Chỉ cần thật sự tốt

.

Tôi tìm đến “Bếp nhà Hiền” theo đúng như lời bạn nhắn. “Bếp nhà Hiền” là quán ăn nằm sâu trong hẻm nhưng không hề chật hẹp, ngược lại quán còn có hẳn hai tầng rộng rãi, tầng dưới dành cho khách để xe và trồng mấy cái cây to đang mùa rụng hoa trắng xóa, các bàn ăn đặt ở tầng trên.

Bạn tôi đã chọn quán này. Bạn bảo vì xa cơm nhà quá lâu nên mày mò trên mạng, thấy tên quán cưng quá nên chọn luôn. Mà đúng cưng thật, xa xa trên góc tường, khắc lên trên tấm gỗ màu vàng sậm là dòng chữ gợi cảm giác thân thương: “Món Hiền nấu, cho nhà ăn”. Đại ý là cô đầu bếp tên Hiền chế biến món ăn như đang nấu cho chính người thân dùng, sạch sẽ, tươm tất, chuẩn vị cơm nhà.

Trong lúc ngồi đợi món, chúng tôi ngắm quán, cùng nhau huyên thuyên đủ thứ cũng về… cái quán. Đầu tiên là cái sân gạch rộng phủ hoa trắng xóa ở tầng dưới. Kế đến là chiếc cầu thang bằng sắt hình xoắn ốc kiêm luôn vai trò giếng trời được bố trí lùi vào ngay chính giữa. Tiếp theo là những bộ bàn ghế bằng gỗ được thiết kế theo dạng băng dài, chiếm diện tích nhưng lại tạo cảm giác thoải mái và gần gũi cho thực khách. Còn nữa, từ xa xa sau căn bếp đang vẳng lên những bản nhạc êm đềm. Ai đó từng nói, các món ăn chắc chắn sẽ ngon và tốt cho sức khỏe hơn nếu chúng được chế biến bởi một người đầu bếp vui vẻ. Vậy nên nếu ở những quán cà phê này nọ, chủ quán sẽ mở nhạc theo gu của khách, thì ở đây, khách chỉ được nghe ké, người cần hạnh phúc đầu tiên chính là Hiền.

Quán đặt khoảng 10 bàn, trong đó có 3 bàn chìa ra khoảng rộng phía ban công. Bên chậu sứ nhỏ đặt một bát gỗ trầm vi vút tỏa lên vài sợi khói, mùi thơm thoang thoảng tạo cảm giác như Tết sắp về. Các bàn đều kín khách nhưng tiếng nói cười nhỏ nhẹ ý tứ. Người bàn này trao ánh nhìn cho người bàn  kia như thể đồng điệu về nơi chốn mình đang có mặt.

Một lúc sau, thức ăn được dọn lên. Mực luộc, cá bớp kho cà, canh khế và bắp bò xào cải chua. Chưa thử nhưng nhìn dĩa cải xào được phủ đầy tỏi trắng, ớt đỏ thật bắt mắt. Những mẫu tỏi được băm nhỏ nhưng không hề nát, vẫn giữ được góc cạnh của những khối vuông tí hon. Thử một miếng, dưa cải đúng chuẩn nhà làm. Những ngồng cải được muối chua vừa chín tới, đã khử hết mùi hăng. Những món còn lại cũng đang bốc khói nghi ngút, nóng hổi và thơm phức.

Đang bàn luận về chuyện ăn uống, tôi kể với bạn về một quán trà độc bản mà mình từng có dịp ghé thăm ở tỉnh Thái Bình. Vì sao gọi là trà độc bản? Vì để có được những mẻ trà ngon, chủ quán đã lên Hà Giang, cùng những người dân bản địa đi hái búp từ những cây chè cổ thụ mọc hoang dã trên những đỉnh núi có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển. Những lá chè ở đây thơm ngon và đượm vị không những nhờ mùi đất, mùi nước mà còn có mùi gió trời và sương núi. Ngoài ra, quy trình sao khô, bảo quản và pha trà cũng rất kỳ công. Chủ quán phải dùng hết tất cả các giác quan để nhìn, lắng nghe và cảm nhận. Mắt nhìn màu tái của lá trà khi được phơi dưới nắng hay sao trên lửa, tai nghe tiếng lá trà lách tách đánh vào nhau, và mũi ngửi hương thơm của trà để phân biệt. Chủ quán trà nói, tùy nguồn nước, nhiệt độ sôi và dụng cụ hãm trà mà cho ra những chén trà có hương vị khác nhau. Tuy nhiên, nếu đến tận quán của anh dùng thì khách sẽ thưởng thức và cảm nhận một vị trà riêng biệt, khó gặp: Khi mới nhấp, trà sẽ vừa chát vừa ngậy, thơm thoang thoảng như mùi gạo rang, sau một lúc sẽ cảm nhận được vị ngọt hậu, thanh thanh.

Bạn hỏi sao tôi có thể nhớ tường tận nhiều chi tiết đến thế trong một câu chuyện trôi qua đã lâu. Tôi bảo, có lẽ vì tôi yêu không gian giản dị của góc quán ấy, thương nhớ vị của những chén trà khó trộn lẫn ấy, quý mến tinh thần lao động đầy tử tế của anh chủ quán ấy, nơi ấy thực sự tốt. Bạn cười: Ờ, biết đâu mai mốt mình cũng sẽ say sưa kể cho những người bạn khác về “Bếp nhà Hiền”, về góc sân hoa rơi, về món cải chua, về mùi trầm thơm quyện du dương vào tiếng nhạc...

Phải rồi, chỉ cần ai đó tốt, nơi nào đó thực sự tốt thì mọi người không chỉ tìm đến, mà bằng cách nào đó còn muốn được ở lại, trở lại nhiều lần hơn. Và tất nhiên, kể về người đó, nơi đó cũng là một cách trở lại đầy chậm rãi, và dịu dàng.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.