NẺO VỀ NGUỒN CỘI

Gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc trong trường học

.

Nơi núi rừng Hòa Bắc, Hòa Phú (huyện Hòa Vang), 3 năm nay, ngoài đồng phục quần xanh, áo trắng, học sinh người Cơ tu còn mặc đồ thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình đến trường. Rồi những vật dụng thân thuộc với người Cơ tu như cái gùi, tù và… cho đến những món ăn truyền thống: bánh sừng trâu, lá sắn xào thịt heo, cơm lam, hay điệu múa tung tung da dá được biểu diễn trong các dịp lễ hội cũng dần trở nên quen thuộc với các em.

Sắc thổ cẩm học trò

Ghé điểm Trường Tiểu học Hòa Phú tại thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), chúng tôi gặp hình ảnh các em học sinh người Cơ tu trong trang phục váy, áo thổ cẩm muôn sắc. Sân trường cũng trở nên tươi vui, sinh động hơn nhờ màu áo của các em. Em Lê Thị Thanh Thúy (lớp 2) rụt rè nói: “Em rất thích mặc đồ thổ cẩm đến trường, nhưng vào mùa hè mặc thì nóng lắm”. Còn với em Nguyễn Văn Nam Cường (lớp 4/4), em mặc quần xanh, áo trắng kết hợp áo thổ cẩm khoác bên ngoài. Khi được hỏi, Cường thích mặc quần xanh, áo trắng hơn hay đồ thổ cẩm hơn thì em bảo rằng thích cả hai.

Tại điểm Trường Tiểu học Hòa Bắc ở thôn Tà Lang và thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc), Trường THCS Nguyễn Tri Phương (thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc), hình ảnh học sinh Cơ tu thỉnh thoảng mặc trang phục truyền thống của dân tộc đến trường cũng trở nên thân thuộc. Em Bùi Thị Khánh Huyền (lớp 7, Trường THCS Nguyễn Tri Phương) bộc bạch: “Em rất vui vì có nhiều bạn trong thôn mặc đồng phục truyền thống đến trường. Em ước mơ sẽ trở thành giáo viên và dạy học trên quê hương Hòa Bắc”.

Học sinh tại đđiểm Trường Tiểu học Hòa Bắc ở thôn Tà Lang và thôn Giàn Bí được nhà trường khuyến khích mặc trang phục truyền thống vào thứ Hai, thứ Ba hằng tuần; Trường THCS Nguyễn Tri Phương vào thứ Hai, thứ Sáu. Ngoài ra, các trường còn khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống vào những dịp lễ, hội do nhà trường tổ chức như: khai giảng, ngày kỷ niệm thành lập trường, ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11… và cả những lễ, hội do Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Hòa Vang tổ chức.

Không chỉ vậy, các lễ hội, đặc điểm trang phục, ẩm thực của người Cơ tu còn đi vào những tiết học về lịch sử địa phương tại các trường tiểu học, THCS ở hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú. Điệu múa tung tung da dá đặc trưng của người Cơ tu được các thầy cô tập cho các em để biểu diễn trong những dịp văn nghệ do trường tổ chức. Riêng điểm Trường Tiểu học Hòa Bắc tại thôn Tà Lang, năm học 2019-2020, nhà trường được tài trợ một góc truyền thống, trưng bày những vật dụng gắn liền với cuộc sống của người Cơ tu những thế hệ trước như: cái gùi, tù và, cung tên, các loại đàn, qua đó giúp học sinh hiểu hơn về cuộc sống của cha ông ngày trước.

Trường Mầm non Hòa Phú luôn khuyến khích phụ huynh người đồng bào Cơ tu trang bị cho các em nhỏ trang phục truyền thống để mặc vào những dịp lễ, hội do lớp, trường tổ chức. Trong ảnh: Các em nhỏ cùng cô giáo người Cơ tu ở điểm Trường Mầm non Hòa Phú tại thôn Phú Túc trong sắc áo thổ cẩm truyền thống.  Ảnh: MAI HIỀN
Trường Mầm non Hòa Phú luôn khuyến khích phụ huynh người đồng bào Cơ tu trang bị cho các em nhỏ trang phục truyền thống để mặc vào những dịp lễ, hội do lớp, trường tổ chức. TRONG ẢNH: Các em nhỏ cùng cô giáo người Cơ tu ở điểm Trường Mầm non Hòa Phú tại thôn Phú Túc trong sắc áo thổ cẩm truyền thống. Ảnh: MAI HIỀN

Ở điểm Trường Mầm non Hòa Phú tại thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), các em nhỏ cũng được bố mẹ sắm cho những chiếc váy, áo thổ cẩm để mặc vào những dịp lễ, hội do lớp, trường tổ chức. Trong khuôn viên sân trường tại điểm Trường Mầm non Hòa Phú và điểm Trường Mầm non Hòa Bắc ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc), nhà trường còn tái hiện mô hình nhà Gươl thu nhỏ nhằm đưa những nét đặc trưng văn hóa của người Cơ tu đến gần hơn các em...

Nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống

Những chiếc váy, áo thổ cẩm đã đồng hành với hàng trăm học sinh người Cơ tu trên hành trình chinh phục tri thức gần 3 năm nay. Đây là kết quả từ những nỗ lực của các cấp chính quyền cùng nhà trường. Theo đó, nhằm khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc Cơ tu, năm 2018, UBND xã Hòa Bắc tổ chức cho học sinh bậc tiểu học tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí mặc trang phục truyền thống khi đến trường vào sáng thứ Hai hằng tuần. UBND xã kêu gọi nguồn xã hội hóa được 50 triệu đồng để trao tặng 106 bộ trang phục truyền thống Cơ tu cho 20 học sinh lớp mẫu giáo lớn và 86 học sinh tiểu học.

Có thể nói, việc tổ chức cho học sinh mặc đồ thổ cẩm đến trường là tiền đề để khôi phục nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ tu đang dần mai một do điều kiện cuộc sống khó khăn. Ông Trương Thanh Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho hay: “Khôi phục nghề dệt thổ cẩm của người Cơ tu là một trong những nội dung trọng tâm để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cũng như phát triển du lịch sinh thái cộng đồng của đồng bào Cơ tu tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí. UBND xã mong muốn qua việc tổ chức cho học sinh mặc trang phục truyền thống đến trường sẽ tạo động lực để bà con phối hợp cùng chính quyền địa phương trong hành trình khôi phục lại nghề truyền thống này, cũng như giúp người dân thêm yêu sắc áo truyền thống”.

Tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, năm học 2018-2019, qua nguồn kinh phí được nhà trường vận động, 58 học sinh Cơ tu được tặng trang phục truyền thống. Năm học 2019-2020, nhà trường vận động và đặt các nghệ nhân người Cơ tu ở thôn Tà Lang, Giàn Bí dệt, may 62 cặp thổ cẩm, tặng cho học sinh đang theo học tại trường. Trong năm học 2020-2021, nhà trường tiếp tục vận động để có kinh phí may 63 bộ đồ thổ cẩm tặng cho học sinh. Thầy Phạm Minh Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương thông tin thêm: “Hiện toàn trường có 225 học sinh, trong đó có 63 em là người đồng bào Cơ tu. Tháng 2-2020, nhà trường mời một nghệ nhân ở thôn Giàn Bí về trường dạy cho học sinh Cơ tu múa điệu tung tung da dá. Trường có kế hoạch làm một phòng truyền thống của người Cơ tu tại khu nội trú của các em”.

Tại xã Hòa Phú, năm 2019, UBND xã cũng vận động được 100 bộ đồ thổ cẩm để tặng cho học sinh bậc tiểu học. Đoàn Thanh niên các trường tập cho học sinh điệu múa tung tung da dá; các trường đưa nội dung về văn hóa đồng bào Cơ tu vào bài giảng các tiết học về lịch sử địa phương, sinh hoạt ngoại khóa. Sau gần 3 năm, một số học sinh không còn mặc vừa trang phục truyền thống được tặng. Trước thực tế này, UBND xã Hòa Bắc và Hòa Phú tiếp tục kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tặng trang phục truyền thống cho học sinh người Cơ tu. “Hiện đời sống bà con đồng bào Cơ tu còn khó khăn, trong khi những bộ đồ thổ cẩm có giá thành khá đắt, bà con dường như không đủ khả năng tự trang bị cho con em mình. Vì vậy, UBND xã sẽ kêu gọi, vận động để tặng trang phục truyền thống cho các em học sinh và cả người lớn”, ông Trương Thanh Nhân thông tin.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.