Đà Nẵng cuối tuần

Nhạc rừng

13:53, 21/03/2021 (GMT+7)

Đối với các bộ tộc bản địa thiểu số Trường Sơn Tây Nguyên, âm nhạc là một phần trong đời sống của họ. Từ một nhạc cụ cực kỳ đơn sơ là chiếc lá rừng, người Gia Rai ở vùng biên giới phía Tây Nam cũng có thể cất lên tiếng lòng của mình với chim muông, cây cỏ.

Nhạc rừng, bao hàm cả cồng chiêng và vô số những nhạc cụ, được chế tác từ nguyên liệu của rừng xanh, phổ biến là tre nứa. Ảnh: P.V
Nhạc rừng, bao hàm cả cồng chiêng và vô số những nhạc cụ, được chế tác từ nguyên liệu của rừng xanh, phổ biến là tre nứa. Ảnh: P.V

Không gian văn hóa các tộc người Tây Nguyên luôn gắn liền với bản thân họ; đối với trẻ thơ, đó là những buổi tập chơi chiêng tre, một nhạc cụ không thấy sử dụng trong các lễ trọng có liên quan đến thần linh. Âm nhạc của vùng sơn nguyên bao la là âm nhạc của rừng và của huyền thoại. Nó được tấu lên không chỉ cho thần linh mà cho cả các huyền thoại được kể bên bếp lửa.

Nhạc rừng, bao hàm cả cồng chiêng và vô số những nhạc cụ chế tác từ nguyên liệu của rừng xanh, phổ biến là tre nứa. Với bản năng thiên phú của mình, thông qua âm thanh tre nứa, các bộ tộc thiểu số vùng cao đều có nền âm nhạc dân gian riêng. Một thứ âm hưởng chỉ có thể cất lên từ nền văn minh thảo mộc, có thứ nhạc cụ phải có sự cộng hưởng của nước thì âm thanh mới trong trẻo. Người vùng cao quan niệm, sức mạnh của nhạc rừng lan tỏa không chỉ trong trần thế mà với cả thế giới siêu nhiên.

Bộ chiêng tha của người Brâu chỉ có hai chiếc, chiêng chồng và chiêng vợ. Mỗi khi tấu, chiêng vợ lên tiếng trước. Người Mơ Nông ở phía nam Đắk Lắk còn quy định vài nhạc khí chỉ được cất lên ngoài rẫy để tránh sự cuốn hút của con ma xấu len lỏi vào nhà. Người Rơ Ngao ở cao nguyên Kon Tum có giàn đàn nước, tiếng địa phương gọi là Tinh Linh - một nhạc cụ dựa vào khả năng phối âm một cách tài tình giữa các thanh trúc ngắn, dài, to, nhỏ khác nhau theo sự điều khiển của dòng suối. Người Rơ Ngao tin rằng, rẫy nào có tiếng đàn Tinh Linh vang xa thì rẫy đó được mùa. Vì thế, họ thường chọn đất rẫy bên dòng suối để trồng tỉa và thi tài làm đàn Tinh Linh.

Âm thanh trầm bổng, cao vút của kèn Đing năm mang đậm nét hoang sơ của núi rừng. Bằng 6 ống trúc dài ngắn khác nhau được xếp thành 2 bè, mỗi bè 3 ống, được cắm xiên qua một quả bầu khô và dán lại bằng sáp rồi khoét các lỗ trên đầu mỗi ống. Cuống trái bầu khô được làm đầu thổi. Kỹ thuật làm kèn khó vì đòi hỏi người nghệ nhân phải có khả năng thẩm âm cao.

Vào thời gian nông nhàn sau mùa rẫy, khi màn đêm buông xuống, trong những ngôi nhà tò vò ẩm thấp trong rừng, người Mơ Nông thường thổi kèn Đing năm bên bếp lửa, hát kể và thưởng thức những câu chuyện xa xưa của cha ông mình. Từ đêm này qua đêm khác, họ ngồi bên nhau nghe người già hát kể sử thi Ot Ndrong, một bộ sử thi được cho là đồ sộ và dài nhất thế giới. Truyện kể có khi kéo dài cả tháng mới kết thúc. Âm thanh tre trúc sưởi ấm cho họ và sử thi Ot Ndrong đã tưới mát cho tâm hồn họ thăng hoa, bay bổng.

Với người Brâu, một bộ tộc có số dân ít nhất trên Tây Nguyên, cây sáo trúc Kôn Brâu là phương tiện quen thuộc để giãi bày với bạn tình một cách hồn nhiên và lãng mạn.

Ở vùng cao xa xôi, người Kadong sau một ngày đi làm rừng làm rẫy trở về nhà nghe tiếng kèn A Máp là một phần trong đời sống tinh thần và là một phần của tuổi thơ. Người Brâu có bài ru con bằng chiêng tre với một điệu thức rất nhộn nhịp như thể gió mùa khô Tây Nguyên thổi qua rừng trúc.
Chỉ là những nhạc khí rất đỗi thô sơ làm từ các ống nứa có kích cỡ khác nhau nhưng khi tấu lên bên đống lửa đầu mùa, người nghệ sĩ dân gian Ê Đê đã có thể biểu đạt được toàn bộ âm sắc của một trận mưa rào trong sự chào đón hoan lạc của muôn loài côn trùng.

Người Tây Nguyên vốn rất hào phóng và lãng mạn. Có dịp vào các làng truyền thống còn sót lại như làng Bông sau ngày mùa, ta dễ dàng được nghe tiếng đàn Don mượt mà đệm theo làn điệu dân ca cổ của người Ba Na Tơ Nâm quen thuộc.

Có rất nhiều lễ thức được tiến hành vào ban đêm quanh đống lửa với lời tinh cầu ước nguyện chung của cộng đồng. Và bao giờ cũng vậy, âm nhạc như một kênh rẫy liên thông với thần linh. Con người, với những mối quan hệ hài hòa với tự nhiên trong trạng thái giao hòa với muôn loài đều được gợi lên trong âm nhạc và lửa thiêng. Một nền âm nhạc của sự lãng du như chính tâm hồn lãng du của con người sơn nguyên bao la và bí ẩn này.

VŨ NGỌC GIAO

.