Khi cô gái quyết định mua mảnh đất đầy cỏ dại, nhiều người trong xóm nhỏ bàn ra tán vào, bởi ở đó có cây xoài già mồ côi cụt ngọn quanh năm vọng tiếng cú gọi hồng hoang.
1. Có lẽ vì quá già nên mỗi mùa cây xoài chỉ ra vài chùm quả bé tẹo không đủ cho lũ dơi tráng miệng khi đêm về. Chiều chiều, bầy dơi từ vòm lá xoài xanh kịt chập choạng bay đi kiếm mồi khiến khu vườn hoang càng thêm huyền bí.
Trong khi người lớn coi cây xoài cụt ngọn như một điều cấm kỵ thì trẻ con lại háo hức lùng sục cái thế giới đầy mê hoặc ấy. Đêm xuống, tụi nhỏ thách nhau trèo lên đọt cây xoài nháy đèn pin 3 lần lên trời làm tín hiệu. Từ các ô cửa sổ trong xóm, những đứa trẻ khác căng mắt nhìn về hướng khu vườn hoang chờ đợi trong sự hồi hộp pha lẫn thích thú.
Trước lời thách đố, nhiều đứa chỉ mới mon men đến gốc xoài đã co giò chạy trối chết bởi tiếng tắc kè vang lên đột ngột giữa đêm đen. Hay chỉ một cành xoài khô gãy rụng cũng là người yếu tim xanh mặt. Thỉnh thoảng cũng có một vài đứa vượt qua thử thách và trở thành người hùng trong đám con nít lau chau của xóm nghèo.
“Người anh hùng” thường bắt đầu bằng những bước chân dò dẫm trên nền lá khô mục ướt, nơi ở của những con sâu phát ánh lân tinh xanh lè, rồi nín thở trèo lên thân cây đầy rêu ướt lạnh. Bầy dơi nghe động vội vã đập cánh loạn xạ khiến con chim cú giật mình kêu lên một tiếng khô khốc trước khi vỗ cánh bay đi. Kẻ nhận thử thách, sau khi hít một hơi vào lồng ngực lép kẹp, mò vào trong áo rút chiếc đèn pin lia lên bầu trời những tia sáng đầy kiêu hãnh…
2. Ngày cô gái xây nhà, ai cũng khuyên nên đốn cây xoài nhưng cô bỏ hết ngoài tai. Mà cũng lạ, từ khi cô đến ở, cây xoài già không còn lụ khụ. Những cành lá nâu non, bụ bẫm vươn lòa xòa như một vòng tay trìu mến ôm lấy mái nhà.
Tháng Giêng, xoài ra hoa như có phép màu khiến cả xóm ngạc nhiên. Tháng Ba, cây kết trái. Những trái xoài chi chít chỉ bé bằng nắm tay con nít chín vàng dưới cái nắng màu mật. Cả xóm sực nhớ đó là giống xoài sẻ, một loại cây rừng còn ở lại với những người khai hoang năm xưa. Ông hàng xóm tóc đã nhiều sợi bạc nói với cô gái: “Cây xoài ni cũng gần năm chục tuổi. Hồi nhỏ, tui thường trèo hái trộm xoài về chấm muối ớt ăn. Giống xoài sẻ ni hột to mà ít cơm, lúc còn xanh ăn chua tận óc; lúc chín thơm sực nức không chi bằng…”.
Ngày trước, trẻ con thường tự làm đồ chơi từ cây lá, từ con trâu bằng lá mít hai sừng cong vút đến chiếc kèn lá chuối thổi tò tí te. Hái lá mít, lá bàng chằm mũ, kết vỏ trái bưởi làm khăn đóng, chặt tàu chuối làm súng… Thậm chí, chỉ với chiếc tàu cau rụng kẹp vào hai chân là có thể trở thành ông trạng cưỡi ngựa vinh quy về làng.
Với trái xoài, một thời bọn con gái trong xóm thường hái về để trên bàn học cho thơm chứ không ăn, còn lũ con trai sau khi mút trái xoài đến giọt cuối cùng thường lấy hạt phơi khô làm cối xay chơi. Cối xay hột xoài tuy bé nhưng cũng có thớt trên, thớt dưới đủ bộ y như thật. Kết nối giữa hai thớt là một trục bằng que tre và sợi dây gai. Mỗi lần xay cối phải kéo nhẹ dây gai quay quanh trục như kéo đàn cò. Mỗi trưa, bọn trẻ đem cối kéo nhau ra đầu ngõ thi nhau xem ai xay nhanh hơn, lâu hơn mà không bị trật trục ra khỏi thớt cối…
3. Khi xảy ra dịch bệnh, cô gái không thể mang xoài biếu bạn bè như trước. Xoài chín rụng buồn thiu một góc sân. Sực nhớ đến lời ông hàng xóm, cô tìm trên YouTube cách làm cối xay hạt xoài rồi hì hục làm. Ngó vậy mà không phải dễ. Cái làm xong không chịu chạy. Cái đã chạy chưa chắc đã ổn. Phải có con mắt “nghề” mới lựa được hột xoài làm cái cối chạy trơn tru không văng mỗi thớt mỗi nơi...
Xong mấy cái cối xay bé tí, cô gái tỉ mẩn sơn màu, vẽ hoa lên mỗi thớt trước khi mang cho bọn trẻ hàng xóm. Ban đầu, chúng háo hức lắm bởi thứ đồ chơi lạ lẫm. Nhưng rồi, được một hai hôm, chúng vứt lăn lóc cái cối vào góc phòng và quay về với mớ đồ chơi điện tử quen thuộc.
Cô gái không buồn, bởi lẽ những đứa trẻ kia đâu biết mặt mũi cái cối xay lúa như thế nào mà yêu các món đồ chơi dân dã tự làm theo cách mô phỏng. Có điều, cây xoài mồ côi giờ không còn đơn côi nữa. Mỗi mùa quả chín đi qua, cô lại chọn hột xoài làm những chiếc cối xay tặng bạn bè như một cách tìm lại tuổi thơ đã qua...
NHƯ HẠNH (Tặng P.N)