Hương vị "mang về"

.

1. Có hai loại đồ ăn - nói như ngôn ngữ văn chương là “thức quà” mà mẹ mang về cho lũ trẻ chúng tôi, cứ theo tôi suốt từ bé đến giờ. Những thứ đồ ăn đó, bây giờ vẫn còn, vẫn bán…; nhưng để thưởng thức nó, chắc tôi phải nhắm mắt lại mà dìu cái hương vị những ngày xửa xưa chừng 40 năm trước ấy về, thì mới mong giữ được một phần nào chút thơm ngon ngày cũ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đó là những lần đi chợ, bán được ít khoai đậu hay rau quả nhà trồng, mẹ lại gói trong lá chuối mang về cho anh em chúng tôi mấy cái kẹo ú, hoặc đôi khi sang trọng hơn là mấy miếng bánh đúc. Những chiếc kẹo ú làm bằng thứ đường hơi ngòn ngọt, đăng đắng, chen lẫn vị gừng cay the, phủ bên ngoài một lớp bột trắng mỏng, ngậm thì tan dần trong miệng và cuối cùng là lợn cợn vài hạt cát lẫn đâu đó.

Còn những lát bánh đúc, làm bằng bột gạo trì, gạo lứt nâu đậm hay giống lúa mới trắng đục, được phủ thứ nước nhưn thơm mùi tôm và đậu phộng giã cùng lá hành lá nén; không gì thú vị bằng lấp bụng vào những bữa nửa buổi chờ cơm trưa…

Đó là những thứ quà mà họa hoằn lắm mẹ mới mua về, nên niềm vui đến thật xa xỉ cho lũ trẻ con nhà nghèo. Nhưng có một món quà, mẹ không phải bỏ tiền mua, mà đánh đổi bằng mồ hôi mặn chát và đôi khi tay chân rướm máu. Quê tôi miền trung du, nhà tôi làm nông, mẹ hay đi rừng đi trảng cắt những loại cây lá như xốp, sim, mua, trâm, ngành ngạnh, dủ dẻ… về, vừa lót cho bò, heo nằm sạch mát, vừa để lấy phân bón ruộng.

Mỗi buổi mẹ đi cắt lá về, vừa hạ gánh xuống sân là anh em chúng tôi nhào ra, không phải để giúp mẹ tháo gánh lá cây nặng trĩu xuống, mà giành lấy những thứ mẹ bỏ đầy trong túi áo, hay đựng trong chiếc nón lá mẹ đội đầu được lật ngửa ra... Vì ở đó, bao giờ cũng đầy ắp những trái dủ dẻ vàng ươm, trái sim chín sẫm, nhành trâm móc tím rịm, hay những chùm chà là vàng tím xanh lẫn lộn…

Những thứ quà của thiên nhiên quyện cùng hương đồng gió nội luôn chứa đựng một nỗi yêu thương mẹ gói tròn cho các con. Những ngày thơ ấu ấy, chúng tôi còn quá nhỏ để cảm được mùi hương của tình thương từ mẹ. Bây giờ lớn lên, mọi thứ đã lùi vào dĩ vãng, có thứ không bao giờ tìm lại được…, nhưng hương vị riêng tư ấy cứ nồng nàn trỗi dậy.

Đến bây giờ, tôi trộm nghĩ, phải chăng cũng mùi hương dủ dẻ ấy, cũng vị ngọt của trái sim ấy…, mẹ mang về cho chúng tôi bằng cả tình mẫu tử thiêng liêng; mẹ muốn gói trọn cái hương vị ấy gửi vào tuổi thơ, để lớn lên chúng tôi hiểu hơn và thấm đẫm từng ngày...

2. Trong mùa Covid-19, khi khái niệm “mang về” được đưa vào văn bản hành chính và được các hàng quán giăng đầy trước cửa, mới ngậm ngùi thương hương vị của những thứ mà chúng ta hay dùng trong những “ngày bình thường cũ”.

Đó là hương vị của những ly cà phê buổi sớm bên lề đường hay ly bia tươi mát lạnh nơi vỉa hè những chiều muộn sau giờ làm. Tôi ngờ rằng không ai có thể mang hương vị ấy nguyên vẹn về trong căn nhà của mình, nơi chứa đầy không gian riêng tư của mỗi gia đình. Ly cà phê ấy chỉ có thể tròn vị, tròn hương trên chiếc bàn gỗ nhỏ trong quán cóc ven đường; mùi hương tỏa ra thơm lừng cùng làn khói mỏng trong đôi mắt mơ màng ngắm phố sớm mai, quyện trong cái chiêm nghiệm đời mình hay những câu chuyện với bạn bè…

Cốc bia mát lạnh đọng những giọt nước li ti bên ngoài, vun đầy những mảng bọt trắng vờn quanh miệng, được nhâm nhi cùng những câu chuyện rôm rả chưa rút ruột nói hết trong cuộc họp căng thẳng hay sau một cuốc xe thồ… Ly cà phê ấy, cốc bia tươi ấy… không chỉ mang hương vị của những thứ vật chất bên trong nó, mà đó còn là thứ hương của phố phường được quyện chặt qua bao biến thiên thời cuộc, của trầm tư buổi sớm tinh mơ hay rộn rã ban chiều.

Ăn phở trong cái không gian rộn rã của sớm mai trước giờ đi làm, trong tiếng băm thịt gấp gáp, trong làn hơi nước mỏng tang mang theo hương hồi dịu nhẹ vừa được múc từ nồi nước dùng còn nóng hổi rưới lên những sợi phở vừa được trụng sơ qua… Những hương vị đó làm sao gói ghém mang về?

Vậy đó, có những thứ hương vị tưởng như bình thường thôi, mà con người mang đi trong suốt cuộc đời mình, mãi không thể nào bỏ gánh xuống và dường như nặng thêm mỗi ngày…

ANH QUÂN

;
;
.
.
.
.
.