Đà Nẵng cuối tuần
Khẳng định thương hiệu nông sản địa phương
Để khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị nông sản địa phương, ngoài phương thức kinh doanh truyền thống là bán tại các chợ, các hợp tác xã (HTX) và nông dân trên địa bàn thành phố còn liên kết các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch, trường học, bếp ăn tập thể… để tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.
Nông dân sơ chế rau, củ, quả tại Hợp tác xã rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Ảnh: THANH TÌNH |
Chiều về trên cánh đồng rau, củ, quả thuộc HTX rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), những nông dân vội vã thu hoạch cà tím, bí đao, rau muống, rau dền, rau lang để kịp chở về kho của HTX sơ chế, đóng bao đợi xe hàng đến chở về các siêu thị, cửa hàng rau, củ, quả đặt trước sẵn số lượng.
Chủ động liên kết
Ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX rau an toàn Túy Loan hào hứng nói, nhờ chủ động liên kết với các siêu thị, trường học và các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố, số lượng rau nông dân sản xuất ra hiếm khi tồn đọng. Với rau tuyển chọn loại 1, nông dân đưa vào để HTX đóng bao bì, gắn nhãn mác đưa đến nơi tiêu thụ liên kết; còn lại với loại 2, loại 3, nông dân mang ra các chợ địa phương bỏ lại cho các mối quen.
“Trước đây, rau, củ, quả được nông dân bán chủ yếu theo phương thức truyền thống là bỏ cho các tiểu thương tại các chợ hay bị kiểu ép giá, hiện nay HTX liên kết với các siêu thị, cửa hàng để tiêu thụ rau củ quả giúp ổn định đầu ra, đồng thời góp phần từng bước khẳng định thương hiệu rau an toàn của thành phố. Để quảng bá thương hiệu, hằng năm, HTX phối hợp các trường học đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm. Nhiều đoàn khách của các tỉnh, thành phố lân cận cũng đến học hỏi kinh nghiệm sản xuất với khoảng 5.000 - 6.000 lượt người/năm. Tiếng lành đồn xa, nhờ vậy nhiều người biết thương hiệu rau an toàn Túy Loan hơn”, ông Dũng bày tỏ.
HTX rau an toàn Túy Loan được thành lập từ năm 2011 với tổng diện tích 20 ha. Các sản phẩm nông sản tại HTX hiện được chứng nhận là rau an toàn theo chuẩn VietGap. Tại HTX, thành phố còn đầu tư cho nông dân thực hiện sản xuất 1 ha rau, củ, quả hữu cơ. Cuối năm 2020, sản phẩm rau, củ, quả của HTX rau an toàn Túy Loan được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao (theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình Mỗi xã/phường một sản phẩm).
Ông Dũng cho biết thêm, HTX hiện có 50 lao động tham gia sản xuất thường xuyên hơn 20 loại rau, chủ yếu là rau ăn lá, ăn quả, rau gia vị. Mỗi ngày HTX cung cấp cho thị trường khoảng 1 tấn rau, củ, quả các loại. Các nông dân sản xuất tại HTX hầu hết gắn bó từ những ngày đầu thành lập, được tham gia các lớp tập huấn về kiến thức trồng rau an toàn. Thu nhập của nông dân tại HTX từng bước ổn định hơn với khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nông dân còn sản xuất thêm các loại nông sản khác như đậu phụng, đậu, mè, lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm tại hộ gia đình để nâng cao đời sống.
Trên cánh đồng rau tại HTX sản xuất rau an toàn La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), những ngày này người dân vào vụ thu hoạch ớt, bầu, bí, dưa cà. Có người làm đất để thực hiện gieo trồng vụ mới, có người mang các loại rau, củ, quả làm giống ra phơi. Chỉ tay vào những hàng ớt đang cho trái sai trĩu, ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX sản xuất rau an toàn La Hường, nói: “HTX được thành lập từ năm 2011 với diện tích 7,5 ha, hiện có 23 hộ tham gia trồng sản xuất. HTX luôn làm tốt vai trò giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người nông dân và sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap để mang lại sản phẩm sạch cho xã hội”.
Ngoài phương thức kinh doanh truyền thống là bỏ rau tại các chợ đầu mối và chợ tại địa phương, ông Hoàng cho biết, HTX đã ký kết với nhiều siêu thị, trường học và các bếp ăn tập thể để tiêu thụ rau cho nông dân. Vì vậy, nhiều năm nay, đầu ra của nông sản bảo đảm, các loại rau, củ, quả nông dân sản xuất ra không bị ứ thừa và không rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”.
Không những thế, cũng như HTX rau an toàn Túy Loan, HTX sản xuất rau an toàn La Hường hằng năm liên kết với các trường cho học sinh, người dân đến tham quan, trải nghiệm. “Chúng tôi thường gửi tặng mỗi người đến vùng rau một món quà nhỏ là các nông sản do nông dân sản xuất. Trên các túi quà nhỏ có in thương hiệu, nhãn mác, xuất xứ của rau và đó là một trong những cách giúp quảng bá sản phẩm rau củ quả Đà Nẵng đến với người dân cũng như du khách gần xa”, ông Hoàng nói thêm.
Đưa nông sản lên sàn giao dịch
Ưu thế của sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) là mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng. Vì vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, đơn vị chọn các sàn giao dịch TMĐT để đưa thông tin về sản phẩm của mình, góp phần tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Từ năm 2017 đến nay, Sở Công thương Đà Nẵng xây dựng và đưa vào hoạt động sàn giao dịch TMĐT tại địa chỉ Danangtrade.com.vn/Danangtrade.gov.vn.
Đến ngày 31-3-2021, sàn giao dịch TMĐT thành phố có hơn 1.590 doanh nghiệp trong và ngoài thành phố đăng ký tham gia thành viên trên sàn với 35 nhóm ngành của hơn 2.400 sản phẩm/dịch vụ và hơn 20.700 lượt truy cập. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, nhìn nhận: “Sàn giao dịch TMĐT ra đời đã làm tốt chức năng tạo ra sân chơi và làm cầu nối giúp các thành viên cung cấp sản phẩm, dịch vụ có cơ hội giới thiệu hình ảnh, quảng bá thương hiệu, dịch vụ và sản phẩm của mình rộng rãi khắp cả nước. Đồng thời, việc ra đời của sàn hướng đến một giải pháp kinh doanh hiện đại, chuyên nghiệp, góp phần đưa thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp tới đối tác và người tiêu dùng, đóng góp chung vào sự phát triển của thành phố”.
TMĐT phát triển sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong xu thế đó, việc đưa nông sản lên sàn giao dịch là điều tất yếu. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết hàng nông sản của địa phương chỉ dừng lại ở việc kinh doanh và quảng bá qua các trang mạng xã hội như zalo, facebook và trang web…
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho rằng, nông dân chưa quan tâm lắm các sàn giao dịch TMĐT. Ông Khánh Vân cũng nhìn nhận việc đưa nông sản lên sàn là xu hướng tất yếu nên Hội Nông dân thành phố đã ký kết với Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ để đưa các sản phẩm nông sản địa phương lên sàn giao dịch TMĐT. Song, theo ông Vân, để sản phẩm nông sản đứng được trên sàn TMĐT thành phố, cần đầu tư các vùng rau an toàn một cách bài bản, có quy mô để cung cấp lượng nông sản ổn định cho thị trường.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành cần tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và ứng dụng TMĐT cho các đơn vị, doanh nghiệp; phải hỗ trợ họ, nhất là các doanh nghiệp về nông sản cách xây dựng website TMĐT, xây dựng trang hồ sơ năng lực trực tuyến, ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng, quản lý bán hàng thông minh; đồng thời cho họ tiếp cận nhiều hơn với các sàn TMĐT như Alibaba, Lazada, Sendo... để các doanh nghiệp, đơn vị làm quen trước khi đưa các sản phẩm nông sản lên sàn.
Cần phối hợp chặt chẽ Cửa hàng thực phẩm sạch Bean Mart (129 Hoàng Diệu, quận Hải Châu) là đơn vị thu mua rau thường xuyên của HTX sản xuất rau an toàn La Hường và HTX rau an toàn Túy Loan. Anh Đặng Hoàng Vũ, người quản lý cửa hàng này cho biết, cửa hàng nhập rau của La Hường và Túy Loan nhiều năm nay, nhìn chung rau bảo đảm chất lượng. Song, để rau, củ, quả và hàng nông sản nói chung của thành phố đến được gần hơn với người tiêu dùng, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của 3 bên gồm người nông dân, nơi tiêu thụ và các cơ quan chức năng. Anh Vũ đề xuất chính quyền thành phố cần tổ chức nhiều hơn nữa các hội chợ nông sản sạch, các hội chợ này phải được ưu tiên tổ chức tại các địa điểm trung tâm nơi có nhiều người dân qua lại. Ngoài ra, công tác quảng bá cần được các cấp, các ngành đẩy mạnh, nhất là các sản phẩm mang đặc trưng địa phương. Đồng thời, việc quản lý hàng nông sản nhập về thành phố, nhất là nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, giá cả, phải được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ để bảo đảm an toàn thực phẩm và tránh ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm nông sản địa phương. |
THANH TÌNH