Người đầu tiên gắn tên tuổi Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn với Đà Nẵng là Trần Quý Cáp - một trong những người khởi xướng Phong trào Duy Tân đất Quảng đầu thế kỷ XX. Kết thúc bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật có nhan đề Đà Nẵng cảm hoài bằng chữ Hán viết vào năm 1904, Trần Quý Cáp đã hạ bút: An năng tái khởi Trần Hưng Đạo/ Cộng vãn Đằng giang vĩ đại công (Khương Hữu Dụng dịch: Ước chi sống lại Trần Hưng Đạo/ Cùng lập Đằng giang trận thứ hai).
Ở thời điểm Trần Quý Cáp mong một trận thủy chiến Đằng giang lừng lẫy năm xưa được tái diễn ngay trên sóng nước Hàn giang, Đà Nẵng đã trở thành nhượng địa Tourane và con đường ven sông Hàn hồi ấy đang mang tên Quai Courbet (theo Nghị định ngày 24-12-1902 của Toàn quyền Đông Dương) - Quai tiếng Pháp nghĩa là bến tàu/ bến cảng. Cũng xin nói thêm: Do đây là con đường ven sông mà lại mang tên một dòng sông quá ư thân thiết trong tâm tưởng, nên với không ít người Đà Nẵng, sông Hàn nhiều khi được gọi là sông... Bạch Đằng!
Chính tại cái bến tàu/ bến cảng này, năm 1907, Huỳnh Thúc Kháng tiễn Trần Quý Cáp xuống thuyền đi nhậm chức giáo thụ phủ Ninh Hòa - sự kiện này được Huỳnh Thúc Kháng ghi lại trong hai câu kết của thơ thất ngôn bát cú Đường luật viết bằng chữ Hán vào năm 1908 có nhan đề Điếu Trần Quý Cáp: Khả lân nhứt biệt thành thiên cổ/ Đà Nẵng phân khâm tửu thượng ôn, và tự dịch: Chia tay chén rượu còn đương nóng/ Đà Nẵng đưa nhau lúc xuống thuyền; đồng thời cũng là không gian tạo cảm hứng nghệ thuật cho Trần Quý Cáp viết hai câu thơ lửa cháy: An năng tái khởi Trần Hưng Đạo/ Cộng vãn Đằng Giang vĩ đại công.
Tuyến đường chạy dọc theo hữu ngạn/ bờ đông sông Hàn được đặt tên là đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: XUÂN SƠN |
Không phải ngẫu nhiên mà vào đầu năm 1956, người Đà Nẵng đã quyết định đổi tên đường Quai Courbet thành đường Bạch Đằng - dòng sông gắn với chiến công lừng lẫy của Trần Hưng Đạo trong trận thủy chiến năm Mậu Tý 1288 chống quân xâm lược phương Bắc. Thật ra Bạch Đằng giang còn gắn với chiến công chống quân xâm lược phương Bắc trong trận thủy chiến năm Mậu Tuất 938 của Ngô Quyền và trong trận thủy chiến năm Canh Thìn 981 của Lê Hoàn, nhưng để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử và làm quân thù cảm thấy nhục nhã vì bại trận chính là trận thủy chiến năm Mậu Tý 1288 của Trần Hưng Đạo - đúng như Trương Hán Siêu từng ca ngợi trong Bạch Đằng giang phú: Chí kim giang lưu/ Chung bất tuyết sỉ - Đến nay sông nước tuy chảy hoài/ Mà nhục quân thù khôn rửa nổi.
Nhục khôn rửa nổi đến mức vào năm Kỷ Mão 1639, Hoàng đế Trung Quốc Minh Tư Tông Chu Do Kiểm đã hằn học sai mổ bụng sứ thần Đại Việt Giang Văn Minh khi Giang Văn Minh thông minh và dũng cảm đối lại vế đối đầy thách thức của chính Chu Do Kiểm: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục - Cột đồng đến nay đã rêu xanh, hàm ý nhắc lại sự kiện Mã Viện đưa quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng cùng với lời nguyền: Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt - Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong, bằng vế đối Đằng giang tự cổ huyết do hồng - Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn đỏ, không những chữ nghĩa chỉnh chuẩn mà ý tứ cũng đầy khí phách nhằm cảnh tỉnh Hoàng đế Minh triều đừng quên nỗi nhục khôn rửa nổi qua 3 lần chiến bại trên sông Bạch Đằng lịch sử.
Cũng vào đầu năm 1956, người Đà Nẵng quyết định đổi tên đường Verdun - con đường có điểm đầu nối với đường Bạch Đằng, tức với bờ sông Hàn và nằm ngay trung tâm thành phố - thành đường Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ XXI, xét thấy quy mô con đường này không xứng với công đức của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người Đà Nẵng đã đổi tên đường này thành đường Nguyễn Thái Học và đặt tên Trần Hưng Đạo cho con đường mới mở chạy dọc theo hữu ngạn/ bờ đông sông Hàn (theo Nghị quyết ngày 12-1-2002 của HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VI), để cùng với đường Bạch Đằng bên tả ngạn/ bờ tây sông Hàn thể hiện sự vinh danh và lòng ngưỡng mộ của người Đà Nẵng dành cho nhà Trần nói chung, cho Trần Hưng Đạo và chiến thắng Bạch Đằng nói riêng...
Đà Nẵng hiện có hai trường THCS mang tên Hưng Đạo đại vương: một là Trường THCS Trần Hưng Đạo ở phường Bình Thuận, quận Hải Châu - trước năm 1975 là Trường Trung học Thọ Nhơn dành cho học sinh người Hoa; hai là Trường THCS Trần Quốc Tuấn ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. So với học sinh các trường phổ thông trên địa bàn Đà Nẵng, học sinh hai trường này có nhiều thuận lợi trong việc học tập môn Lịch sử - nhất là lịch sử chống quân xâm lược Mông Nguyên thế kỷ XIII và trong việc học tập môn Ngữ văn - là bài Dụ Chư tì tướng hịch văn của Trần Hưng Đạo.
Về phương diện nghiên cứu lịch sử, nhân kỷ niệm 790 năm ngày sinh Trần Hưng Đạo (1228-2018), 760 năm nhà Trần chiến thắng quân xâm lược Mông Nguyên lần thứ nhất (1258-2018) và 730 năm nhà Trần chiến thắng quân xâm lược Mông Nguyên lần thứ ba (1288-2018) gắn với trận thủy chiến lừng danh do Trần Hưng Đạo chỉ huy trên sông Bạch Đằng, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng phối hợp với Công ty CP kinh doanh ấn phẩm văn hóa Tao Đàn Thư Quán tổ chức Hội thảo khoa học “Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam” với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng và cả từ Cộng hòa Liên bang Đức... Tham luận tại sinh hoạt học thuật này, tôi đã nhấn mạnh vai trò của nhà Trần với công cuộc Quảng-Nam-mở-cõi: “Hành trình mở rộng bờ cõi Đại Việt về phương nam và từ Quảng Nam vào thời nhà Trần có ý nghĩa rất quan trọng đối với tổng thể công cuộc Quảng-Nam-mở-cõi, tạo điều kiện để các chặng đường tiếp theo như thời nhà Hồ, thời Hậu Lê - với cuộc chinh phạt Chămpa năm 1471 của Lê Thánh Tông, và nhất là thời các chúa Nguyễn, rút ngắn được rất nhiều thời gian và trở lực để sớm đi đến tận chót mũi Cà Mau”.
Để đạt được thành tựu ấy, công cuộc Quảng-Nam-mở-cõi không thể không xuất phát từ thế và lực Đông A (chiết tự từ chữ Trần) đáng tự hào của đất nước đương thời - được khẳng định qua ba lần đánh thắng quân xâm lược Mông Nguyên với đóng góp rất lớn của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Chính vì thế sẽ rất hợp lý khi người Đà Nẵng dự kiến dựng tượng Trần Hưng Đạo ở đường Bạch Đằng, đúng nơi ngày xưa Trần Quý Cáp dâng trào thi hứng để viết bài thơ Đà Nẵng cảm hoài.
BÙI VĂN TIẾNG