Đà Nẵng cuối tuần

Điều tốt đẹp nào đâu có tuổi

14:07, 23/05/2021 (GMT+7)

Đà Lạt ai cũng là lữ khách (NXB Trẻ) là tập tản văn gồm nhiều đoản khúc và câu chuyện, có giá trị như một gạch nối giúp những ai đã yêu Đà Lạt rồi thì tình yêu đó càng trở nên tha thiết hơn. Cuốn sách mang đến dư vị đắng ngọt quyện hòa để rồi khiến người đọc cứ mãi cảm thấy sóng sánh với một vùng đất có ngàn thông, sương giăng và hoa dại.

Ai từng có dịp đến Đà Lạt đều có cảm giác lưu luyến và bồi hồi. Trong bài viết Alexandre Yersin và một khoảng cách với Đà Lạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên đúc kết về mối quan hệ cũng như tình cảm của nhà thám hiểm người Pháp dành cho mảnh đất mà chính ông là cha đẻ từng khám phá và khai sinh ra: “Với tuổi tác, nỗi tiếc nhớ đã thắng thế trong ông”. Tức là, khi càng nhiều tuổi, con người càng có xu hướng nhớ lại và tiếc nuối những điều đã trôi xa. Và với Vĩnh Nguyên, tuy anh chưa già nhưng nếu đọc văn anh viết về Đà Lạt, người đọc sẽ ngay lập tức cảm nhận nỗi tiếc nhớ rưng rức, không ngừng chất chồng theo năm tháng - Đượm buồn, nhưng lại đẹp đến nao lòng.

Với 23 tản văn được tập hợp từ những ghi chép trong hơn 10 năm, cuốn sách không được chia tách thành từng phần rõ rệt, nhưng nếu tinh ý, độc giả sẽ thấy Nguyễn Vĩnh Nguyên chuyển tải 3 mảng nội dung khác nhau: Thiên nhiên, cảnh quan ở Đà Lạt; những kỷ niệm tác giả từng có với Đà Lạt và một vài tên tuổi nổi danh mang thương hiệu Đà Lạt. Có thể nói, ngoài phần 3 được ghi chép dựa trên những cứ liệu và thông tin tách bạch, chuẩn xác, phần 1 và 2 hầu như được quyện hòa, lồng ghép vào nhau một cách khéo léo.

Nguyễn Vĩnh Nguyên từng có 5 năm sống ở Đà Lạt nên những ghi chép của anh về thành phố ấy tuy không dài nhưng đầy sức nặng. Mỗi câu, mỗi đoạn như những thước phim quay chậm được thao tác bởi một tay máy điệu nghệ. Chúng tái hiện một cách tài tình về quang cảnh, tình người thông qua những lát cắt đầy tỉ mỉ nhưng phóng khoáng, vừa trung, vừa cận, lại bao quát được hồn vía của xứ sở sương mù.

Thử hỏi ai không nao lòng với Đà Lạt khi đọc văn anh viết: “Mỗi sớm thức dậy, tôi mở cánh cửa trên trần nhà và lắng nghe gió mưa đi xao xác thinh không, mây tràn vào căn gác nhỏ và phủ trùm lấy mọi vật dụng bừa bộn trong nhà. Thế giới bên trong và bên ngoài đã quyện lấy nhau làm một thông qua cái khung cửa sổ bé xíu… Thành phố vẫn còn đó những mái ngói xưa, những cửa sổ kiểu cũ trổ lên đón gió và sương trời. Chỉ vài cơn mưa thu và mươi đợt gió lạnh đầu đông, rêu cỏ sẽ mọc loang xanh rậm rì trên từng thớ ngói như thể giữa ngày âm u có nàng tiên đãng trí nào đó dạo chơi trên mây vô tình làm đổ những bụi ngọc lên mái nhà nhân gian”.

Ngoài những cái tên như: Hơi thở xanh rêu; Bóng đêm và phố; Bộ hành trong đêm mù sương; Radio, tình ca; Lối qua nhà vườn đỏ lá trạng nguyên, tác phẩm còn có thêm gần chục bài khác viết về con người và cảnh vật Đà Lạt thật gợi cảm, mượt mà. Tác giả đã yêu Đà Lạt bằng trái tim của tuổi trẻ và những nhịp đập đa cảm của hơi thở báo hiệu tuổi già. Chính tình yêu đó mang đến cho anh những góc nhìn thật đặc biệt, độc đáo nhưng vẫn giữ được sự trong trẻo, phóng khoáng tựa những giấc mơ.

DIỆU THÔNG

.