Đà Nẵng cuối tuần

CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ TRẺ EM

Để trẻ em phát triển toàn diện

08:22, 09/05/2021 (GMT+7)

Thực hiện chương trình phối hợp giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam thành phố, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố giai đoạn 2019-2020, đến nay các cấp bộ Đoàn, hội đã triển khai nhiều hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn như chương trình “Ngày hội tuổi thơ”, “Vui hội trăng rằm”, “Ươm mầm xanh”, “Viết tiếp ước mơ”…; qua đó nhiều em được quan tâm giúp đỡ, có điều kiện học hành và phát triển toàn diện hơn.

Các em học sinh con hộ nghèo, gia đình khó khăn tham gia lớp học cộng đồng tại Trung tâm Từ thiện thành phố. (Ảnh chụp trước thời điểm Covid-19 bùng phát vào tháng 5-2021). Ảnh: Đ.H.L
Các em học sinh con hộ nghèo, gia đình khó khăn tham gia lớp học cộng đồng tại Trung tâm Từ thiện thành phố. (Ảnh chụp trước thời điểm Covid-19 bùng phát vào tháng 5-2021). Ảnh: Đ.H.L

Chung tay chăm sóc và bảo vệ trẻ

Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố cho biết, với vai trò và nhiệm vụ của mình, Hội đã quan tâm bảo vệ quyền trẻ em theo Công ước quốc tế, đặc biệt chú ý đến quyền sống còn, quyền được chăm sóc và bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia phát biểu ý kiến.

“Thời gian qua, Đà Nẵng đã làm rất tốt công tác an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ giúp đỡ trẻ em ốm đau, bệnh tật và tạo điều kiện cho các em có mái ấm để được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, không phải bỏ học giữa chừng”, bà Lê Thị Tám nhấn mạnh. 

Là địa bàn gần Khu Công nghiệp Hòa Cầm - nơi có nhiều công nhân trẻ làm việc và sinh sống, phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) vẫn xảy ra tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và bạo lực gia đình. Ông Ông Văn Bán, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em phường Hòa Thọ Đông cho biết, thời gian qua, ông phát hiện nhiều trẻ em bị bỏ rơi và theo dõi, giám sát tình hình bạo lực trẻ em ở các khu dân cư và trường học.

“Đến nay tôi đã phát hiện và hỗ trợ làm thủ tục pháp lý cho 6 trẻ em mồ côi, trong đó có 2 trai và 4 gái. Các bố mẹ nhận con nuôi phải đủ điều kiện trên 40 tuổi, là gia đình văn hóa 4 năm liền, có việc làm ổn định, không có người say xỉn, bị bệnh truyền nhiễm. Sau khi các em được nhận nuôi, tôi thường xuyên thăm hỏi để theo dõi việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ có tốt hay không”, ông Ông Văn Bán chia sẻ. 

Hiện nay, Trung tâm từ thiện của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố là mái nhà chung cho 50 em, trong đó có 11 trẻ em và 39 sinh viên. Trẻ em ở đây hầu hết là bị bỏ rơi, mồ côi cha hoặc mẹ…, do địa phương giới thiệu hoặc nhận về nuôi từ chương trình Mái ấm tình người.

Ông Đặng Hữu Bảo, Giám đốc Trung tâm từ thiện, cho hay nhờ nguồn tài trợ từ tổ chức Trả lại tuổi thơ của Mỹ tại Việt Nam, các em được chăm sóc khá đầy đủ với chế độ ăn uống 32.000 đồng/em/ngày. Ngoài đi học ở trường, các em còn có bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ hằng năm, được tổ chức sinh nhật và tham gia các khóa học phát triển năng khiếu như bơi lội, vẽ, võ… Bên cạnh đó, Trung tâm còn có dự án lớp học cộng đồng dành cho trẻ em trung tâm và các em ngoài cộng đồng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, con hộ nghèo ở các quận Thanh Khê, Liên Chiểu.

“Đến nay, có 80 em tham gia các suất học khác nhau trong tuần ở nhiều môn học từ lớp 6 đến lớp 12. Nhiều em đã củng cố kiến thức, học tốt và đậu đại học, cụ thể như em Nguyễn Đình Quân đậu Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng năm học 2020-2021 trên 26 điểm”, ông Đặng Hữu Bảo vui mừng cho biết.

Là con hộ vừa thoát nghèo nhưng vẫn còn khó khăn ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), em Tạ Thị Hiền, lớp 9/7 Trường THCS Nguyễn Thị Định đã theo lớp học cộng đồng được 4 năm. Em Hiền cho biết: “Các thầy cô không chỉ dạy các môn học mà còn dạy kỹ năng sống. Thầy cô rất thân thiện, cởi mở và thấu hiểu học sinh nên chúng em tiếp thu bài dễ dàng”.

Còn em Nguyễn Tú, lớp 11/18 Trường THPT Thái Phiên chia sẻ, em theo lớp học từ hồi cấp 2, lúc đó tiếng Anh bị mất căn bản nhưng được các thầy cô ở đây dìu dắt, em đã lấy lại kiến thức, học tốt hơn môn tiếng Anh và Toán. Nhờ vậy, em thi đậu vào trường cấp 3.

Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ

Cùng với việc được chăm sóc và bảo vệ, các em còn thực hiện quyền và bổn phận của mình thông qua các hoạt động bổ ích do Thành Đoàn và nhà trường tổ chức. Chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn cho biết, Thành Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, tạo sân chơi vui tươi, lành mạnh cho thiếu nhi. Các quận, huyện và cơ sở Đoàn, hội trực thuộc đã xây dựng kế hoạch, giải pháp, chương trình phối hợp gắn với việc cụ thể hóa các nội dung chương trình “Vì đàn em thân yêu”. Qua đó, nhiều mô hình được triển khai ở các trường tiểu học và THCS mang lại hiệu quả cao, điển hình như mô hình “Nhà sách không đồng”.

Thông qua việc vận động quyên góp các mặt hàng, dụng cụ học tập thiết yếu cho học sinh, bố trí các nhà sách lưu động tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, các em được lựa chọn những dụng cụ mình còn thiếu. Mô hình “Ngôi nhà khăn quàng đỏ” từ nguồn kinh phí kế hoạch nhỏ cũng đã xây dựng 10 ngôi nhà cho các học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, mỗi ngôi nhà trị giá 50 triệu đồng.

Để thúc đẩy và phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em, Thành Đoàn tích cực tham mưu tổ chức các kỳ họp “Hội đồng trẻ em” để lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thành phố gặp gỡ, đối thoại với thiếu nhi. Mặc dù Đà Nẵng không phải là địa phương được Trung ương Đoàn chọn triển khai mô hình “Hội đồng trẻ em” nhưng Thành Đoàn đã triển khai mô hình này từ năm 2017 ở cả 3 cấp: liên đội, quận và thành phố. Đây cũng là địa phương duy nhất triển khai ở cấp liên đội.

“Các em tự điều hành cuộc họp rồi lấy ý kiến và tổng hợp lại gửi về HĐND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Hằng năm, Thành Đoàn tổ chức 2 phiên họp cho các em vào tháng 5 và 11 hoặc tháng 6 và 12 trước các kỳ họp HĐND thành phố để tổng hợp ý kiến. Các hoạt động lấy ý kiến của trẻ em về các vấn đề liên quan đến trẻ em được đẩy mạnh thông qua nhiều kênh như diễn đàn, hội nghị, tọa đàm, chuyên trang, chuyên mục trên mạng xã hội. Đặc biệt, thông qua hoạt động của 214 câu lạc bộ quyền trẻ em trong các liên đội, địa bàn khu dân cư và các đội tuyên truyền măng non, phát thanh măng non tại gần 158 liên đội tiểu học, THCS trên toàn thành phố, nhiều ý kiến của trẻ em được tổng hợp, gửi đến các cơ quan chức năng”, chị Nguyễn Thị Anh Thảo cho biết thêm.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành cũng cho biết, nhằm phát huy quyền tham gia của trẻ em, nhà trường đã triển khai tốt việc kể chuyện, giới thiệu sách hay dưới cờ do các em tự tay viết hoặc đánh máy vi tính. Nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác Hồ (19-5), theo kế hoạch vào tháng 5 này (nếu Covid-19 được khống chế), nhà trường sẽ tổ chức mô hình chuyên đề “Bảng măng non” bằng việc sân khấu hóa để làm mẫu cho tất cả các tổng phụ trách đội các trường tiểu học và THCS trên toàn thành phố. Theo đó, mỗi tuần mỗi chi đội giới thiệu cho nhà trường một cuốn sách hay, một câu chuyện đẹp, một tấm gương sáng. Đặc biệt, nhà trường còn triển khai mô hình “Chúng em nói” dựa trên chương trình “Thiếu niên nói” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) dành cho học sinh lớp 5 với sự tham gia của Hội đồng tư vấn nhà trường và Hội cha mẹ học sinh.

“Hiện nay, học sinh dậy thì rất sớm nên cần sự quan tâm của thầy cô và cha mẹ về tâm sinh lý. Đây là dịp giáo viên chủ nhiệm lắng nghe học sinh chia sẻ và nói lên ý kiến của mình để từ đó hiểu hơn về tâm lý của trẻ và có cách lựa chọn ứng xử tích cực hơn”, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt nhấn mạnh.

"Nhờ làm tốt công tác truyền thông trong phòng, chống xâm hại trẻ em nên các em đã nâng cao ý thức trong việc tự bảo vệ. Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố đã hướng dẫn kỹ năng phát hiện tố giác tội phạm, do đó người dân mạnh dạn hơn trong việc tố giác. So với các địa phương khác, tình trạng xâm hại trẻ em ở Đà Nẵng không nhiều, mỗi năm có khoảng hơn 10 vụ xâm hại và bạo hành trẻ em. Tuy nhiên, vẫn có một số vụ việc xâm phạm tình dục trẻ em chưa được xử lý kịp thời do chưa tìm ra chứng cứ, địa phương còn e ngại vì không nắm rõ vấn đề. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện thông tin và xử lý thông tin, có sự phân công trách nhiệm cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc của lãnh đạo trong việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 24-4-2020 của Thành ủy Đà Nẵng về “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em”.

Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng

Trong giai đoạn 2019-2020, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố đã phát hiện và kịp thời thông tin 6 trường hợp cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan về các vấn đề liên quan đến trẻ em; tiếp nhận 4 đơn thư và thông tin của trẻ em cần bảo vệ và can thiệp, trong đó có 1 vụ việc đã kiến nghị xét xử từ tội danh “Giao cấu với trẻ em” sang tội danh “Hiếp dâm”, “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Đặc biệt, Hội LHPN phối hợp, thành lập Đoàn giám sát và mời Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố tham gia giám sát giải quyết vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em tại tổ 25 phường Hòa Minh và vụ hiếp dâm trẻ em tại tổ 12 phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu). Sau giám sát, Đoàn đã có báo cáo, đề xuất kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.