LAN TỎA VĂN HÓA ĐỌC

Tạo thói quen đọc để học

.

Để khơi gợi niềm yêu thích đọc sách trong học sinh, mỗi thầy cô phải là một “chuyên gia” truyền cảm hứng đọc, như vậy thì phong trào tự nguyện đọc sách và làm theo sách mới phát huy hiệu quả.

Thư viện của Trường THPT Trần Phú là một trong những thư viện được đầu tư đồng bộ và hiện đại. Ảnh: Q.T
Thư viện của Trường THPT Trần Phú là một trong những thư viện được đầu tư đồng bộ và hiện đại. Ảnh: Q.T

Truyền cảm hứng đọc

Chúng tôi đến Thư viện Trường THPT Trần Phú vào một sáng tháng 3, thời tiết nắng gắt. Bước vào thư viện, cảm giác mát lạnh xua tan sự nóng bức bên ngoài. Một học sinh rón rén trước cửa phòng, vẻ mặt hớt hải: “Cô thư viện ơi, em ngủ quên!”- là học sinh trực thư viện được nhà trường phân công hôm ấy. Cô Trúc Linh - Thủ thư nhà trường chia sẻ: “Chuyện như vậy năm nào cũng xảy ra, đa phần học sinh cứ nghĩ, thư viện là một chốn nào đó xa xôi và khó gần lắm…

Văn hóa đọc là một thứ đặc biệt, thật đáng giá trong cuộc đời của mỗi người nếu tích cực tiếp cận… Một người nếu ngày nào cũng đọc vài trang sách, dù là sách văn học, kỹ năng hay truyện cười, người đó chắc chắn sẽ có vẻ mặt luôn rạng ngời, tâm hồn sẽ được thanh lọc và toát lên vẻ tự tin trước đám đông, diễn đạt sẽ mạch lạc, và hơn nữa đức tính tốt đẹp sẽ không bị thay đổi trước hoàn cảnh”.

Giọng nói của em học sinh cắt ngang cuộc trò chuyện giữa chúng tôi: “Ồ, cuốn Cuốn theo chiều gió đắt đỏ đây rồi! Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng có, tất cả sách mình thích đều có ở đây… Thật đã…!”. “Cô ơi! Em có thể mượn tất cả những sách này ư!”. “Tất nhiên rồi!”- cô Linh trả lời: “Vì đó là của tụi em mà!”.

Chuyện đọc sách, điều muốn nói ở đây là cần có những người truyền cảm hứng đọc, khơi gợi cảm xúc, tìm kiếm tri thức, đây là một việc làm cần thiết nếu muốn tư duy và chất lượng giáo dục thay đổi. Một vài người trong nhà trường là chưa đủ, mà phải cần đến tất cả giáo viên đang đứng lớp - mỗi người phải là một “chuyên gia” truyền cảm hứng - giới thiệu về sách, tài liệu, thư viện cho học sinh, có như vậy phong trào tự nguyện đọc sách và làm theo sách mới phát huy hiệu quả.

Cô Trúc Linh cho hay, học sinh đến thư viện với nhiều mục đích khác nhau: mượn sách, trả sách, đọc báo giờ giải lao, liên hệ công việc hoặc trực thư viện. Hầu hết sau những lần đó, các em đều quay trở lại thư viện vì phát hiện ra sự gần gũi nơi đây.

Cô giáo thư viện luôn trải lòng hỏi han nhu cầu, hướng dẫn cách đọc sách, kể những câu chuyện sách ngắn, khuyên học sinh đọc gì cho phù hợp, để rồi các em thực sự tìm được nhiều điều bổ ích từ những trang sách. Nhiều học sinh còn dành tiền mua sách để dành sau này đọc lại mặc dù đã đọc tại thư viện trường.

Thầy Đặng Văn Mười, giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Sơn Trà, quận Sơn Trà - người rất quan tâm văn hóa đọc và mở thư viện mini Hiền Nhân tại nhà chia sẻ: Đọc sách giúp học sinh có thêm nhiều kiến thức mới trong quá trình học tập. Có thể những kiến thức đó được chính học sinh tìm hiểu hoặc đôi khi đến từ những tài liệu, những tác phẩm mà học sinh yêu thích và đã từng đọc, nhưng ngay bản thân các em không hay biết rằng trong những tác phẩm đó có các kiến thức mà sau này mình sẽ được học lại hoặc áp dụng vào thực tiễn.

“Chẳng hạn, khi đọc tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, học sinh có thể hiểu thêm về nạn đói của nước ta năm 1945; khi đọc tác phẩm nổi tiếng Biểu tượng thất truyền của tác giả Dan Brown, học sinh có thể tiếp cận ma phương toán học, ma trận trong toán học mà sau này khi học ở đại học các em sẽ được nghiên cứu và học tập. Thậm chí, khi đọc bộ truyện tranh nổi tiếng Thám tử lừng danh Conan của tác giả Gosho Aoyama, học sinh sẽ biết thêm về hiện tượng phản xạ toàn phần, khúc xạ ánh sáng (tập 85) - một kiến thức xuất hiện trong chương trình Vật lý 11... Và rất nhiều kiến thức khác mà học sinh sẽ được ôn lại, học tập khi đọc sách, truyện”, thầy Mười nói.

Góp một cuốn sách hay để được nhiều cuốn sách hay

Tại Đà Nẵng, văn hóa đọc trong nhà trường những năm qua có chuyển biến rõ rệt, các hoạt động phong trào nâng cao chất lượng văn hóa đọc ngày càng nhiều, cơ sở vật chất thư viện ngày càng hoàn thiện. Ngoài hệ thống thư viện được đầu tư, phát triển, đáp ứng nhu cầu đọc sách, nhiều năm qua, với phương châm “Bạn hãy góp một cuốn sách hay để được nhiều cuốn sách hay”, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phát động phong trào xây dựng các tủ sách mở tại các trường học, các trung tâm ngoại ngữ, tin học…

Các tủ sách này được đặt ở các vị trí thích hợp, gần với học sinh, gần với người dân. Đặc biệt, các tủ sách này không khóa, ai cũng có thể góp sách vào tủ và được đọc sách tại tủ sách mở. Nhờ đó, sách đến gần bạn đọc hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: Học sinh chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc đọc sách; các hoạt động phong trào nâng cao văn hóa đọc chưa đồng bộ và liên tục; đội ngũ nhân viên thư viện, các tài liệu, sách, vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu, mục tiêu giáo dục...

Theo cô Vũ Thị Huế (Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Sơn Trà), thói quen đọc sách cần được nuôi dưỡng ngay từ khi trẻ còn chưa biết đọc. Ảnh: Q.T
Theo cô Vũ Thị Huế (Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Sơn Trà), thói quen đọc sách cần được nuôi dưỡng ngay từ khi trẻ còn chưa biết đọc. Ảnh: Q.T

Là người trực tiếp tham mưu công tác phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, qua theo dõi, quan sát, trải nghiệm thực tế, thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: “Có thể thấy, với sự phát triển của kinh tế, khoa học công nghệ hiện nay, học sinh có nhiều sự lựa chọn bên cạnh việc đến thư viện. Các em có thể mua sách về nhà đọc, hay đọc sách điện tử và dùng mạng internet…

Thứ hai, quỹ thời gian trong ngày của các em không có để dành cho việc đọc sách. Khi tâm hồn thư thái, nhẹ nhàng, thảnh thơi thì chúng ta mới đọc sách, đọc sách là một thói quen, một thú vui tao nhã… Tuy nhiên, các em trong một ngày phải học quá nhiều từ chính khóa đến học thêm; về đến nhà, gần như các em đã hết năng lượng nên việc tìm đến sách đối với các em là điều không thể”.

Để đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, việc đọc sách phải là thói quen của đa số người dân. “Hạt giống” thói quen đọc sách ở mỗi người cần được “gieo trồng” ngay từ nhỏ với sự lặp đi lặp lại theo tần suất nhất định và trong thời gian đủ dài. Xây dựng tiết đọc sách trong nhà trường là cách tốt nhất để tạo thói quen đó và đây là việc cấp thiết để có thể phát triển văn hóa đọc.

Cô Vũ Thị Huế, giáo viên lớp 5, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Sơn Trà) bày tỏ: “Trẻ em như một trang giấy trắng. Tạo thói quen cho học sinh đọc sách mọi lúc, mọi nơi là việc làm thường xuyên của thầy cô. Thói quen đọc sách và đọc sách có văn hóa chỉ có được khi học sinh có ý thức và lòng đam mê. Nếu ngay từ nhỏ, các em đã được tiếp xúc với sách, được rèn luyện thì khả năng đọc và thói quen đọc sách dễ dàng hình thành và phát triển.

Ví như học sinh lớp 1, những ngày đầu chưa đọc được sách, ngoài việc thầy cô đọc cho các em nghe, hãy để trẻ được tự chọn sách, nhìn sách tranh và đọc sáng tạo theo cách tưởng tượng, hình dung của các em. Tôi đã chứng kiến có rất nhiều bạn nhỏ tuy chưa được học chữ nhưng đọc sáng tạo truyện tranh rất tốt.

Với học sinh lớp lớn hơn có thể đọc và cảm nhận, có thể cho các em sáng tạo và viết tiếp, hay thay đổi kết thúc truyện, viết tiếp thơ hoặc cho các em so sánh sách khi tự đọc (sách truyền thống) với sách điện tử hay truyện phim… để các em yêu hơn sách truyền thống, góp phần hạn chế những nhược điểm của sách điện tử, mạng xã hội”.

Những trang sách hay sẽ mang lại những điều hữu ích, làm thay đổi nhận thức và thái độ sống của học sinh. Nhà trường và thầy cô giáo cần tạo điều kiện tốt nhất để các em chiếm lĩnh kho tri thức vô giá của nhân loại qua những trang sách quý.

"Bên cạnh công tác giáo dục, vận động tuyên truyền học sinh đọc sách, chúng tôi mong muốn quý phụ huynh hãy đồng hành với chúng tôi, giảm bớt áp lực cho các con, quản lý chặt chẽ thời gian sử dụng tivi, điện thoại của con để hướng các con đến với thế giới diệu kỳ của sách”

Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.