Những ban mai thức dậy từ yêu thương

.

Đánh thức ban mai (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh) của Nguyễn Thị Việt Hà là câu chuyện về những đứa trẻ tự kỷ và hành trình của những người mẹ, người cha, người giáo viên, người thầy thuốc… đã nắm chặt tay nhau cùng nỗ lực giúp con trẻ vượt qua “giới hạn”, hé cánh cửa đón chào ban mai.

Tôi dừng lại rất lâu trước trang bìa cuốn sách Đánh thức ban mai. Tôi hình dung những ban mai mình thức dậy trong sự háo hức khởi động một ngày mới và cả những ban mai lười biếng trở mình vì bệnh tật, rồi mơ hồ mường tượng cái ban mai cần đánh thức trong 174 trang sách của Nguyễn Thị Việt Hà. Không có ban mai nào giống những ban mai của tôi. Tôi đọc sách thật chậm, lật từng trang và dừng lại trước từng phận đời, từng câu chuyện.

Một mầm non chào đời, phần lớn là niềm hạnh phúc vô bờ bến của cha mẹ sau suốt 9 tháng 10 ngày hoài thai, chờ đợi, hy vọng. Mỗi ngày lớn khôn của con đối với cha mẹ là hạnh phúc được nhân lên, từ khi con lẫy, bò, chập chững bước đi, bập bẹ cất tiếng gọi mẹ cha… Niềm hạnh phúc được đổi lấy bằng những nhọc nhằn, vất vả vô điều kiện.

Nhưng với gia đình có con mắc chứng tự kỷ, trong tột cùng hoang mang, có nhiều rối rắm khó tháo gỡ hoặc ít nhiều muốn lắc đầu phủ nhận. Cũng đã có nhiều giải pháp được đưa ra, bằng cách này hay cách khác. Bình tâm lại, những người mẹ trong Đánh thức ban mai đã chọn lấy nghị lực, nuốt giọt nước mắt chực rơi, xếp hành trang yêu thương lên vai để đồng hành với con.

Ảnh: T.L
Ảnh: T.L

Người mẹ của bé Su từng loay hoay trước muôn vàn câu hỏi ném vào đêm vắng, giữa bốn bức tường nhòa ánh đèn ngủ trong tiếng thở êm đềm và khuôn mặt như thiên thần của con: “Tại sao con không nói được? Tại sao con khó ăn đến vậy? Tại sao con chỉ thích chơi một mình và xoay các đồ vật?”. Lúc khác, người mẹ thừa nhận: “Mọi thứ tôi làm cho con bây giờ giống như người mắc vào một bụi rậm lớn và đầy gai nhọn, gỡ được cái gai này thì lại vướng vào cái gai khác…”. Tột cùng hoang mang. Khi đặt bút viết ra những con chữ đẫm nước mắt ấy gửi đến cô giáo của con, người mẹ đã nhìn thấy một lối đi.

Người mẹ trong Những mảnh vỡ hoàn hảo cũng mang nỗi đau tương tự trước cánh cửa vô hình khép chặt, đóng kín ban mai của con mình. Đi! Một quyết định dứt khoát được thực hiện ngay sau khi để lại cho chị Đậu đỏ một lá thư để bảo đảm rằng sợi dây kết nối tình thân không hề lơi lỏng, dù bị ngăn trở bởi khoảng cách địa lý. Hai mẹ con bé Nấm đã ngược chuyến xe đò lên thành phố. Người mẹ ấy cùng con học tất cả mọi thứ, học từng thứ một để nắm lấy chiếc chìa khóa mở cửa cho con. Rồi hai mẹ con đã trở về nhà sớm hơn dự định. Hành trình tìm kiếm vẫn tiếp tục nhưng người mẹ ấy đã sẵn sàng trở thành người bạn đồng hành “siêu nhân” cùng con mình. “Nấm đã “thoát khỏi tự kỷ” chưa? Mẹ không quá đau khổ để trả lời rằng: “Chưa”. “Chưa” - để tiếp tục hành trình. Những đối đáp rời rạc của Nấm ngày một có ý nghĩa hơn, sự bình thường gần như trở lại. Hy vọng đã hé mở.

Người mẹ của cậu bé Lê Duy trong Thiên sứ cũng đã ở bên con như người đồng hành đầy cảm thông, kiên nhẫn, ngập tràn yêu thương và không bao giờ phản bội.

Mỗi cuộc đời, mỗi mẩu chuyện trong Đánh thức ban mai đem đến cho người đọc sự quặn thắt. Cánh cửa đến ban mai của các con càng dày, ngăn cách càng nhiều, nỗ lực của người mẹ, người cha càng lớn. Chính bậc sinh thành khi đón nhận bệnh tật của con mới là người chịu nhiều áp lực nhất, thậm chí có người tuyệt vọng. Nhưng tình mẫu tử cho họ sức bật mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Không có tên gọi nào khác xứng đáng hơn hai chữ “Yêu thương”.

Dấn thân vào mảng đề tài ít được khai thác, Nguyễn Thị Việt Hà cẩn trọng từng chi tiết nhỏ, lắng nghe và thấu cảm không chỉ với tư cách là người ghi chép mà còn bằng trái tim một người mẹ với hy vọng tự kỷ được hiểu đúng hơn. Đọc Đánh thức ban mai, ai đó đang loay hoay, rối rắm trước những biểu hiện của con mình sẽ có thêm động lực từ những người mẹ đã trải qua những tháng ngày đồng hành với con mắc chứng tự kỷ; sẽ tìm thấy ở các chuyên gia lời khuyên để thấy con đường đi của mình gần lại; sẽ đỡ nhọc nhằn và hơn hết là bình tâm hơn để đón nhận và đồng hành. Không phải bất cứ đứa trẻ nào mắc chứng tự kỷ cũng không có lối thoát. Chứng tự kỷ sẽ được cải thiện nếu nhận được từ người thân, xã hội sự đồng hành đúng cách.

Thông qua những trang viết, những mảnh vỡ, những cuộc đời đâu đó, Nguyễn Thị Việt Hà gửi đi thông điệp rằng, chứng tự kỷ không đáng sợ, chỉ cần đủ tình yêu thương, ban mai sẽ đến: “Ánh ban mai rực rỡ rồi sẽ tràn vào khe cửa mà chúng ta vừa hé mở”.

THIÊN LAM

;
;
.
.
.
.
.