Không còn đi lễ hội chỉ "bằng đôi chân"

.

Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.

Đâu chỉ tháng ba, hội hè ở xứ ta nô nức, rộn rịp kéo dài trọn cả mùa xuân. Ngay từ ngày mùng 4, mùng 5, mùng 6 Tết, tức mới chớm ra Giêng, khi không khí Tết vẫn còn đậm đà, đã có tới cả chục lễ hội, như: Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh - mùng 4), Lễ hội gò Đống Đa (Hà Nội - mùng 5), Lễ hội chùa Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh - mùng 5), Lễ hội Gióng đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội - mùng 6), Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội - mùng 6), v.v…

Hầu hết lễ hội, bao gồm lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử… được tổ chức ở miền Bắc, chủ yếu là Hà Nội và vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Phong tục và sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng này có nguồn gốc từ truyền thống văn minh lúa nước của người Việt. Sau một năm vất vả  việc đồng áng, người dân cần một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, hưởng thụ, bái vọng và tri ân Tổ Nghề, chuẩn bị cho mùa màng kế tiếp. Vì thế, mùa xuân là mùa được chọn, bắt đầu từ dịp Tết cổ truyền. Trong “Việt Nam cổ văn học sử”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi giải thích: “Vào những ngày hội hoặc ngày tế thần, thường thường là mùa xuân xa ngày cấy hái, trai gái các bộ lạc, thôn ấp thường tụ tập lại một nơi, đặt ra lời ví hát ghẹo nhau, trong khi gảy đờn, thổi sáo, đánh trống, múa nhảy hay là bày các trò vui”.

Qua hàng ngàn năm, lễ hội đã trở thành nhu cầu tinh thần thiết yếu của người Việt. Đó không chỉ là dịp để thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn mà còn nhằm bày tỏ sự cố kết cộng đồng. Mỗi lễ hội có một đặc điểm, mục đích và ý nghĩa khác nhau, song nhìn chung đều chất chứa nét đẹp văn hóa, qua đó con người có cơ hội bày tỏ lòng tôn kính với bề trên, nguyện ước cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, đồng thời thỏa mãn nhu cầu thư giãn, giải trí của bản thân… Từ ý nghĩa nhân văn này, lễ hội ở Việt Nam có sức sống lâu đời.

Nước ta mỗi năm có tới gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ, trong đó không ít lễ hội trùng lặp nhau về nội dung, ý nghĩa và hình thức tổ chức; thành ra trong mấy tháng đầu năm, có những địa phương hễ ra ngõ là gặp lễ hội, người ta ngày qua ngày trông lễ đến - hội về để mà chè chén, vui vầy, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và các hoạt động quan trọng khác trong xã hội.

Đó là chưa kể đến mặt trái từ sự biến tướng của lễ hội. Dễ thấy nhất là tình trạng thương mại hóa lễ hội, trong đó thứ gì cũng mua bán được, cũng xin tiền được, cũng “chặt chém” được, từ lá ấn đền Trần (Nam Định) người ta in sao thật nhiều để phát ra và thu tiền về cho đến liền anh liền chị ở Hội Lim (Bắc Ninh) vừa ca hò vừa ngả nón (hoặc đĩa) nhận tiền mừng của khách; hoặc như Lễ hội Chùa Hương năm nào cũng có chuyện chèo kéo khách, dịch vụ giữ xe, đưa đò luôn hét giá, thậm chí có năm còn treo bán thịt thú rừng… V.I.Lênin từng bảo: “Cần khôi phục các lễ hội dân gian, song nên giải thiêng chúng đi!”. Giải thiêng là cần nhưng đâu phải là phàm tục hóa lễ hội!

Tiêu cực của lễ hội không chỉ đến từ các ban tổ chức, mà còn từ phía người tham gia lễ hội. Người đi trẩy hội nói riêng và cộng đồng nói chung là đối tượng thụ hưởng, đồng thời là chủ thể của lễ hội, lẽ ra phải có sự hiểu biết cơ bản cũng như trách nhiệm giữ gìn bản sắc cho lễ hội; thì ngược lại, một bộ phận chỉ đến với lễ hội “bằng đôi chân”! Phổ biến nhất là nạn buôn thần bán thánh. Chùa là chốn thờ Phật; còn đình, đền, miếu là nơi thờ thần, ấy vậy là người ta vào chùa bày lễ cúng thần, thậm chí nhét tiền vào tay tượng Phật! Rồi rồng rồng rắn rắn xếp hàng dâng vàng mã với cơ man biệt thự, xe hơi, du thuyền, vàng nén, trang phục… để cầu danh, cầu lợi. Thần, Phật chỉ ban cho những lời răn dạy, lễ nghĩa, đạo hiếu để theo đó mà sống tốt, chứ làm gì có lợi lộc đợi kẻ phàm đến cầu xin.

***

Mùa xuân Tân Sửu 2021 này, vì phải vừa phòng chống, vừa sống chung với đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, các ngành chức năng đã chỉ đạo dừng tổ chức các lễ hội mùa xuân, không nhập nhèm chuyện không tổ chức vẫn mở cửa đón khách.

Không có lễ hội trong 1-2 năm, biết đâu cũng từ đây, cộng đồng sẽ nghĩ khác và nghĩ đúng về lễ hội, nhờ vậy mà dự phần vào những hoạt động văn hóa ấy một cách chuẩn mực hơn. Có như vậy thì lễ hội mới đúng bản sắc, nhiều ý nghĩa và giàu sức sống!  

DƯƠNG QUANG

;
;
.
.
.
.
.