Sống chậm

Lòng người như hoa nở

.

Chơi chim để nghe tiếng hót, chơi hoa để tận hưởng sắc màu và hương thơm. Còn chơi đá thì có gì vui khi đá chỉ là một vật thể rắn vô tri, trầm mặc và mênh mang im lặng? Vậy mà khi ngắm đá, lòng người vẫn có thể nở hoa.

Một tác phẩm đá cảnh được trưng bày tại triển lãm “Nghệ thuật đá cảnh Suiseki” giới thiệu bộ sưu tập đá cảnh thiên nhiên của nhà sưu tập Phan Khôi diễn ra ở  Đà Nẵng tháng 12-2018. Ảnh: TTXVN
Một tác phẩm đá cảnh được trưng bày tại triển lãm “Nghệ thuật đá cảnh Suiseki” giới thiệu bộ sưu tập đá cảnh thiên nhiên của nhà sưu tập Phan Khôi diễn ra ở Đà Nẵng tháng 12-2018. Ảnh: TTXVN

Tôi có người chú đam mê thú chơi đá cảnh. Nhà chú ở ngoại ô, là một tổ hợp được bố trí hài hòa giữa khu vực nhà ở, sân, ao cá, vườn thượng uyển cỏ cây chen lá, đá chen hoa. Nhiều đá, ở đâu cũng có đá. Đá đối xứng lối cổng vào, đá nhiều sắc màu bên ao cá cảnh, đá xám nâu trầm mặc dưới tán cây, đá mẹ đá con lô nhô mọc trên cỏ. Dẫu không có khí lực và sự bí ẩn như những đồng đá, vỉa đá chốn thâm sơn cùng cốc nhưng nếu đam mê thực sự với đá thì du khách thưởng ngoạn cũng có thể chậm lại mỗi khi dạo bước trong vườn.

Mỗi viên đá, khối đá sẽ là một ẩn ngữ, sẵn sàng kể những câu chuyện của riêng mình. Có lần chú bảo: “Có nhiều loại hình nghệ thuật giúp con người thăng hoa nhưng chỉ những điều được biểu cảm bằng khoảng lặng mới là chân lý dìu dắt con người đến gần hơn với chân, thiện, mỹ. Đá chính là những gì mà đất trời không nói. Bởi thế, chơi đá hệt như một cuộc trốn tìm”.

Có thể nói, nhờ lòng người tri ngộ mà những viên đá, tảng đá vô tri bỗng chốc trở nên sống động, không hề vô cảm. Những hòn đá từ lòng sông, khe suối, từng lăn lóc, đưa đẩy với bao con nước, trôi xuống từ bao thác ghềnh, giờ có duyên ở lại cùng người yêu đá để bắt đầu một cuộc đời khác. Chúng sẽ được định danh, sắp đặt vào những vị trí và câu chuyện phù hợp nhờ sự tưởng tượng, yêu mến đến say mê bộ môn nghệ thuật đặt lên hàng đầu công lao của sự phát hiện.

Ở thành phố Kyoto (Nhật Bản) có một ngôi chùa rất nổi tiếng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1994, chùa Ryoanji. Điều làm nên tính thẩm mỹ và giá trị văn hóa độc đáo cho ngôi chùa chính là khu vườn đá với 15 viên đá được sắp xếp trên một nền cát biển khô ráo.

Vườn đá nổi danh nhờ lối sắp đặt thông minh, gợi tính tò mò cực hạn cho những du khách có dịp thưởng lãm. Cụ thể, mặc dù tất cả 15 viên đá hiện hữu trên bề mặt khuôn viên khu vườn nhưng dù soi chiếu ở góc độ nào thì mọi người cũng chỉ nhìn thấy 14 viên đá, viên còn lại luôn bị che khuất như một sự ẩn dụ về sự bất toàn. Khu vườn đá chính là biểu tượng cho tính thẩm mỹ và thiền học nổi tiếng ở xứ sở Phù tang.

Mỗi năm, hàng ngàn du khách trên thế giới đổ về khu vườn đá, ngồi tĩnh lặng dưới bóng cây, tắm mình trong ánh nắng chiều tà để cùng ngắm đá, để cùng suy tưởng. Người thì tưởng tượng vườn đá như một dãy núi mọc lên từ phía biển; người lại tưởng tượng các viên đá vừa rải rác, vừa quần tụ như một đàn thú có mẹ chở che…

Là tạo vật của tự nhiên, đá thuộc loại tĩnh vật, nếu không có bàn tay gia công của con người thì nó không tự tác thêm được vẻ đẹp gì nữa. Tuy nhiên, sự lộng lẫy của đá lại nằm ở vẻ đẹp vững chãi, bí ẩn, thâm trầm. Đá đang ngày càng thu hút con người tìm đến nó để thưởng lãm, chiêm nghiệm và phát hiện. Được gắn kết từ những hạt cát, hạt sét, khoáng chất tinh vi và nhỏ bé nhất, đá thể hiện tính logic của tự nhiên, hài hòa và hoàn thiện của tạo hóa.

Nếu ai đã trót say mê với đá thì khó lòng từ bỏ được. Đá giúp con người biết yêu thương và tìm thấy sự tĩnh tại, rời xa cuộc sống vồn vã và xô bồ. Tôi tin điều đó đúng khi nhìn thấy câu lạc bộ những người đam mê bộ môn nghệ thuật chơi đá cảnh của chú tôi ngày càng đông thành viên hơn. Với họ, đâu chỉ có sự sáng tạo mới mang đến những giá trị, mà sự phát hiện cũng là một cách nhào nặn và đánh thức. Đá nở hoa hay lòng người luôn luôn tràn ngập hương sắc như hoa nở? Điều gì cũng đẹp, điều gì cũng hay.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.