Người sinh ra để thuộc về bầu trời

.

Đọc lại những nét chữ của thời trai trẻ, nhiều trang nét mực đã phai màu, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhận ra những trang nhật ký ấy không chỉ viết cho riêng mình mà viết về cả một tập thể những phi công thời bấy giờ. Những trang viết đầy cảm xúc về tình yêu đất nước của họ, những suy nghĩ về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn, những chiến công, thành tích mà họ đã đạt được và cả những mất mát trong chiến tranh...

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Đức Soát vừa ra mắt cuốn Nhật ký phi công tiêm kích.

Một thế hệ vàng phi công anh hùng

Tháng 12-2020, cầm trên tay cuốn Nhật ký phi công tiêm kích của Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát, hơn 400 trang nhật ký giúp tôi hiểu hơn về ông và đồng đội của ông, hiểu hơn về một thời - một thế hệ vàng phi công anh hùng đã sống, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như nhà thơ Hữu Việt - con trai của nhà văn Hữu Mai - tác giả tiểu thuyết Vùng trời đã nhận xét: Trung tướng Nguyễn Đức Soát là người “sinh ra để bay lên, sinh ra để thuộc về bầu trời…”.

"Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày tôi viết những dòng nhật ký đầu tiên. Thật bất ngờ khi đọc lại những trang giấy ố vàng, tôi được sống lại cùng đồng đội trong một thời khắc lịch sử đầy thử thách nhưng cũng thật hào hùng của dân tộc"

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát

Nhật ký của ông ghi từ ngày 20-3-1966 (sau khi sang Liên Xô 8 tháng), viết đều từ khi học bay đến khi về nước tham gia chiến đấu, và dừng lại ở ngày 31-12-1972, một ngày sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Nhật ký được viết trong 5 cuốn sổ nhỏ nhưng 2 cuốn bị thất lạc. Những trang nhật ký công bố lần này mô tả trung thực suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc và trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc. Qua những trang nhật ký, người đọc hiểu những chiến công oanh liệt và những tổn thất không gì bù đắp của một lớp phi công trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường. Họ đã anh dũng đối đầu với những cỗ máy chiến tranh hiện đại của đối phương, góp phần cùng quân và dân miền Bắc hai lần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ.

Ngày 13-3-1969, phi công Nguyễn Đức Soát đã bắn rơi một chiếc máy bay không người lái của Mỹ. Nhật ký ngày hôm đó, ông viết: “Lòng mình đang xốn xang một niềm vui khó tả. Niềm vui thật trẻ con, làm mình cứ rạo rực, lâng lâng. Sáng nay mình đã bắn rụng một máy bay không người lái. Nó rơi ở Bắc Phủ Lý”. Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, cái khó của đánh máy bay trinh sát không người lái là do chúng bay thấp, máy bay nhỏ nên radar rất khó bắt được mục tiêu.

Đặc biệt, năm 1972 là dấu ấn, mốc thời gian không thể quên đối với Trung tướng Nguyễn Đức Soát. Ngày 23-5, ông lập chiến công lần đầu tiên khi bắn hạ chiếc A-7B của Hải quân Mỹ. Ngày 24-6, đúng sinh nhật, ông bắn tên lửa hạ chiếc F-4E do Đại úy David B. Grant và Đại úy William David Beekman điều khiển. Ba ngày sau, ông hạ một chiếc F-4E của Mỹ bằng tên lửa R-3.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND  Nguyễn Đức Soát và cuốn Nhật ký phi công tiêm kích. Ảnh: H.T.P
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát và cuốn Nhật ký phi công tiêm kích. Ảnh: H.T.P

Một cột mốc quan trọng khác: Ngày 26-8-1972, Nguyễn Đức Soát tiếp tục lập chiến công khi bắn hạ chiếc F-4J duy nhất của Thủy quân lục chiến Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ông ghi chiến công cuối cùng của mình vào ngày 12-10-1972 khi bắn hạ chiếc F-4E của Mỹ.

Muốn nhật ký mãi mãi đi theo mình

Trung tướng Nguyễn Đức Soát tâm sự: “Tôi nhập ngũ vào không quân ngày 4-7-1965. Ngày 27-7 năm đó, tôi cùng 58 học viên khác lên tàu từ ga Hàng Cỏ (Hà Nội) đi sang Liên Xô học lái máy bay chiến đấu. Do nhu cầu cần sớm có lực lượng không quân bổ sung cho các lớp phi công đàn anh đang chiến đấu, lớp chúng tôi được phía Việt Nam đề nghị Liên Xô đào tạo nhanh nhất có thể. Vậy là chỉ sau 2 năm 9 tháng, chúng tôi đã bay xong chương trình đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu MiG-21, loại máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Liên Xô thuở ấy, trong khi chương trình đào tạo của bạn phải mất 5 năm”.
Kể về lý do công bố nhật ký sau hơn 54 năm giấu kín, Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho biết, cách đây ít lâu, Ban liên lạc Cựu chiến binh Không quân đề nghị ông viết một bài nhân 65 năm Ngày truyền thống Không quân. Để lấy tư liệu, ông lật mở những cuốn sổ tay cũ kỹ, đọc lại nhật ký của mình. “Thật bất ngờ khi đọc lại những trang giấy đã ố vàng vì thời gian, tôi thấy mình như gặp lại những người bạn thời xưa, gặp lại giai đoạn hào hùng của đất nước, thấy được lòng yêu nước, khát khao chiến đấu của cả thế hệ thanh niên thời bấy giờ, đồng thời như được sống lại cùng đồng đội với tràn trề khát vọng trong một thời khắc lịch sử đầy thử thách nhưng cũng thật hào hùng của dân tộc”, ông chia sẻ.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát cũng tiết lộ rằng, vì muốn nhật ký sẽ mãi mãi đi theo mình, nên trong những năm chiến tranh, ông luôn mang theo, bỏ vào túi áo ngực bên trái, bên cạnh khẩu súng ngắn trong cả những chuyến bay huấn luyện lẫn xuất kích chiến đấu. “Một mặt để tiện ghi chép, nhưng chủ yếu là để nếu không may lâm nạn, nhật ký sẽ mãi mãi đi theo tôi”, ông tâm sự.

Đọc lại những nét chữ của thời trai trẻ, nhiều trang nét mực đã phai màu, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhận ra những trang nhật ký ấy không chỉ viết cho riêng mình mà viết về cả một tập thể những phi công thời bấy giờ. Những trang viết đầy cảm xúc về tình yêu đất nước của họ, những suy nghĩ về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn, những chiến công, thành tích mà họ đã đạt được và cả những mất mát trong chiến tranh... Vì vậy, ông quyết định công bố nhật ký với mong muốn nhiều người biết thêm về cuộc đời của những người lính không quân trẻ tuổi trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát sinh ngày 24-6-1946 tại Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), nhập ngũ ngày 4-7-1965, là phi công tiêm kích MiG-21, SU-22, SU-27. Từ anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, Nguyễn Đức Soát đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND khi mới 27 tuổi. Trung tướng Nguyễn Đức Soát từng giữ chức vụ: Tư lệnh Quân chủng Không quân, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

HOÀNG THU PHỐ

;
;
.
.
.
.
.