“…Đạp toang hai cánh
càn khôn.
Đem xuân vẽ lại
trong non nước nhà…”
(Chơi xuân - Phan Bội Châu)
Rất khó nói hết cảm xúc khi vượt hơn 120km từ Hà Nội về Hải Phòng để có mặt trong căn nhà mái ngói hơn trăm tuổi, uống ly nước vối và nghe những lời ca như thế. Còn ca nương, áo dài năm vạt, trong lĩnh hồng ngoài the đen. Vế phải rải the đen, vế trái lĩnh hồng, ở giữa là giao thoa của màu hồng thắm dưới lần the đen làm dáng vẻ người ca nương thêm yểu điệu, quý phái. Kép đàn thì quần vải mộc trắng, áo dài the đen. Không micro, giọng ca lúc trong vắt, lúc nhấn nhá ứ hự… quyện với phách, đàn và thỉnh thoảng điểm vài khổ trống chầu thong thả, phong lưu.
Một canh hát, ba thế hệ
Rưng rưng với bản Hồng hồng tuyết tuyết, cảm xúc đưa tôi ngược chiều chuyến vượt hơn 120km này, đến với canh hát ca trù đầu tiên tôi có dịp được say đắm ngay giữa lòng Hà Nội. CLB ca trù Thăng Long do chị Phạm Thị Huệ, giảng viên khoa Nhạc cụ truyền thống của Nhạc viện Hà Nội làm đại diện. Không micro, bình sen đang độ và người hát ngồi xen lẫn người nghe!
Ngay lần dự canh hát đầu tiên tôi đã vô cùng thích thú khi chị Huệ giới thiệu một cụ già hơn 70 tuổi: nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, ở Ngãi Cầu, An Khánh, Hoài Đức, Hà Tây. Lan Anh, Nguyễn Thị Nhung là cháu và chắt nội của cụ. Một cô bé mang áo học sinh bảng tên ghi “Huệ Phương, lớp 3D Trường Tiểu học Kim Đồng” đang nhấn nhá “Hồ Tây… ư… hồ Tây sóng nước ư… ư… hứ… bây… ư… bây giờ ư là đây…”.
Trên chiếc sập gỗ sát tường, một ông cụ ngồi xếp bằng, kính trễ gọng, mắt liu riu lắng nghe cậu thanh niên đánh trống. Chị Huệ nói: Cụ Đẹ là kép đàn thôn Cao La, xã Dân Chủ, Tứ Kỳ, Hải Dương. Tám tư tuổi, tóc mây da mồi nhưng cứ tối thứ Bảy đầu tiên của tháng, cụ lại lên xe về Hà Nội. Tám giờ tối mới hát nhưng cụ đến sớm để truyền dạy, sáng hôm sau về.
Tám mươi tư tuổi, đi hai buổi xe cho hai giờ hát!
- Dừng! Cụ Đẹ nói thanh niên đánh trống: Người cầm trống chầu đứng vị thứ cuối nhưng có quyền thưởng phạt. Hát hay thì đánh “chát” vào tang trống. Vì thế phải đánh trống thật chuẩn, phong lưu mà chững chạc. Thế này này: Cầm roi nhẹ nhàng, ngửa bàn tay rồi đảo úp tay đập roi xuống. Tiếng trống phải thanh tao, rắn rỏi, tròn trĩnh.
Ngồi cạnh cụ Đẹ là Văn Tuyến, kép đàn giáo phường Lỗ Khê đang hướng dẫn Thu Thủy (đào đàn trẻ của CLB câu lạc bộ Thăng Long) cách rung, vuốt dây: “vê” là tạo tiếng gió, “cáp” tức đàn thêm tiếng trong khuôn khổ...
Ngoài các nghệ nhân còn có nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam). Mở đầu canh hát là điệu miễu Chơi Hồ Tây của đào nhí Huệ Phương. Tom… tom… tom…! Cụ Đẹ đánh ba tiếng trống gọi. Đào nương Phạm Thị Huệ nâng đàn. Huệ Phương nâng phách cúi chào quan viên rồi tay phải hai lá phách dẹt, tay trái phách tròn, ngân nga: “Mực in vách phấn đề thơ… ư… ư... thơ. Hồ Tây… ư… hồ Tây sóng nước ư… ư… hự…”. Giọng ca như nước ban mai giữa không gian đằm thắm sắc xưa. Hát xong, Huệ Phương dựng phách, tay trái dâng, tay phải đỡ phách cúi chào quan viên. Đào nương Phạm Thị Huệ ca bài Trên vì nước, dưới vì nhà của Nguyễn Công Trứ… “Một mình để vì non vì nước/ Cho kinh luân từ trước đến nghìn sau…”.
Một canh hát, ba thế hệ. (Ảnh chụp tại một canh hát của CLB ca trù Thăng Long, Hà Nội). (Ảnh do đào nương Phạm Thị Huệ cung cấp) |
Các nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan và Bùi Trọng Hiền cho biết, tiếng hát trong ca trù có đặc điểm thường láy lên, láy xuống. Khi bắt giọng vào hát, ả đào ít khi bắt vào tiếng chính ngay mà bắt ở tiếng dưới lên hay ở trên xuống. Khi chuyển tiếng thì ngân dần lên hay dần xuống, dùng âm “y” hay “ư” thay cho âm chính của tiếng hát. Giọng hát lên cao thì lấy xương cuống mũi làm chỗ cho tiếng hát vang lên. Do vậy, đào nương ngậm miệng nhưng vẫn ngân được. Tiếng hát nào cũng từ trong cổ họng phát ra mà vẫn to, vẫn rõ để người ở xa cũng nghe thấy. Đây là điểm rất độc đáo và cũng rất khó khi hát ca trù. Ngoài hát, đào nương phải học đàn và phách. Đó là ba thứ bắt buộc. Đặc biệt là phách. Phách là tiếng hát thứ hai của đào nương. Tiếng hát đáng bậc thủ khoa mà phách nhụt thì hạ bậc ngay. Phách phải quyện với tiếng hát và đàn. Tùy ý thơ, tình thơ mà mau mà thưa, róc rách như suối reo, ríu ran như chim hót...
Về âm nhạc, có hai loại nhạc khí là đàn đáy và phách, trải qua hơn 5 thế kỷ, những nhạc khí này đã trở thành đặc trưng của ca trù, góp phần đưa ca trù trở nên một thể loại thanh nhạc kinh điển của Việt Nam.
Ca trù có nhiều thể: hát thờ, hát chơi và hát chúc hổ (hát chúc thọ nhà Vua, tế thần ở các đình làng). Không chỉ đóng góp vào sinh hoạt của cộng đồng làng xã, của giới trí thức mà ca trù còn góp phần vào các hoạt động lễ tiết của Nhà nước trong khuôn khổ đón tiếp ngoại giao. Lối hát kết hợp khí nhạc cổ với thơ về cây lá, núi sông, khí tiết con người mà trái với chầu văn hát cho người chết, ca trù là hát thờ người sống.
Trân quý loại hình nghệ thuật bác học
Cuối canh hát đầu tiên ấy, tôi được cho phiếu đăng ký tham gia hội viên danh dự của CLB. Vì vậy, tôi đã dự nhiều canh hát và hiểu thêm về ca trù. Rất đúng khi nói “Ca trù là một loại hình nghệ thuật bác học”.
Gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, tư tưởng và triết lý sống người Việt nên ca trù được xem là bộ môn nghệ thuật gọi hồn dân tộc. |
Khí nhạc của canh hát ca trù gồm: cỗ phách, đàn đáy và trống chầu. Phách là nhạc cụ mà khi hát, ca nương gõ vào sênh (làm từ tre hoặc gỗ). Hai lá phách dẹt cầm ở tay phải tạo nên âm thanh dẹt và một lá phách tròn cầm ở tay trái tạo nên âm thanh tròn. Phách tròn và dẹt (còn gọi là phách cái, phách con) đều làm từ gỗ. Tùy vào cách gõ mà cỗ phách tạo nên tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng mạnh, tiếng nhẹ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng dương, tiếng âm... Đàn đáy còn gọi là vô đề cầm, nghĩa là đàn không đáy. Thùng đàn hình chữ nhật hay hình thang, mặt đàn bằng cây ngô đồng. Cần đàn dài 1,2m và có 3 dây tơ: dây đàn (to) dây trung (vừa) dây tiểu (nhỏ) gắn 11 phím bằng tre, phím đầu ở ngay giữa bề dài của dây đàn. Tùy cách nhấn mà tạo tiếng vê, tiếng vẩy, tiếng lia, lúc chân phương, khi dìu dặt. Đàn phải ghim với giọng hát nhưng tiết tấu đan chặt với phách. Chính vì vậy mà ca nương và kép đàn thường đi với nhau, hiếm khi đi với đàn lạ.
Trống thính phòng (ở những canh hát mà tôi đã dự) cao 22cm, mặt trống rộng 20cm (kích thước và hình thức gần giống với trống đế của chèo nhưng cách đánh và chức năng hoàn toàn khác). Dùi trống được gọi là “roi chầu” vì nhỏ tựa chiếc roi, được làm bằng gỗ nguyệt rất quý. Người gõ trống giữ vai trò người thưởng ngoạn (còn gọi là quan viên), thường là tác giả bài hát, vừa đánh trống chầu cho đào nương hát, vừa chấm thưởng khi đào hát hay, hoặc câu thơ hay, đàn hay, phách hay. Người am hiểu thấu đáo âm luật ca trù mới có thể cầm roi chầu được. Vì vậy, điểm thưởng thể hiện tính cách, khả năng âm nhạc, thơ phú của người cầm chầu. Cầm chầu giỏi là không thưởng sai, thưởng liều. Khi đã cùng hòa trong canh hát, tiếng trống trở thành nhạc cụ thứ ba sau phách và đàn, tôn vinh tiếng hát với lời thơ. Tất cả trở thành một bản hòa tấu vô cùng phong phú của nhiều âm sắc, nhiều tính năng khác nhau và luôn có sự thay đổi, biến hóa không ngừng.
Nói về mối quan hệ giữa đàn đáy, phách và tiếng hát, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã viết: “Khi hòa tấu thì đàn ghim với giọng hát, nhưng tiết tấu lại đan chặt chẽ với phách”.
Sự độc đáo của ca trù chính là sự phối hợp đa dạng, tinh vi, nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc. Canh hát ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thể nghiệm và thưởng thức tác phẩm của mình. Vì vậy, mối quan hệ giữa văn nhân với đào nương là mối quan hệ quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù. Nổi tiếng trong mối tơ duyên văn nhân với ca nương là đào Cầm và Nguyễn Du. Văn nhân quân tử xưa ai cũng yêu ca trù. Văn Cao nói “tiếng phách dồn lắng xa…”, “là tiên nhạc vẳng từ tiên giới”...
Ca trù còn có cả múa. Điệu múa Bài bông do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chế tác nhân dịp vua Trần Nhân Tông cho dân mở hội “Thái bình diên yến” 3 ngày, mừng chiến thắng quân Nguyên. Đây là điệu múa sang trọng bậc nhất của ca trù, ca ngợi cảnh sắc đất nước vào xuân, xưng tụng thanh bình sau 3 lần đánh thắng quân Nguyên, tạo nên hào khí Đông A của vương triều nhà Trần. Thời Trịnh, ca trù rất thịnh. Điệu Thổng tương truyền là do Trịnh Sâm soạn. Ca nương Phùng Ngọc Đài được Trịnh Tráng phong vương phi. Trịnh Cương lấy ca nữ họ Trương và phong làm Quốc mẫu…
***
Phải chăng bởi những giá trị nghệ thuật tinh túy mà rất thực tiễn, ngày giỗ Tổ ca trù vào chính xuân? Vì vậy, đầu năm 2020, khi thế giới chao đảo vì đại dịch Covid-19, ngày 23-2-2020 (1-2 âm lịch), ngày Giỗ tổ nghiệp ca trù Việt Nam, Google đã thay đổi hình ảnh Doodle do nghệ sĩ đồ họa Xuân Lê thiết kế hình ảnh về canh hát ca trù. Trong lời giới thiệu, Google ghi: “Hôm nay, Google Doodle kỷ niệm ngày Giỗ tổ ca trù, để tôn vinh một thể loại từng có thời gian là thể loại nhạc truyền thống được tôn sùng nhất của Việt Nam. Âm thanh độc đáo của ca trù có nguồn gốc từ thế kỷ 11, với một phong cách có nét giống như giữa các nghi lễ geisha của Nhật Bản và các màn trình diễn kịch của vở opera…”.
Năm 2009, tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE), ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Ngoài những giá trị về nghệ thuật, lịch sử,…, Hội đồng thẩm định di sản UNESCO còn đánh giá một điểm rất đặc biệt của ca trù là: Trải qua một quá trình phát triển từ thế kỷ XV đến nay. Ca trù thể hiện một ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những giáo phường này đã duy trì các cộng đồng có quan hệ mật thiết, tạo nét đặc trưng cho ca trù. |
NGUYỄN THỊ THU SƯƠNG