Đà Nẵng cuối tuần

Chăm lo, bồi dưỡng tài năng trẻ

Gieo tình yêu nghệ thuật truyền thống

14:16, 28/02/2021 (GMT+7)

Để lớp trẻ yêu thích, say mê nghệ thuật dân tộc, các trường học trên địa bàn Đà Nẵng tổ chức nhiều chương trình giúp các em tiếp cận nhiều hơn, hiểu được giá trị của các loại hình di sản phi vật thể này.

Sân chơi Chúng em hát dân ca và hô hát bài chòi tạo điều kiện để học sinh thể hiện tài năng với bộ môn nghệ thuật truyền thống. Ảnh: Q.T
Sân chơi Chúng em hát dân ca và hô hát bài chòi tạo điều kiện để học sinh thể hiện tài năng với bộ môn nghệ thuật truyền thống. Ảnh: Q.T

1. Ngày 7-12-2020, kỷ niệm 3 năm nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Song, không phải chờ đến thời điểm vinh danh mà từ hơn 10 năm trước, thực hiện chương trình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, từ năm 2009, Phòng Văn hóa và Thông tin (VH&TT) huyện Hòa Vang phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện triển khai chương trình đưa dân ca vào trường học. Theo đó, các lớp học dân ca, bài chòi miễn phí được mở ra. Người dạy cũng là những người thường biểu diễn bài chòi, dân ca như các nghệ nhân Nhật Lệ, Thế Dân, Thanh Châu, Hữu Quế, Thùy Ninh trực tiếp về các trường hướng dẫn và truyền đạt các làn điệu dân ca cho học sinh.

Nhiều bạn trẻ từ nhỏ được sống trong môi trường có người nhà yêu thích, hay hát bài chòi, dân ca nên tham gia lớp vì tò mò, muốn biết vì sao ông bà, cha mẹ mình lại mê dân ca, bài chòi như vậy. Đến lớp rồi, các em được nghe các cô chú, anh chị hát, được truyền dạy những câu hò, điệu lý dân ca, điệu hô bài chòi đơn giản, lâu dần mê say, yêu thích và trở thành những hạt nhân nòng cốt trong CLB văn nghệ của trường. Thảo Uyên (học lớp 7 Trường THCS Huỳnh Ngọc Huệ, con gái của nghệ nhân Huyền Tân) tham gia sinh hoạt tại CLB Em hát dân ca của trường 2 năm nay. Từ nhỏ, Uyên đã được mẹ dạy hát các điệu lý dân ca nên có sự cảm âm tốt. Qua các buổi học với cô giáo âm nhạc, em hát được 4 làn điệu chính của nghệ thuật bài chòi (xuân nữ, cổ bản, xàng xê, hồ quảng). Trong đó, làn điệu xuân nữ - được xem là làn điệu khó nhất,  vậy mà em hát rất ngọt. “Em thấy hát bài chòi khó nhất là việc luyến láy sao cho tròn vành, rõ chữ, phải xử lý cách rung giọng để câu hát ngọt ngào; đồng thời phải biết kết hợp với việc giữ nhịp. Nếu đã bắt được nhịp rồi thì sẽ hát được dễ dàng hơn. Những bài tập được các thầy cô chọn hướng dẫn cho các em bên cạnh những bài truyền thống, cơ bản còn có các bài lời mới, phù hợp với đời sống hiện đại chúng em cũng dễ tiếp thu, không thấy nhàm chán”, Uyên nói.

Ông Lê Đinh Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Hòa Vang cho hay, năm 2011, nhằm mở rộng việc đưa dân ca vào tất cả các trường học trên địa bàn huyện, tiến tới thành lập CLB Em hát dân ca ở tất cả các trường, Trung tâm Văn hóa và Thể thao phối hợp với Phòng GD&ĐT tổ chức lớp bồi dưỡng hát dân ca cho đội ngũ giáo viên phụ trách môn âm nhạc và giáo viên có năng khiếu âm nhạc của từng trường. Năm 2019, nhằm tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy loại hình văn nghệ dân gian, nghệ thuật bài chòi - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; thực hiện mở rộng và phát triển chương trình đưa dân ca vào trường học, Trung tâm Văn hóa và Thể thao phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang và Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố Đà Nẵng mở lớp bồi dưỡng nghệ thuật sân khấu học đường huyện Hòa Vang. “Việc đào tạo đội ngũ kế cận nhằm giữ gìn và lưu truyền nghệ thuật truyền thống là điều chúng tôi rất quan tâm. Những nghệ nhân như Nhật Lệ, Thế Dân, Thanh Châu, Hữu Quế, Thùy Ninh… ngoài giờ làm việc, đi biểu diễn, lại nhiệt tình tham gia lớp dạy miễn phí này với một niềm say mê, tận tâm. Với âm nhạc truyền thống, chúng ta phải thường xuyên vun đắp, truyền cảm hứng thì mới khơi gợi, phát huy tình yêu với làn điệu dân ca, bài chòi truyền thống cho thế hệ trẻ”, ông Hải nói.

Theo nghệ nhân Huyền Tân, nghệ thuật hát bài chòi hiện nay chỉ được các em biết đến trong những ngày hội văn hóa dân gian hoặc các ngày hội lớn khác do nhà trường tổ chức. Giữ lửa, bảo tồn và phát huy nghệ thuật ấy cho lớp trẻ cũng là cách để những người đi trước thêm yêu nghề, gắn bó với nghệ thuật dân gian truyền thống. Nhiều bạn nhỏ ở các lớp học này đã tham gia và giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi dân ca, bài chòi do quận/huyện, thành phố tổ chức. Những lớp học cơ bản này cũng là nơi để tìm kiếm, phát hiện và vun đắp lâu dài những tài năng, bồi dưỡng thêm cho những em có năng khiếu, đam mê, đào tạo đội ngũ hát dân ca, bài chòi, tuồng của thành phố sau này một cách hiệu quả, bền vững. “Có nghe các em hát mới thấy các em dành cho âm nhạc truyền thống tình yêu rất chân thành và cách các em thể hiện cũng rất tuyệt vời. Chỉ cần tạo cho các em một sân chơi thường xuyên, lâu dài”, Huyền Tân nói.

2. Bên cạnh bài chòi, tuồng là bộ môn nghệ thuật truyền thống xứ Quảng cần được bảo tồn. Đứng trước nguy cơ nghệ thuật tuồng mai một dần, đặc biệt là giới trẻ thờ ơ với các vở tuồng mà cha ông ta tạo dựng từ đời này qua đời khác, việc giáo dục nghệ thuật truyền thống cho học sinh là trọng trách của cả cộng đồng, trong đó nhà trường giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Nhiều năm nay, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phối hợp cùng các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố triển khai công tác đưa nghệ thuật sân khấu tuồng đến với học đường. Nhà hát phối hợp với các trường tổ chức những buổi nói chuyện, tọa đàm và biểu diễn một số tiết mục nghệ thuật tuồng đặc sắc trong các buổi học ngoại khóa nhằm giúp học sinh hiểu và yêu hơn nghệ thuật tuồng của dân tộc và quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho hay, nghệ thuật truyền thống cần phải được nhen nhóm, khơi gợi từ sớm cho thế hệ trẻ. Nhưng để giữ ngọn lửa ấy lâu dài, lan tỏa trong cộng đồng là câu chuyện dài hơi, cần sự chung tay, hỗ trợ của nhiều cấp, ngành, chính quyền cùng với các nghệ nhân, nghệ sĩ. “May mắn là từ khi tổ chức chương trình phối hợp (từ năm 2015) đến nay, chúng tôi nhận được sự hợp tác rất nhiệt tình từ các trường THCS, THPT trên địa bàn. Qua nhiều buổi biểu diễn mới thấy tuy nghệ thuật tuồng với các em học sinh còn mới lạ, hầu như các em chưa biết gì về tuồng nên có phần bỡ ngỡ nhưng các em rất hào hứng đón xem. Sau buổi diễn, các em còn được giao lưu với các nghệ sĩ, trả lời những câu hỏi của nghệ sĩ về những nhân vật tuồng tiêu biểu, về nội dung trong vở diễn vừa được xem. Sự nhiệt thành đón nhận vở diễn của các em là niềm động viên tinh thần rất lớn đối với các nghệ sĩ”, ông Tuấn nói.

Không chỉ riêng Đà Nẵng, để gìn giữ, khơi dậy và phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã chủ trương đưa các môn nghệ thuật truyền thống vào chương trình học ngoại khóa. Đây là cách để lớp trẻ yêu thích, say mê nghệ thuật dân tộc, tránh tình trạng các môn nghệ thuật truyền thống bị thất truyền, mai một; đồng thời tạo cơ hội cho học sinh mở rộng kiến thức, góp phần đào tạo đội ngũ kế cận.

QUỲNH TRANG

.