Đà Nẵng cuối tuần

Chăm lo, bồi dưỡng tài năng trẻ

Ươm mầm nghệ thuật

09:10, 28/02/2021 (GMT+7)

Cùng với việc rất nhiều trẻ em được bố mẹ đầu tư cho học một vài môn năng khiếu từ nhỏ, hàng chục trung tâm dạy năng khiếu ra đời giúp phụ huynh có thêm nhiều sự lựa chọn để có thể khơi gợi một năng khiếu tiềm ẩn ở trẻ, phát hiện sớm và bồi dưỡng, tạo tiền đề cho một ngành nghề phù hợp trong tương lai của con.

Lớp học thanh nhạc tại Cung Thiếu nhi Đà Nẵng. Ảnh: H.N
Lớp học thanh nhạc tại Cung Thiếu nhi Đà Nẵng. Ảnh: H.N

Nâng bước cho con

Phần lớn phụ huynh đều mong muốn con của mình tự tin hơn, năng động hơn. Sự tự tin ở trẻ có thể là việc can đảm thuyết trình trước lớp, trả lời câu hỏi của giáo viên, hát một bài hát trước nhiều người, không ngại kết bạn và trao đổi kiến thức… Thực tế cho thấy khi trưởng thành, những đứa trẻ càng tự tin trong giao tiếp, cử chỉ hành động thì càng có khả năng thành công trong cuộc sống. Bởi thế, hiện nay, rất nhiều trẻ được bố mẹ cho theo học các lớp năng khiếu, từ học đàn, múa, hát, ngoại ngữ đến nhảy nghệ thuật, thể thao…

Việc học năng khiếu ấy, “trước hết là giúp con vui, giống như một buổi thư giãn sau giờ học ở trường, sau nữa là nếu con có năng khiếu thực sự, ba mẹ sẽ đầu tư cho con học bài bản để cháu có cơ hội theo đuổi lâu dài. Tôi thấy mấy đứa cháu trong nhà cũng khó theo đuổi được, nhất là khi ba mẹ không làm việc ở lĩnh vực nghệ thuật, nên cỡ 14, 15 tuổi là “rơi rụng” hết. Đó là chưa kể, chương trình học chính khóa tại trường khá nặng nên các cháu không có thời gian tập luyện thường xuyên. Đó cũng là điều đáng tiếc, nhưng khi cháu thích thì gia đình tôi vẫn đầu tư cho con”, chị T.T.K.P, một phụ huynh có con đang theo học thanh nhạc tại một trung tâm năng khiếu trên đường Nguyễn Hữu Thọ cho biết.

Con gái của anh Nguyễn Phú (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, cháu có chất giọng đặc biệt và rất tự tin khi biểu diễn trước đông người. Khoảng một năm nay, anh Phú gửi con học thêm thanh nhạc ở lớp của nhạc sĩ Phạm Quang Trung một tuần 2 buổi. Anh nhận thấy giọng của con “có chất” hơn, giọng chuẩn hơn, độ chuyên nghiệp cũng tốt hơn. Vợ chồng anh đầu tư cho con học thanh nhạc bài bản cũng chỉ mong con sau này bước ra xã hội ngoài nghề nghiệp thì con có năng khiếu riêng để cuộc sống vui hơn, có thể hoạt động phong trào dễ hơn. Song, con gái anh đặc biệt thích hoạt động nghệ thuật và muốn theo học tại Học viện âm nhạc. Do đó, anh Phú dự định sẽ cho con học thêm đàn bên cạnh thanh nhạc để có thể vừa đàn, vừa hát, tạo một nền tảng vững chắc với lựa chọn của con.

Chị Dương Thị Hà (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, cô con gái học lớp 2 của chị bắt đầu học thanh nhạc được khoảng hơn nửa năm nay. “Quan điểm của tôi là ở lứa tuổi tiểu học, bé thích học gì thì cho học nấy để khám phá sở thích và năng khiếu. Thấy bé thích nên tôi đăng ký cho bé học hát, mục đích là bé được thư giãn và học thanh nhạc cũng giúp bé tự tin trước đám đông, mạnh dạn hơn trong giao tiếp”, chị Hà chia sẻ.

Chị Hà khẳng định không định hướng lâu dài hay kiểu chuyên nghiệp cho con, bé thích môn năng khiếu gì thì cho học môn đó, vì có thể bé học một thời gian rồi chuyển sang thích lĩnh vực khác, hoặc bé không còn hào hứng với lĩnh vực đó nữa thì cũng không ép buộc. “Để giúp các bé phát huy tốt, yếu tố tố chất, năng khiếu của bé là quan trọng nhất, sau đó là sự hỗ trợ, tạo điều kiện của ba mẹ để bé có môi trường rèn luyện. Ngoài ra, tâm huyết và kỹ năng của các giáo viên, người hướng dẫn cũng rất quan trọng để khuyến khích và giúp các bé phát huy năng lực, sở trường của mình”, chị Hà nhấn mạnh.

Tạo nền tảng vững chắc

Nhạc sĩ Phạm Quang Trung có lẽ là một trong những người thầy “mát tay” trong đào tạo nhiều học trò học thanh nhạc. Có thể kể đến những tài năng nhí nổi tiếng như em Hồng Minh (quán quân Giọng hát Việt nhí 2015), Gia Kiệt (giải quán quân Ai sẽ thành sao nhí 2017), Tú Uyên (Giọng hát Việt nhí 2013), Uyển Nhi (Giọng hát Việt nhí 2014), Liên Trà (Giọng hát Việt nhí 2015). Nhiều học trò của anh đã thành danh như ca sĩ Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ, Hồng Hà. Nhạc sĩ Phạm Quang Trung chia sẻ, sau những thành công liên tiếp của nhiều học trò, anh mong muốn chọn được những học trò xuất sắc, nổi trội nhất để đào tạo thành hạt mầm. Đó thực sự là những hạt mầm có tài năng, giúp các em có thể thể hiện hết khả năng thiên phú, cộng với một quá trình khổ luyện bài bản để có thể gắn bó lâu dài với con đường âm nhạc.

Việc ươm mầm tài năng nghệ thuật cho trẻ thường bắt đầu khá sớm, khi trẻ 3-4 tuổi, và được cô giáo mầm non hoặc bố mẹ phát hiện. Hiện nay, các trung tâm dạy năng khiếu nhận trẻ từ 4 tuổi, lứa tuổi các bé đã biết nhận thức, biết nghe lời và có thể làm theo động tác mẫu của giáo viên một cách thuần thục.

Hầu hết các trung tâm đào tạo nghệ thuật cho thiếu nhi tại Đà Nẵng đều đào tạo nhiều môn năng khiếu thuộc các bộ môn thẩm mỹ, nghệ thuật, thể dục thể thao, kỹ năng sống... Ngoài trang bị những kiến thức cơ bản về nghệ thuật, còn giúp phát hiện sớm, định hình và phát triển năng khiếu của trẻ. Ông Trần Hiệp, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cung Thiếu nhi Đà Nẵng cho biết, từ khi Cung Thiếu nhi hoạt động ở cơ sở mới, mỗi năm đón khoảng 8.000 lượt học sinh theo học 28 môn năng khiếu, riêng năm 2020 do ảnh hưởng Covid-19 chỉ còn 5.000 lượt học sinh. Các em được bố mẹ đăng ký nhiều nhất là học nghệ thuật (thanh nhạc, múa, nhảy hiện đại, nhạc cụ piano).

Mỗi năm, Cung Thiếu nhi Đà Nẵng tổ chức khoảng 6-7 hoạt động, tạo sân chơi cho các em thể hiện kết quả đã học được. Đội văn nghệ Vàng Anh của Cung Thiếu nhi với hơn 50 thành viên cũng là nơi kết nối, giúp các em tham gia biểu diễn trong các hoạt động ở các trường học, liên hoan văn nghệ của khu vực… “Có một số em học những môn chuyên như hội họa, thanh nhạc, piano đã học qua nhiều khóa, có năng khiếu thực sự, chúng tôi định hướng cho phụ huynh để họ đầu tư bài bản cho con, có thể gửi các em học riêng với giáo viên hoặc giới thiệu cho các em qua học ở Trường Cao đẳng Văn hóa - nghệ thuật Đà Nẵng, Học viện Âm nhạc Huế…”, ông Hiệp chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hoa, người sáng lập Trung tâm Năng khiếu Hoa Anh (quận Hải Châu) cho biết, từ 3 tuổi, các em có thể bắt đầu tham gia lớp học múa, 4 tuổi có thể học âm nhạc. Nhiều năm làm công tác giảng dạy, bà Hoa cho rằng trẻ học nhạc sớm giúp thông minh, tư duy tốt, tạo cho con sự tự tin, sáng tạo. Trung tâm có 150 em đang theo học 6 lớp piano (tương đương 6 cấp độ), được đánh giá và cấp chứng chỉ quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Hoa trong vai trò là Chủ nhiệm CLB Điện ảnh thành phố cũng đang đào tạo một lớp kỹ năng sống thông qua môn học điện ảnh cho 15 em học sinh tại Trung tâm Năng khiếu Hoa Anh, tập trung đào tạo ngôn ngữ, cảm xúc hình thể. Bà Hoa mong muốn đưa về Đà Nẵng một sân chơi mới, có thể đào tạo một thế hệ biết làm những bộ phim ngắn, hay đóng phim quảng cáo. “Điện ảnh còn quá mới mẻ cho lớp trẻ ở Đà Nẵng. Hy vọng những lớp học năng khiếu do chúng tôi mở ra sẽ tạo bước khởi đầu để tương lai có một đội ngũ các em biết làm chủ bản thân, biết sáng tạo với kịch bản phim…”, bà Hoa hy vọng.

Những phụ huynh khi cho con học các lớp năng khiếu đều thực hiện theo kiểu thả cho con chơi, làm quen; khi con đam mê, mới khơi nguồn năng lượng cho trẻ tham gia khóa học. Việc con theo đuổi đến bao lâu chưa biết, song khi cha mẹ thấy được niềm vui trong ánh mắt của con, thấy sự cố gắng, kiên trì và cả hành trình lớn lên từng ngày một của con, họ hy vọng biết đâu con có được nền tảng vững chắc để theo đuổi ước mơ sau này.

"Điện ảnh còn quá mới mẻ cho lớp trẻ ở Đà Nẵng. Hy vọng những lớp học năng khiếu do chúng tôi mở ra sẽ tạo bước khởi đầu để tương lai có một đội ngũ các em biết làm chủ bản thân, biết sáng tạo với kịch bản phim…”
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ nhiệm CLB Điện ảnh thành phố Đà Nẵng

HOÀNG NHUNG

.