Đà Nẵng cuối tuần

Chung tay bảo vệ môi trường

09:00, 11/07/2021 (GMT+7)

Được thành lập và hoạt động từ tháng 9-2020, dự án Green University DUE (dự án xây dựng “Đại học Xanh” do sinh viên Trường Đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Đà Nẵng thực hiện) đã tiếp cận không chỉ giới trẻ, người dân trên địa bàn thành phố mà còn thu hút sự quan tâm, tham gia của hàng ngàn bạn trẻ, những người yêu môi trường trên khắp cả nước.

Thành viên Green University DUE chung tay dọn sạch rác thải. Ảnh: THANH TÌNH
Thành viên Green University DUE chung tay dọn sạch rác thải. Ảnh: THANH TÌNH

Từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 6-2021, chương trình “Bình nước cá nhân” và “Phân loại rác” do Green University DUE tổ chức thu hút gần 1.500 học sinh, sinh viên các trường THPT, ĐH, cao đẳng trên địa bàn thành phố tham gia. Với các hoạt động chia sẻ, trò chuyện về rác thải, tổ chức các minigame truyền thông cổ động và triển khai cho học sinh, sinh viên tham gia nhặt rác trên địa bàn thành phố, Green University DUE đã góp phần hình thành và duy trì lối sống xanh trong mỗi người.

Có mặt hầu hết ở các chương trình phân loại rác, Lâm Bá Đạt, sinh viên năm 1, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Trước đây, em không biết việc phân loại rác thải nên em cứ bỏ chung rác vào một túi rồi mang bỏ vào thùng rác.

Sau khi nghe các diễn giả chia sẻ về rác và ảnh hưởng của rác đến môi trường cũng như trực tiếp tham gia các hoạt động nhặt rác ở sân trường, trên các bãi biển hay vịnh Mân Quang, em thấy rác thải xung quanh mình quá nhiều và mình nên có ý thức phân loại rác. Từ đó, không những em hình thành thói quen phân loại rác mà còn tái chế rác thành các vật dụng hữu ích như đồ dùng học tập hay các chậu trồng cây xanh”.

Em Triệu Tú Quỳnh, học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà) bộc bạch: “Em đã nhiều lần tham gia hoạt động nhặt rác cùng các bạn ở bãi biển, mỗi lần đi là một lần em đăng tải hành động của mình lên Facebook cá nhân để kêu gọi bạn bè tham gia và em rất vui vì lần nào cũng được các bạn ủng hộ nhiệt tình. Với em, đây là hành động nhỏ nhưng lan tỏa mạnh ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng”.

Theo dự án Green University DUE, ngoài chương trình “Bình nước cá nhân” và “Phân loại rác”, thời gian qua, dự án đã đẩy mạnh các hoat động lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa như thực hiện chuỗi hoạt động “Mỗi ngày một hành động xanh” thu hút gần 1.000 người tham gia với hơn 9.000 hành động.

Song song đó, tổ chức hàng chục buổi chia sẻ, trò chuyện về “Sống xanh, xây dựng lối sống xanh bền vững”, “Cây xanh và tác động của cây xanh đối với môi trường”, “Người cần rừng, rừng cần cây” và hoạt động trồng cây xanh tại các trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam… Green University DUE cũng cho biết, Fanpage Green University DUE đến nay thu hút hơn 200.000 lượt tiếp cận hơn và gần 3.500 lượt theo dõi.

Trưởng ban Đối ngoại Dự án Green University DUE Lê Vũ Xuân Oanh nhìn nhận, gần một năm thành lập, Green University DUE đã tổ chức 12 hoạt động, cuộc thi lớn nhỏ để tác động nhận thức, thay đổi tư duy, thúc đẩy hành động về sống xanh của sinh viên, cán bộ, giảng viên và cộng đồng trên địa bàn thành phố. Green University DUE cũng phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm xanh, giảm thiểu rác thải thông qua hoạt động tặng, phát chai thủy tinh, tặng cây xanh… Ngoài ra, Green University DUE thường đăng tải những hình ảnh về hoạt động bảo vệ môi trường lên mạng xã hội như dùng giỏ, túi vải đi chợ thay túi ni-lông, trồng cây xanh để kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường.

Là người tham dự các buổi chia sẻ về rác thải và tác hại của rác do Green University DUE tổ chức, bà Quách Thị Xuân, Điều phối viên Liên minh không rác Việt Nam cho biết, hầu hết các buổi chia sẻ đều được đông đảo học sinh, sinh viên đón nhận và tham gia tự nguyện, điều đó cho thấy nhận thức về giảm thiểu rác thải trong giới trẻ đã cao hơn rất nhiều.

Bà Xuân cũng cho rằng, phân loại rác thải là việc làm không khó, chỉ cần mỗi người ý thức và duy trì được thói quen. Không những phân loại, các bạn còn có thể tự tái chế rác thành phân hữu cơ, phân vi sinh bón cho cây trồng tại gia đình bằng việc tận dụng rác hữu cơ như rau thừa, trái cây, lá cây… Các bạn cũng có thể đi chợ với túi sử dụng nhiều lần, tái sử dụng hay giảm thiểu rác cho gia đình cũng là cách giúp gia đình và xã hội trở nên sạch, đẹp hơn.

THANH TÌNH

.