mơ khó cưỡng. Cho dù mấy chục năm sau, nàng trở thành người thành phố, đã nếm không biết bao nhiêu kẹo Tây, kẹo Tàu với biết bao hương vị lạ lẫm nhưng trong vùng vị giác của nàng vẫn lưu giữ một miền kẹo ngọt ngào hương quê kiểng.
Nàng vẫn nhớ như in cái lần mình lui cui cả ngày trời để rọc lá chuối trong vườn đem xuống chợ bán. Đường xuống chợ gập ghềnh xa. Nàng đội thúng lá chuối tum hum trên đầu như muốn gãy cả cái cổ. Ngồi từ sáng tới trưa mà rốt cuộc cả thúng lá to chang bang chỉ bán được năm cắc bạc. Tiền bán được nàng cẩn thận lận vào lưng quần, hai tay giữ khư khư như giữ kho báu. Trên đường về nhà định bụng sẽ ghé nhà bà Năm mua tất tần tật kẹo mè, kẹo ú… ăn cho đã đời. Chỉ mới nghĩ đến đó thôi mà đã nghe nước miếng ứa tận kẽ răng khiến nàng mấy lần phải nuốt ực xuống bụng.
Đường về nhà trưa nắng muốn bể đầu. Nàng vừa đi, tay cắp chiếc thúng bên hông, tay đánh đồng xa dẻo nhẹo. Thỉnh thoảng lại sờ lưng quần xem mấy đồng bạc có còn không. Vậy mà, không biết lúc ấy ma xui quỷ khiến thế nào mà trên đường về, cái quần vải bông đứt phựt dây thun… Năm đồng bạc cắc văng tênh hênh xuống đường trắng xóa. Nàng hoảng hốt quăng cái thúng ngồi thụp xuống đường hai tay chộp lấy… Như trêu ngươi, mấy đồng bạc trượt dài qua kẻ tay nàng rồi lăn ùm xuống mương nước bên đường…
Thế là xắn quần lặn, hụp, mò trong hai hàng nước mắt tuôn rơi. Nước dưới con mương nhỏ đầy rong rêu vẫn vô tình chảy mãi không ngừng.
Thế là kẹo ú, kẹo đậu, kẹo mè, bắp ngào… dắt nhau ra đi mà không một lời tạm biệt.
Thế là, những cây chuối trong vườn lá xác xơ đứng buồn bã giữa trời xanh mây trắng.
Ô, hô hô!
Nàng đã từng đánh rơi giấc mơ ngọt ngào của mình như thế...
NHƯ HẠNH