Thần hiệu của một sơn thần

.

Tại thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), trên một đồi đá thuộc rìa dãy núi Sơn Gà có Dinh Ông Cao Các. “Ông Cao Các” gốc tích từ đâu, thần hiệu thế nào?

Dinh Ông Cao Các ở thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh tư liệu)
Dinh Ông Cao Các ở thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh tư liệu)

Theo nhà nghiên cứu Vu Gia, Cao Các là vị sơn thần, được tôn là “Thượng đẳng thần”. Thờ thần Cao Các là một tập tục tín ngưỡng ở đất Quảng có nguồn gốc Đàng Ngoài, được lớp di dân Việt tiền phong “mang theo” trên bước đường mở cõi vào đầu thế kỷ XV. Ở vùng đất thôn Nghĩa Tây, thần Cao Các cùng với Tam vị thủy tướng tạo nên cơ cấu tín ngưỡng hài hòa: Núi - Sông/ Non - Nước.
Dày công nơi đất Bắc

Tương truyền, thần Cao Các có gốc là Sơn Tinh/ Tản Viên sơn thánh - vị thần xuất hiện đầu tiên trong Việt điện u minh, lúc đầu được phong là Hựu Thánh vương. Từ điểm xuất phát là núi Tản Viên, Sơn Tinh/ Tản Viên sơn thánh lan tỏa ra nhiều hướng, trong đó có hướng vào các xứ Thanh - Nghệ, rồi vào Thuận - Quảng, sau đó đến Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

Ngọc Phả Đại Vương tôn vị trung thần triều Đinh lại cho rằng, Cao Các là vị nhân thần. Ông và Cao Sơn là anh em sinh đôi vào năm 938 ở làng Cao Xá, huyện Thọ Xuân, châu Ái (nay thuộc Thanh Hóa). Cha là ông Cao Trạch, mẹ là bà Lê Thị Điểm, quê ở xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình ngày nay. Từ nhỏ, Cao Các học giỏi, thông minh tài trí hơn người; Cao Sơn võ nghệ tinh thông. Cao Các vốn thông minh, có sức khỏe phi thường, dung mạo hơn người, được nhân dân gọi là “thần đồng”. Khi hai anh em Cao Các, Cao Sơn lên 20 tuổi, đất nước rơi vào thời loạn 12 sứ quân, hai ông bỏ làng đi tìm minh chúa.

Đinh Bộ Lĩnh phong Cao Các làm Giám Nghị đại phu, giao cho 5 vạn binh lính để đánh dẹp loạn 12 sứ quân. Cao Các, Cao Sơn đã cùng các tướng sĩ lần lượt đánh bại và thu phục các sứ quân: Lã Xử Bình, Dương Huy, Phạm Bạch Hổ, Đỗ Cảnh Thạc, Ngô Xương Xí... Ngày 6-6 năm Đinh Mão (tức 15-7-967), Đinh Bộ Lĩnh điều một đạo quân do tướng Nguyễn Bồ chỉ huy tiến đánh sứ quân Nguyễn Siêu. Trong trận quyết liệt này, Đinh Bộ Lĩnh bị mất 4 tướng gồm Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Đinh Thiết và Cao Sơn cùng rất nhiều binh lính.

Dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh trở về quê hương Hoa Lư xây dựng kinh đô, xưng Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Vua ban cho Cao Các thực ấp ở huyện An Ninh. Ông lo khuyến khích nghề nông, làm việc nghĩa, luyện tập võ nghệ phòng khi nước nhà có biến cố, giúp triều đình đánh giặc cứu nước.
Khi vua Chiêm Thành đem quân uy hiếp Đại Cồ Việt, tấn công vào vùng Nghệ Tĩnh, vua Đinh Tiên Hoàng triệu Cao Các về triều, giao cho 5 vạn binh lính, ấn kiếm đi đánh giặc. Cao Các cầm quân xông pha nhiều trận đánh dẹp tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình liên tiếp giành thắng lợi, quân Chiêm đại bại phải trốn về nước. Vùng đất nào phía nam Đại Cồ Việt bấy giờ cũng để lại dấu ấn của Cao Các trong việc đánh dẹp và giúp dân ổn định cuộc sống.

Dẹp xong giặc Chiêm, vua Đinh Tiên Hoàng ban thưởng công Cao Các rất hậu, muốn lưu ông lại triều đình nhưng Cao Các xin về sống ở An Ninh quê ngoại (tức huyện Yên Khánh, Ninh Bình ngày nay). Khi về già, Cao Các thường ngao du ở vùng đất Hoan Châu. Một hôm, ông đến núi Bằng Trình, huyện Thanh Nguyên, Nghệ An thì lâm bệnh mất đột ngột. Nhận được tin báo, triều đình thương tiếc cho lập miếu thờ. Đến thời vua Lý Thái Tổ, thấy miếu thiêng, biết ông là trung thần nhà Đinh, đã phong tặng mỹ tự “Cao Các Đại Vương thượng đẳng thần”. Các triều vua về sau phong sắc cho ông là Thượng Thượng đẳng tối linh Tôn thần. Do lập nhiều công lao, hai anh em Cao Sơn và Cao Các được nhiều nơi lập đền thờ.

“Phù hộ cho nước, che chở cho dân”

Ở đất Quảng, tín ngưỡng thờ các vị thần sông nước: Tam vị thủy tướng, Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương, Thái Giám Bạch mã, Ông Ngư, Phi Vận tướng quân, Thiện Hậu thánh mẫu… khá phổ biến. Trong khi đó, các vị sơn thần lại ít được nhắc đến, thậm chí còn nhập nhằng về thần hiệu. Đến nay, thần hiệu của thần Cao Các vẫn chưa được minh định: Cao Các là Cao Sơn? Hay đây là hai vị thần khác nhau?

Tác giả Thái Huy Bích, trong bài Thần Cao Sơn Cao Các đăng trên khxhnvnghean.gov.vn (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An) cho rằng, Cao Các, Cao Sơn chỉ là một, cơ sở xác định là từ các di sản Hán Nôm liên quan: Thời nhà Lê, sắc phong ngày 24-7 niên hiệu Cảnh Hưng thứ nhất (1740) ghi: “…Nay gia phong cho Thần là: Cao Sơn Cao Các Minh hiển Chiêu huệ Phù vận Khuông hóa Chương uy Dực thánh Hựu dân Tuy lộc Quảng trạch Hộ quốc Phổ hóa An dân Diễn phúc Hoành hưu Hậu đức Chí nhân Vĩ tích Triệu tường Diên khánh Trợ uy Vĩ lược Hiển ứng Linh thông Phù vận Bảo trị An quốc Diễn đồ Anh liệt Linh thông Diên hi Đại vương. Nay phong tặng!”.

Còn dưới thời Nguyễn, ngày 1-7 năm Đồng Khánh thứ hai (1887), cùng lúc sắc phong 2 thần: Cao Sơn Cao Các và một vị thần khác: “Sắc phong cho các thần: Hiệu linh Đôn hậu Hùng tuấn Trác vĩ Cao Sơn Cao Các Thượng đẳng  thần, Dực vận Phù chính Chiêu trung Đoan túc Lê triều Thái bảo Khê phủ quân chi Thần. Từ trước đến nay các Thần đã phù hộ cho nước, che chở cho dân rất linh thiêng, đã từng được ban cấp sắc phong cho phép thờ phụng. Nay Trẫm nhận lấy mệnh sáng, nhớ công phù giúp của Thần, gia tặng các Thần là: Dực bảo Trung hưng. Cho phép dân làng Đông, xã Bùi Ngõa, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An được thờ phụng như cũ, để ghi nhớ ngày lễ mừng của nước và tỏ rõ phép tắc thờ tự. Kính vậy!”.      

Theo chúng tôi, dù thần Cao Các là nhiên thần hay nhân thần, mang thần hiệu: Cao Các, Cao Sơn hay Cao Sơn Cao Các thì qua các tư liệu kể trên, đây là vị thần có công “phù hộ cho nước, che chở cho dân” trong công cuộc phòng, chống thiên tai, địch họa và “công đức cao đẹp ấy đáng được ghi vào điển tịch”, như sắc phong ngày 24-7 niên hiệu Cảnh Hưng thứ nhất (1740) đã khẳng định!

VÂN TRÌNH

;
;
.
.
.
.
.