Nhật Bản vừa ghi nhận hoa anh đào nở sớm nhất trong vòng 1.200 năm qua. Các nhà khoa học cảnh báo đó là dấu hiệu của biến đổi khí hậu.
Hoa anh đào nở ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Getty Images |
Hoa anh đào, còn gọi là “sakura”, thường nở rộ vào tháng 4, khi năm học mới ở Nhật Bản bắt đầu. Tuy nhiên, năm nay hoa nở sớm bất thường và phần lớn đã tàn trước ngày tựu trường.
Ông Yasuyuki Ano, nghiên cứu viên tại Đại học tỉnh Osaka, đã thu thập dữ liệu từ nhật ký và các tài liệu lịch sử ở Kyoto cho thấy tại cố đô này, năm nay, hoa anh đào nở rộ vào ngày 26-3, sớm nhất trong hơn 1.200 năm qua. “Khi nhiệt độ toàn cầu ấm lên, những đợt sương giá cuối xuân cũng xuất hiện sớm hơn, kết quả là hoa nở sớm”, TS. Lewis Ziska, Đại học Khoa học Sức khỏe Môi trường Columbia nói.
Ngày hoa nở rộ thay đổi hằng năm, tùy thuộc các yếu tố như thời tiết và lượng mưa, nhưng qua đó cho thấy xu hướng chung là mùa hoa đến sớm hơn so với thường kỳ. Cũng theo dữ liệu của ông Aono, tại Kyoto, thời điểm hoa nở rộ bắt đầu từ giữa tháng 4, nhưng bắt đầu chuyển sang đầu tháng 4 từ những năm 1800. Ông nói thêm: “Các mùa năm nay ảnh hưởng đặc biệt đến thời kỳ hoa anh đào nở. Mùa đông rất lạnh, nhưng mùa xuân đến nhanh và ấm áp lạ thường, nên chồi non bừng tỉnh sau thời gian nghỉ ngơi đầy đủ”.
Theo PGS. Amos Tai về khoa học trái đất tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), hoa nở sớm chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm của hiện tượng toàn cầu có thể gây bất ổn cho hệ thống tự nhiên và kinh tế các quốc gia. Có hai nguồn chính đẩy nhiệt độ tăng cao, nguyên nhân chính làm hoa nở sớm hơn, đó là đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Với việc đô thị hóa gia tăng, các thành phố có xu hướng ấm hơn so với khu vực nông thôn xung quanh, được gọi là hiệu ứng đảo nhiệt. Còn biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tại các khu vực và thế giới tăng cao hơn.
Hiện việc hoa nở sớm hơn không chỉ khiến người ta đua nhau ngắm cảnh, mà nó còn có thể tác động lâu dài tới toàn bộ hệ sinh thái, đe dọa sự tồn tại của nhiều loài.
PGS. Amos Tai cho hay, thực vật và côn trùng phụ thuộc nhiều vào nhau, cả hai đều sử dụng các tín hiệu môi trường để “điều chỉnh các giai đoạn khác nhau của vòng đời”. Chẳng hạn, thực vật cảm nhận được nhiệt độ xung quanh chúng, nếu đủ ấm trong một khoảng thời gian nhất định thì chúng bắt đầu ra hoa và mầm lá non bắt đầu nhú lên.
Tương tự, côn trùng và các động vật khác phụ thuộc vào nhiệt độ trong vòng đời của chúng, nghĩa là nhiệt độ cao hơn có thể dẫn đến sự phát triển nhanh hơn. Vị PGS này nói: “Mối quan hệ giữa thực vật và côn trùng cùng các sinh vật khác đã phát triển trong hàng nghìn, hàng triệu năm… Nhưng trong thế kỷ gần đây, biến đổi khí hậu đang thực sự phá hủy mọi thứ, làm xáo trộn mọi mối quan hệ này”.
Ở một số vùng, nông dân có thể phải thay đổi loại cây trồng. Một số vùng khí hậu sẽ trở nên quá nóng so với những gì chúng đang phát triển, trong khi các vùng khí hậu khác sẽ thấy nhiều lũ lụt hơn, nhiều tuyết hơn, nhiều độ ẩm hơn trong không khí, điều này cũng sẽ hạn chế những gì có thể trồng được. “Nông dân gặp khó khăn hơn nhiều trong việc dự đoán khi nào họ sẽ có một năm thu hoạch tốt, khi nào họ sẽ có một năm xấu”, PGS. Amos Tai nói thêm.
HOÀNG ĐẶNG (theo CNN)