Người trẻ và cổ phục

.

1. Xúc động và xúc động, là tất cả cảm xúc ngập tràn trong tôi khi nhìn thấy hàng trăm bạn trẻ nô nức khoác cổ phục nước nhà và lan tỏa tình yêu, niềm đam mê văn hóa Việt trong ngày hội về cổ phong, cổ phục Việt Nam do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức vào những ngày đầu tháng 1 này.

Một hoạt động trong ngày hội về cổ phong, cổ phục Việt Nam do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức. Ảnh: hcmussh.edu.vn
Một hoạt động trong ngày hội về cổ phong, cổ phục Việt Nam do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức. Ảnh: hcmussh.edu.vn

Những người trẻ của 12 hội/nhóm đã mang đến ngày hội các gian hàng nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam. Gian hàng Vương Sư Kiên Duệ - một “hợp tác xã” của những người đam mê văn hóa võ học cổ - không chỉ giới thiệu các võ phục truyền thống mà còn hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm nghệ thuật cung nỏ. Gian hàng của Đại Nam Hội quán gây ấn tượng khi phục dựng phong tục tập quán của người Nam Kỳ xưa, đặc biệt là cách trưng bày thờ cúng của người miền Nam theo quy tắc “Đông bình Tây quả”. Gian hàng của Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, Great Vietnam, Ỷ Vân Hiên, Hoa Niên… khiến người xem mê mẩn với các trang phục cổ triều Nguyễn như áo ngũ thân, áo giao lĩnh, long bào và trang phục các phi tần thời xưa cầu kỳ, tinh xảo.

Các bạn trẻ hạnh phúc trong tà áo cổ xưa, nhiệt tình giới thiệu và giải đáp thắc mắc về các cổ phục. Tình yêu nước đã được thế hệ trẻ thể hiện bằng cách rất riêng. Các bạn gìn giữ và làm giàu những giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha để lại với sự nghiên cứu bài bản, công phu, với việc phỏng dựng cổ phục được thực hiện nghiêm cẩn. Tình yêu nước cũng dạt dào trong sự say mê lắng nghe của gần 3.000 lượt bạn trẻ đến với ngày hội để hiểu hơn và thương hơn văn hóa dân tộc.

2. Có thể thấy, cổ sử không còn là mối quan tâm của nhóm nhỏ những nhà nghiên cứu mà trở thành mối quan tâm chung của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Từ việc yêu thích riêng lẻ của một cá nhân, mọi người tham gia các hội/nhóm để cùng chia sẻ niềm yêu cũng như các tư liệu quý giá. Từ đây, nhiều dự án cổ phong ra đời, góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị cổ phục nói riêng và giá trị văn hóa, lịch sử nói chung. Bên cạnh các dự án lớn, tình yêu văn hóa truyền thống còn len lỏi và phổ biến trong đời thường với trào lưu chụp ảnh cưới, chụp ảnh kỷ yếu… cùng cổ phục. Với không ít người, cổ phục còn trở thành trang phục hằng ngày.

3. Văn hóa, lịch sử của mỗi dân tộc luôn là một dòng chảy không ngừng. Và người trẻ là thế hệ kế thừa khẳng định sức sống mạnh mẽ của “mảnh hồn dân tộc” ấy. Thế nhưng, chúng ta vẫn thường đau đáu về tình trạng người trẻ thờ ơ với lịch sử nước nhà. Nhận định này dường như được đưa ra từ chỉ số duy nhất: điểm số môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia mỗi năm. Thiết nghĩ, điều này dường như thiếu công bằng với các bạn trẻ.

Tương lai của quá khứ vẫn đang được nối tiếp từng phút giây từ những măng non của đất nước. Thực tế cho thấy, giới trẻ Việt Nam vẫn đang thể hiện tình yêu quá khứ bằng nhiều cách khác nhau. Trong bối cảnh internet, mạng xã hội phát triển, việc tiếp cận lịch sử đất nước cũng không dừng lại ở những trang sách trong trường học mà đa dạng hơn rất nhiều. Vậy nên, phải chăng, thay vì đánh giá học trò quay lưng với môn Lịch sử, cần đổi mới việc dạy và học theo xu hướng tiếp cận phù hợp với sự phát triển hiện nay.

Lịch sử không nên chỉ là môn khoa học đơn thuần, truyền tải thông tin mà hơn hết là một trong những cách thức để nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Vì thế, nếu Lịch sử chỉ bó hẹp trong những sự kiện “học thuộc” răm rắp thì rất khó để khơi gợi hứng thú tìm tòi, quan tâm của học sinh.

Để lịch sử đi cùng đời sống, chúng ta cần sự chung tay của cả cộng đồng, không riêng ngành giáo dục hay bất cứ cá nhân nào. Giáo viên không chỉ là người dạy học mà còn là người truyền cảm hứng với các bài giảng phù hợp sự quan tâm khác nhau của từng nhóm học trò. Bộ GD-ĐT thiết kế chương trình học với những câu chuyện lồng ghép sự kiện khô khan, liên kết lịch sử với cuộc sống, tăng cường thực địa… Người họa sĩ tái hiện lịch sử bằng tranh. Người nhạc sĩ kể lịch sử bằng giai điệu. Người làm phim mang đến những hình ảnh rung động về một thời quá vãng…

KHA MIÊN

;
;
.
.
.
.
.