KỶ NIỆM 111 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (8-3-1910 - 8-3-2021)

Hạnh phúc giản đơn

.

Tôi đọc được đâu đó nói rằng, hạnh phúc không có nghĩa là mọi thứ phải hoàn hảo. Mà nó có nghĩa là bạn quyết định nhìn thấu sự không hoàn hảo. Trong mọi hoàn cảnh luôn có điều gì đó tốt đẹp. Nếu bạn nhìn ra nó, bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc.

Cách đây không lâu, người bạn thời phổ thông của tôi quyết định chia sẻ câu chuyện về hành trình làm mẹ đơn thân - một hành trình chưa dài đong đầy hạnh phúc. Bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng mới về quê nhà Quảng Nam nên hầu như bạn bè lâu ngày không gặp đều bất ngờ trước thông tin này. Thế nhưng, thay vì phán xét hay quan tâm ba đứa nhỏ là ai, tất cả chúng tôi gửi lời chúc mừng đến bạn, mong bạn sống hạnh phúc. Nhìn cậu trai một tuổi choàng tay ôm bạn, chúng tôi cảm nhận cuộc đời bạn mình đã thật sự hồi sinh sau nhiều năm sống cô đơn nơi đất khách quê người.

Một người mẹ ở thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) bó từng bó rau để gửi cho con trai mang ra Đà Nẵng. Ảnh: T.C.S
Một người mẹ ở thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) bó từng bó rau để gửi cho con trai mang ra Đà Nẵng. Ảnh: T.C.S

Quyết định làm mẹ đơn thân không dễ dàng với nhiều phụ nữ bởi ngoài rào cản về tư duy còn có không ít khó khăn khi nuôi con một mình. Ngay cả người có cá tính mạnh mẽ, độc lập về kinh tế như bạn tôi cũng có những ngày lo lắng đến mất ăn mất ngủ, sợ người đời đánh giá, khen chê dù bạn không làm gì có lỗi hoặc phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Sau những tháng ngày ngập tràn cảm xúc, trong dòng chia sẻ mới nhất, bạn nói đã và đang rất hạnh phúc khi nhìn con lớn lên mỗi ngày, khi hít hà mùi da thịt, khi quan sát những cử chỉ đáng yêu, trong trẻo của con.

Phụ nữ ai cũng mong muốn sở hữu những yếu tố để trở nên hạnh phúc hơn như sự nghiệp thành công, nhan sắc xinh đẹp và hôn nhân hạnh phúc. Thế nhưng, càng về già, quan niệm về hạnh phúc càng giản đơn. Chị - từ người làm báo 30 năm khi về hưu đã kịp chuẩn bị cho mình một mảnh vườn nho nhỏ dưới chân núi Hòa Bắc, tự tay vun trồng những vồng rau xanh. Ngôi nhà mới cách phố gần 30km nên lâu lâu chị mới về phố uống ly cà phê cùng bè bạn. Nhiều người ái ngại, sợ chị ở lâu trên núi sẽ buồn.

Vậy nhưng ngược lại, chị bảo mình vui khi sáng sáng pha ly cà phê ra ngồi bên bậc thềm ngắm nhìn sương giăng bên núi; vui với cảm giác chăm sóc, thủ thỉ cùng cây xanh; vui với mảnh vườn cỏn con chừng 40m2 mà chen chúc hàng chục loại rau củ. Trong những ngày tháng đó, chị ấm lòng khi thấy cô con gái vui vẻ ăn rau chị trồng, để hết lứa rau này đến lứa rau khác xanh tươi dưới mái nhà.

Giữa rộn ràng giêng hai, một anh bạn chia sẻ lên facebook cá nhân vài dòng cảm xúc khi nhìn thấy mẹ mình bó từng bó rau gửi theo anh về phố: “Mỗi đứa một bao, dù chỉ là bao rau sạch nhưng tình cảm dạt dào chứa đựng trong đó. Mẹ cứ nhắc mãi, cắt hết ra ăn đi, đừng có ngại, để nó già rồi bỏ, bán thì không được bao nhiêu. Mẹ cứ thui thủi từ giường, bếp và vườn rau miệt mài chăm sóc. Mẹ chẳng có gì, chỉ có vườn rau cho con cháu về ăn”. Đọc những dòng anh viết, tôi chợt nhớ má mình cũng luôn dành cái ngon nhất, tốt nhất cho những đứa con xa nhà. Mỗi lần được về nhà là mỗi lần vui khi mẹ sẵn sàng gạt bỏ công việc để dành thời gian đi chợ nấu cho tôi những bữa ăn ngon, ôm nhau ngủ và cùng nhau trò chuyện. Tình thương của má như dồn hết vào nụ hôn bất ngờ bà đặt lên má tôi những lúc hai mẹ con ở gần, trong những bó rau, cây trái quanh vườn. Cứ thế những đứa con lớn lên trong tình yêu thương và nuông chiều của mẹ, tự thấy mình phải sống tốt hơn giữa cuộc đời này.

Có lẽ chẳng ai đủ thời gian để ngồi nghiệm lại hạnh phúc đời mình nhưng sau nhiều câu chuyện. Tôi nhận ra rằng khi còn trẻ, những cô gái có thể nói nhiều về những điều lớn lao làm họ hạnh phúc, nhưng khi đã làm mẹ, quan niệm về hạnh phúc của họ, đôi khi chỉ xoay quanh những đứa con và mong chúng khôn lớn, khỏe mạnh mỗi ngày.

HUỲNH LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.