Đà Nẵng cuối tuần

Trống Đăng Văn

06:12, 23/05/2021 (GMT+7)

* Triều Nguyễn ở nước ta có đặt một cái trống để khi dân chúng bị oan thì đánh trống kêu oan cho vua và triều đình biết. Xin cho hỏi, trống này tồn tại bao lâu và đã có những trường hợp nào nhờ trống mà được minh oan? (Trương Ngọc Thành, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng)

Bà Nguyễn Thị Tôn - vợ của Bùi Hữu Nghĩa - đánh trống Đăng Văn kêu oan cho chồng. Hình khắc trên gốm của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai. (Ảnh tư liệu)
Bà Nguyễn Thị Tôn - vợ của Bùi Hữu Nghĩa - đánh trống Đăng Văn kêu oan cho chồng. Hình khắc trên gốm của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai. (Ảnh tư liệu)

- Lo sợ triều đình khó biết được nỗi oan của người dân, vào năm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng đã cho thiết kế một chiếc trống lớn gọi là “Đăng văn cổ” (trống Đăng Văn - trống đánh lên để thấu đến tai vua). Việc này, mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 173, mặt khắc 2, có chép lời vua: “Nay trẫm đặt ty Tam pháp, định nhật kỳ thu nhận đơn kiện. Phàm thần dân trong Kinh, ngoài trấn, ai có oan uổng, cho được đưa đơn tố cáo; lại đặt cái trống “Đăng văn”, ai có việc bị hại thiết thân đều được đánh lên. Đó là muốn cho nỗi u ẩn của kẻ dưới được đề bạt lên vua nghe”.

Cũng năm đó (1831), vua Minh Mạng lấy 3 nha là Hình bộ, viện Đô sát và Đại lý tự lập thành Tam Pháp ty, có chức năng chính là nhận đơn kiện hay các án oan của dân chúng trong cả nước và xét xử các vụ án lớn, nhất là hình án.

Theo mô tả của bài viết Trống Đăng văn - biểu tượng dân nguyện của triều Nguyễn đăng trên hueworldheritage.org.vn (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế), mặc dù là cơ quan được lập từ 3 cơ quan khác nhau nhưng để thuận lợi cho việc thực thi nhiệm vụ, triều đình cũng cho đặt văn phòng ở góc Đông Nam trong Kinh thành, với kiến trúc một tòa 3 gian, 2 chái, mặt tả, mặt hữu và đằng sau đều xây tường xung quanh, phía trước treo tấm biển “Công chính đường”, đằng trước về bên tả, treo 1 cái trống lớn gọi là “Đăng Văn cổ”.

Bài Đăng Văn - chiếc trống kêu oan dưới triều Nguyễn trên trang doanhnhanplus.vn cho biết thêm rằng, từ khi có trống Đăng Văn, rất nhiều người dân đến kêu oan lên vua và triều đình, trong đó có vụ án oan lớn nhất được Tam Pháp ty minh oan đó là vụ án của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872).

Bùi Hữu Nghĩa, khi đang giữ chức Tri phủ Trà Vang (thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long ngày nay), đã đứng về phía dân chài địa phương, bênh vực những người bị các quan lại ức hiếp và nhũng lạm quyền thế, không cho dân chúng khai thác thủy sản trên kênh rạch. Hành động cương trực của ông bị các đồng liêu ganh ghét và tìm cách hãm hại. Triều đình chưa rõ thực hư, chỉ nghe lời Tổng đốc Vĩnh Long (nói Bùi Hữu Nghĩa xúi dân làm loạn) mà đã cách chức không cho ông làm Tri phủ Trà Vang và bắt giải ông về Kinh chờ ngày thọ án tử hình.

Đứng trước tình cảnh đó, bà Nguyễn Thị Tôn - vợ Bùi Hữu Nghĩa - bất chấp mọi khó khăn, ròng rã cả tháng trời vượt biển bằng ghe bầu ra Kinh đô Huế để gióng lên 3 hồi trống Đăng Văn minh oan cho chồng. Tam Pháp ty điều tra lại và tâu rõ sự thật lên, vua Minh Mạng cho Bùi Hữu Nghĩa thoát khỏi án tử hình nhưng phải đày đi lính ở vùng biên giới An Giang. Hoàng Thái hậu Từ Dũ biết tin bèn ban tặng Nguyễn Thị Tôn một tấm biển chạm nổi 4 chữ vàng “Liệt phụ khả gia”.

Năm 1885, khi kinh thành Huế thất thủ, việc triều chính rơi vào tay thực dân Pháp, vai trò, chức năng của Tam Pháp ty và trống Đăng Văn đều bị người Pháp khống chế. Đến năm 1901, vua Thành Thái cho dựng lại Tam Pháp ty và trống Đăng Văn nhưng đến năm 1906 lại phải dẹp bỏ vì thực dân Pháp không cho phát huy công dụng như ngày xưa nữa.

ĐNCT

.