Hai lần đám cưới của người Ve

.

Theo tư liệu ghi lại trong cuốn Những sự kiện lịch sử huyện Giằng:1885-1975 (NXB Đà Nẵng, 1989), đối với tục lệ hôn nhân, người Ve đặt quan hệ lứa đôi trên tinh thần hiểu biết, yêu thương nhau lên trên hết; ít đặt nặng vấn đề của cải trong cưới xin. Vì thế, trong lễ cưới của tộc người Ve, nhà trai trao cho nhà gái ché, nhà gái cho nhà trai tấm tút.

Thiếu nữ người Ve, một tộc người thiểu số của GiẻTriêng, cư trú chủ yếu ở vùng núi cao. Ảnh: P.V.B
Thiếu nữ người Ve, một tộc người thiểu số của GiẻTriêng, cư trú chủ yếu ở vùng núi cao. Ảnh: P.V.B

Ve là một tộc người thiểu số của Giẻ-Triêng, thuộc nhóm địa phương, hay nói cách khác là nhóm tộc người Ve còn gọi là Giẻ, cư trú chủ yếu ở vùng núi cao, nhiều người sống ở lưng chừng trời, thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Cũng như các tộc người thiểu số khác ở Quảng Nam sống rải rác trên dãy Trường Sơn như: Cơ tu, Ca-dong, Xơ-đăng, Bh’noong…, người Ve cũng có phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc riêng của mình.

Các già làng cho biết, theo thông lệ của nhóm tộc người Ve, từ thuở thiếu niên, mỗi khi đêm về, con trai thường ra ngoài nhà làng (ơớng), nhưng lứa tuổi này thường nằm ngủ với các cụ già ở bếp phía tây nhà; khi đến tuổi biết yêu đương, chuẩn bị muốn lập gia đình thì lên ngủ ở bếp giữa; riêng thiếu nữ Ve khi đến tuổi chuẩn bị lập gia đình mới ra ngủ ở nhà làng. Tối đến, người con trai qua bếp lửa của người con gái mình thích, trò chuyện suốt đêm để tìm hiểu nhau (chiar nưar), đến khi trời hừng sáng mới về lại bếp mình.

Khi đôi trai gái thuận tình với nhau, người con trai cậy mai mối đến. Nếu bên gái chấp thuận, nhà trai mời nhà gái đến thăm chơi nhà trai vào một buổi tối nào đó theo sự thỏa thuận trước. Lúc này, nhà trai làm thịt một con gà và mang ra một vò rượu để hai bên làm lễ Ka-đê-trăng, bàn chuyện xây dựng gia đình cho đôi trai gái; từ đây, đôi nam nữ như trở thành chồng vợ. Sau ngày lễ Ka-đê-trăng, hằng ngày hai bữa, người trai qua nhà người con gái và người con gái qua lại nhà trai để ăn cơm cho đến khi cưới nhau.

Sau lễ Ka-đê-trăng khoảng 5 tháng đến một năm, đôi trai gái mới làm lễ cưới lần thứ nhất, gọi là Bế-chia; lễ được tiến hành trong 2 ngày, ngày thứ nhất ở nhà trai và ngày thứ hai ở nhà gái; tất cả lễ đều tổ chức tại nhà làng (ơớng). Điều cần biết là trước khi hai bên họ hàng, khách dự lễ vào nhà làng thì phải bước qua một cái khay chứa máu heo, nhằm tẩy rửa những cái xui xẻo có thể xảy ra khi tổ chức lễ cưới; những thức ăn khác như: cơm, thịt… đều đựng trong một cái nia. Trước khi ăn, mọi người đều phải nhúng tay vào một ống nước gọi là del-dac-par-ha-đêng (ném nước, cơm nia).

Các già làng nhấn mạnh, trong đám cưới truyền thống của tộc người Ve, món ăn bắt buộc phải có là món láp và được dọn nhiều hơn, bởi theo quan niệm thì đám cưới nào không có món này coi như thiếu phần nghi thức, nghi lễ quan trọng. Đây chính là món ăn truyền thống lâu đời mà nhóm tộc người Ve còn bảo tồn. Người Ve gọi món láp là ch’puôl nhil. Sau khi chế biến từ thịt gà, láp có màu nhạt và mùi vị rất giống món tái của người Kinh, ăn rất ngon và bổ.

Sau đám cưới lần thứ nhất, đôi vợ chồng vẫn chưa được có con. Mãi một năm sau, hai bên gia đình của đôi trai gái tổ chức đám cưới lại lần thứ hai; lễ cưới lần này được tổ chức gọn nhẹ hơn; nếu hai bên gia đình ở gần thì tổ chức trong một ngày. Tại lễ, người con trai trao hết các đồ dùng trang sức như: trâm cài tóc, hạt cườm đeo cổ, vòng đeo tay… cho gia đình vợ. Theo quan niệm của nhóm tộc người Ve, người con trai khi có vợ rồi thì không còn dùng hoặc cất giữ đồ trang sức nữa, bởi từ bây giờ người hơ-nih (thanh niên) sắp trở thành hơ-bắp (làm cha).

Kể từ hôm ấy, người con gái mới về sống chung với nhà cha mẹ chồng, rất ít trường hợp ở rể và cũng từ đây vợ chồng mới được tính chuyện sinh con. Nếu sinh con trai thì lấy họ cha, sinh con gái thì lấy họ mẹ. Trước đây, nhóm tộc người Ve có tập tục lạc hậu: Khi người anh chết đi, người em lấy chị dâu, hoặc vợ mất, lấy em gái vợ làm vợ; tuy nhiên nhóm tộc người Ve cũng có việc cấm kỵ rất nghiêm ngặt là anh chồng không lấy em dâu, hoặc chị gái của vợ. 

Ngày nay, thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống mới và xây dựng nông thôn mới, những tập tục lạc hậu, những nghi thức rườm rà của nhóm tộc người Ve dần dần được đơn giản hóa hoặc xóa bỏ. Tuy nhiên, những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp vẫn được duy trì, các hình thức được tổ chức theo tinh thần tiết kiệm nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của nhóm tộc người thiểu số Ve nói riêng, các tộc người thiểu số trên địa bàn Quảng Nam nói chung, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của cư dân đất Quảng.

PHẠM VĂN BÍNH

;
;
.
.
.
.
.