Dấu ấn cán bộ nữ

.

Một trong những chương trình đột phá của huyện Hòa Vang thời gian qua là thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó tăng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy và các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở.

Trước khi làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Châu, chị Trần Thị Ngọc Oanh có nhiều năm làm Bí thư Đoàn xã. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trước khi làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Châu, chị Trần Thị Ngọc Oanh có nhiều năm làm Bí thư Đoàn xã. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Những “hạt giống đỏ”

Sau Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, Hòa Bắc là xã duy nhất ở Hòa Vang có Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND là nữ. Trách nhiệm này được giao cho chị Lê Thị Thu Hà (SN 1985). Có thể nói, chị Hà không còn xa lạ với người dân Hòa Bắc, bởi nhiều năm qua, khi làm Chủ tịch UBND xã, chị đã thực hiện nhiều đề án, chương trình giúp đời sống kinh tế, văn hóa của người dân thêm khởi sắc. Với những những nỗ lực vượt khó, chị Hà được xem như “hạt giống đỏ” của Đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường/xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” (Đề án 89).

Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang, ông Trần Văn Vân, nói rằng bà con bên cánh rừng Hòa Bắc xem chị Hà như người ruột thịt. Ở chị, người ta thấy sự quyết liệt, chỉn chu, thấu hiểu Hòa Bắc cần gì để định hướng phù hợp với tâm tư, nguyện vọng người dân. Cùng với đội ngũ lãnh đạo xã, chị Hà kiên trì vận động, thay đổi tư duy, nếp sống chưa phù hợp, như chuyện phải giữ gìn vệ sinh thân thể, nhà cửa, xóm làng; xa hơn nữa là giữ gìn môi trường, nguồn nước ở cánh đồng, nơi mang lại mùa màng bội thu, mang lại cơm no áo ấm cho mỗi gia đình.

Trong những năm chị Hà làm Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, lần đầu tiên địa phương này có mô hình lưu trú homestay phục vụ khách đến du lịch, ở lại đêm, hay hình ảnh học trò đến trường với trang phục thổ cẩm trong Đề án “Bảo tồn văn hóa Cơ tu gắn với phát triển du lịch cộng đồng” do chị khởi xướng. Nay ở vị trí mới, chị vẫn luôn trăn trở làm sao đưa Hòa Bắc phát triển thành xã khá, là tập thể đoàn kết, có năng lực, phát huy dân chủ, làm việc hiệu quả mang lại lợi ích cho dân. Song song đó, chị tích cực xây dựng mạng lưới cơ sở phòng chống phá rừng, đào vàng trái phép từ chính người dân, vận dụng tối đa năng lực của đội ngũ bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, Ban Công tác Mặt trận, các cấp Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Chủ trương thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND các cấp được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra từ hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) năm 2012 và tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ông Phạm Nam Sơn, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho biết, việc nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND tại Hòa Vang có nhiều thuận lợi. Với năng lực của chị Lê Thị Thu Hà, Huyện ủy Hòa Vang hoàn toàn yên tâm.

Đồ họa: MAI ANH
Đồ họa: MAI ANH

Cũng theo ông Sơn, vị trí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số, chưa kể vị trí người đứng đầu cấp ủy đề ra chủ trương chính sách, vận động, kiểm tra giám sát; còn Chủ tịch HĐND quyết định những chủ trương, vấn đề quan trọng và giám sát việc tổ chức thực hiện. Nhờ đó, các phần việc được triển khai nhanh chóng, kịp thời, các vấn đề phát sinh trên địa bàn được Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND đến tận nơi xem xét giải quyết. “Việc địa phương tín nhiệm, bầu chị Hà vào chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho thấy năng lực cũng như niềm tin của cán bộ đảng viên, nhân dân dành cho người đứng đầu cấp ủy.

Đây vừa là thử thách, vừa là cơ hội giúp chị có thêm kinh nghiệm điều hành, xử lý công việc, đúng theo định hướng về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang; trong đó yêu cầu tỷ lệ nữ bắt buộc không dưới 20% so với danh sách quy hoạch, các chức danh chủ chốt phải quy hoạch ít nhất 1 nữ”, ông Sơn nói.

Với chị Nguyễn Thị Vân (SN 1984), Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, một trong những phương pháp lãnh đạo được chị áp dụng triệt để là tăng cường đối thoại với dân. Mỗi năm, xã Hòa Phong tổ chức hàng chục buổi đối thoại lớn nhỏ, từ hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch, hộ khẩu, hôn nhân gia đình, địa chính xây dựng, thủ tục tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đến những vấn đề lớn hơn như hiến đất mở đường, phát triển kinh tế gia đình, định hướng đưa các khu đô thị mới ở Hòa Phong phát triển theo tiêu chí đặc thù nông thôn mới.

Ngoài sự kiên trì, mềm mỏng, ở chị Vân còn có sự chỉn chu, quyết liệt khi đưa ra các quyết định. Nhiều người dân Hòa Phong tin tưởng chị Vân như từng tin vào ba chị - ông Nguyễn Bá Sanh, nguyên Chủ tịch xã đầu tiên ở Hòa Phong. Ông Sanh từng là nhân vật chính trong câu chuyện “Khi chiếm được lòng dân” đăng ở chuyên mục “30 năm, ngày ấy” trên Báo Đà Nẵng Cuối tuần khi vận động thành công các hộ dân cùng đóng góp xây dựng con đường bê-tông nông thôn đầu tiên tại xã. Bài học mà chị Vân có được từ cha mình là “lấy dân làm gốc”, làm gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của dân.

Tạo điều kiện cho cán bộ nữ phát triển

Trước khi giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Châu, chị Trần Thị Ngọc Oanh có nhiều năm làm Bí thư Đoàn xã, Phó Chủ tịch HĐND xã. Mỗi vị trí đều giúp chị phát huy năng lực, cọ xát để trưởng thành, đồng thời cấp ủy địa phương cũng tạo điều kiện cho chị tham gia các khóa bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực chuyên môn.

Chị Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Bắc (thứ hai, từ phải sang) luôn chăm lo công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Ảnh: T.Y
Chị Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Bắc (thứ hai, từ phải sang) luôn chăm lo công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Ảnh: T.Y

Ngoài ra, có khá nhiều cán bộ nữ thế hệ 8X trở thành lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành thuộc UBND huyện Hòa Vang. Có thể kể đến như chị Nguyễn Thị Đào (SN 1986), Trưởng ban Pháp chế, Văn phòng HĐND-UBND huyện; chị Ngô Thị Thanh Thảo (SN 1982), Phó phòng Tư pháp; chị Nguyễn Thị Thanh Tân (SN 1983), Phó phòng Kinh tế hạ tầng; chị Huỳnh Thị A Ly (SN 1985), Phó phòng Thương binh và Xã hội…

Ông Phạm Nam Sơn cho biết, thông qua việc thực hiện Kết luận số 55 của Ban Bí thư về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong quy hoạch, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu tỷ lệ nữ không dưới 20% so với danh sách quy hoạch, chức danh chủ chốt phải quy hoạch ít nhất 1 nữ, danh sách đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ ít nhất 35% nữ.

Bà Lê Huyền Trâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hòa Vang cho biết, các cấp ủy Đảng và người đứng đầu địa phương đã có sự quan tâm đối với công tác phụ nữ nói chung và phong trào phụ nữ nói riêng. Các nhóm phụ nữ tham chính được tạo điều kiện sinh hoạt, ngày càng trưởng thành, là nguồn cán bộ bổ sung kịp thời, hiệu quả cho cấp ủy và chính quyền địa phương.

Thời gian tới, Huyện ủy Hòa Vang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng rà soát, đánh giá cán bộ; vận động phụ nữ mạnh dạn tự ứng cử chức danh lãnh đạo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao bản lĩnh chính trị được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương coi trọng để mỗi cán bộ nữ có thêm động lực phấn đấu. “Ban Thường vụ Huyện ủy luôn ưu tiên việc bổ nhiệm cán bộ nữ. Đặc biệt, trong thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, trường hợp nam và nữ có điểm thi tuyển bằng nhau thì sẽ ưu tiên bổ nhiệm nữ. Tôi tin rằng, mỗi chị em đều có khát vọng cống hiến, quan trọng là mình phải tạo điều kiện để thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết đó”, ông Phạm Nam Sơn cho biết.

Ban Thường vụ Huyện ủy luôn ưu tiên việc bổ nhiệm cán bộ nữ. Đặc biệt, trong thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, trường hợp nam và nữ có điểm thi tuyển bằng nhau thì sẽ ưu tiên bổ nhiệm nữ. Tôi tin rằng, mỗi chị em đều có khát vọng cống hiến, quan trọng là mình phải tạo điều kiện để thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết đó”

Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Phạm Nam Sơn

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.