“Chín chòi lẳng lặng mà nghe, lẳng lặng mà nghe/ Tui hô cái quân bài, con gì nó ra đây…”, những câu hát xướng quen thuộc vang lên trong không gian rộn ràng, đầy tính ngẫu hứng của trò chơi bài chòi bên dòng sông Hàn khiến những ngày du xuân của người dân thêm thú vị. Không chỉ vui chơi có thưởng, sự hấp dẫn của bài chòi còn ở sự đối đáp ngẫu nhiên, hóm hỉnh của người có nhiệm vụ “đọc” những quân bài…
Hóa trang vào nhiều nhân vật khác nhau, các nghệ sĩ đang cố gắng đưa bài chòi đến gần hơn với công chúng. Ảnh: TIỂU YẾN |
1. Chậm rãi nhấp chén trà, nghệ nhân dân gian hát bài chòi Nguyễn Thực (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) kể mình từng là Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca bài chòi thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu Đà Nẵng, quen thuộc với lối diễn xướng đầy ngẫu hứng đến nỗi khi đọc câu thơ, đoạn thoại cũng thấy ngay nhịp, phách khiến mình ngân nga theo kiểu bài chòi.
Như bao chàng trai miền biển, 15 tuổi, Nguyễn Thực đặt chân xuống thuyền theo những chuyến hải trình xa. Tuy nhiên, chất ngư dân hào sảng cộng tình yêu dành cho bài chòi khiến không ít lần Nguyễn Thực bỏ chuyện đi biển để luyện tập, trình diễn ở các hội làng khắp Quảng Nam, Đà Nẵng. Ông Thực kể, những ngày rong ruổi biển khơi, dân ca bài chòi giúp ông nuôi dưỡng cảm xúc, tạo trò vui cho những người cùng hội cùng thuyền.
Nhiều ngư dân gọi ông Thực là “nghệ sĩ chân quê” bởi những ngày trước Tết, ông bỏ hẳn chuyện đi biển, tập trung luyện giọng cho gần chục thành viên CLB Dân ca bài chòi phường Nại Hiên Đông để chuẩn bị cho Hội bài chòi được tổ chức tại công viên Nại Thịnh Đông, từ ngày mồng 2-12 âm lịch, Tết Tân Sửu 2021. Chính thức thành lập từ tháng 2-2020, nhưng từ Tết năm ngoái, những thành viên CLB Dân ca bài chòi Nại Hiên Đông đã mạnh dạn tổ chức Hội bài chòi chào đón năm mới và nhận được sự động viên, khích lệ của người dân địa phương. Đó cũng là lần đầu tiên loại hình nghệ thuật dân gian này được biểu diễn bởi chính con dân phường biển, tạo nên món ăn tinh thần mới lạ, đầy hào hứng. “Tôi còn nhớ thuở nhỏ, bài chòi chỉ diễn ra trong những ngày đầu năm mới. Người tham gia chủ yếu tìm niềm vui trong câu hát xướng, trong lời lẽ hóm hỉnh, trong không khí rộn ràng hơn là có tư tưởng hơn - thua, được - mất”, ông Thực nói.
2. Cách thức tổ chức bài chòi cơ bản giống nhau. Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết chỉ khác ở số lượng bộ bài được tung ra trong mỗi trò chơi. Thông thường, người ta dùng bộ bài 27 cặp cho 9 chòi chơi, 15 cặp cho 5 chòi và số lượng chòi có thể tăng lên trong dịp Tết để phục vụ khách du xuân. Đối với du khách, bài chòi hấp dẫn không chỉ ở cách thức diễn xướng theo kiểu hò Quảng, nam xuân, xuân nữ, xàng xê, câu từ linh động mà tên quân bài cũng ngồ ngộ, vui tai như Ba gà, Nọc thược, Bạch huê, Dái voi, Tứ cẳng… Người chơi không cần hiểu tên quân bài, chỉ cần cầm đúng 3 quân bài được anh hiệu (người xướng thẻ - PV) hô lên sớm nhất trong mỗi vòng chơi là thắng.
Những chiếc chòi được bài trí theo quy luật âm dương ngũ hành và tượng trưng cho vòng xoay bát quái: Kiền, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn, phù hợp với quan niệm xua tan tà khí ngày đầu năm mới của người dân miền Trung. Ngoài ra, người thắng cuộc trong trò chơi bài chòi ngày Tết thường được anh hiệu mời ly rượu mừng và lì xì phong bao may mắn.
Vào các tối đầu năm mới, tại sân khấu dân gian hai bờ sông Hàn, CLB Dân ca bài chòi thường xuyên diễn xướng phục vụ khách du xuân. Với những người có hơn 35 năm làm “anh hiệu” như ông Nguyễn Thực, đầu năm còn là khoảng thời gian ông ngược xuôi từ Đà Nẵng đến Quảng Nam, Quảng Ngãi để hát bài chòi trong các hội chợ xuân. “Dân chài rất quan trọng chuyện đi biển đầu năm nhưng vì mê bài chòi tôi sẵn sàng từ bỏ để hóa thân vào anh hiệu mỗi dịp xuân về. Chính không khí rộn ràng, vui tươi, hóm hỉnh của loại hình diễn xướng dân gian này đã cuốn lấy tôi nhiều năm qua”, ông Thực cười, cho hay.
3. Cái thú vị của dân ca bài chòi là trong thanh có tục, trong tục có thanh, lời ca khi nhẹ nhàng ý vị, lúc thâm ý sâu cay, cười đùa cợt nhã. Tại Đà Nẵng, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) về loại hình diễn xướng dân ca bài chòi Trịnh Công Sơn có vai trò dẫn dắt, truyền dạy bài chòi cho thế hệ trẻ. Trong các kịch bản ông sáng tác thường chuyển tải vấn đề thời sự để bài chòi luôn tươi mới, gần hơn với đời sống thị dân. Ông tiết lộ, kịch dân ca bài chòi “Ngày đền tội của Covid-19” lồng ghép những câu từ tuyên truyền cho bà con dễ nhớ: “Khẩu trang bịt miệng thường xuyên/ Rửa tay sát khuẩn ngày năm sáu lần/ Vệ sinh mũi miệng tay chân/ Không nên tụ họp, không gần chỗ đông” được viết theo lối xàng xê lụy và nghệ sĩ Hữu Phước - con trai ông hòa âm, phối khí.
Những ngày cuối năm, NNƯT Trịnh Công Sơn bận rộn ngược xuôi, lúc ở quận Thanh Khê, khi ở quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn tìm kiếm tư liệu viết kịch bản hay cùng thành viên CLB Dân ca bài chòi luyện tập các tiểu phẩm, chương trình chào đón năm mới. Theo NNƯT Trịnh Công Sơn, Tết Nguyên đán chính là ngày truyền thống của nghệ thuật dân ca bài chòi, khởi nguồn từ trò chơi mua vui trong các dịp lễ hội, chào đón năm mới của người xưa. Theo thời gian, loại hình diễn xướng bài chòi xuất hiện nhiều hơn ở vai trò tuyên truyền, cổ động người dân hoặc phục vụ khách du lịch. Dù xuất hiện ở vị trí nào, những người đam mê bài chòi từ thuở bé như ông Sơn vẫn cố gắng dẫn truyền, lưu giữ chất cổ xưa, truyền thống của loại hình nghệ thuật này.
Mùa xuân năm nay, người dân và du khách ở Đà Nẵng lại được tiếp tục nghe bài chòi ở khu vực công viên phía tây cầu Rồng, với những rộn ràng quen thuộc: “Gió xuân phơ phất cành tre/Bà con cô bác lắng nghe bài chòi”…
TIỂU YẾN