Nhiều tiện ích từ việc giảm dùng tiền mặt

.

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) không chỉ giúp giảm khối lượng tiền mặt trong lưu thông mà còn tiết giảm chi phí in ấn, bảo quản, vận chuyển tiền và lao động xã hội. Việc nâng cao hiệu quả thanh toán này trong nền kinh tế sẽ góp phần tăng tốc độ luân chuyển vốn của xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và tiền tệ.

Có thể nhận thấy, dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện TTKDTM nhiều hơn. Báo cáo của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa cho biết, trong quý 1 năm nay, giao dịch qua kênh internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, tăng 28,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng, tăng 103% về giá trị; kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng, tăng 146%...

Đặc biệt, hằng ngày các hệ thống thanh toán của NHNN đã xử lý khoảng 25 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng thực tế, những còn số trên mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ, vì tỷ lệ sử dụng tiền mặt ở nước ta còn cao. Theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt.

Để thúc đẩy TTKDTM, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản tăng cường thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công như Quyết định số 241/QĐ-TTG ngày 23-2-2018 về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công gồm thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26-5-2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển TTKDTM ở Việt Nam.

Tại Đà Nẵng, từ đầu năm 2020, Bệnh viện Đà Nẵng tiên phong triển khai các biện pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt thông qua các giải pháp thanh toán viện phí sử dụng thẻ ATM, VISA, MASTER; thanh toán qua ví điện tử; sử dụng mã QR; thanh toán qua thẻ khám bệnh thông minh của bệnh viện. Điều này đã giúp bệnh viện giải quyết tình trạng quá tải lượng người thanh toán viện phí và giảm áp lực cho nhân viên thu ngân; đồng thời hạn chế rủi ro, mất cắp cho người nhà. Hiện bệnh viện còn kết hợp với các ngân hàng triển khai các thẻ khám bệnh thông minh cho người bệnh nhằm hướng tới xây dựng bệnh án điện tử cho bệnh nhân theo lộ trình của Bộ Y tế.

Việc TTKDTM đã giúp Nhà nước chống thất thu thuế từ những giao dịch chui hoặc không minh bạch; giảm rủi ro rửa tiền và giảm tỷ lệ chủ thể thanh toán trữ tiền bên mình. Điều này có vai trò quan trọng trong việc huy động tích tụ các nguồn vốn tạm thời chưa sử dụng đến của khách hàng vào cơ quan tín dụng, tạo nguồn cho tài khoản để thực hiện thanh toán. Đối với người tiêu dùng, TTKDTM đem lại nhiều tiện ích khi mua sắm như: dễ dàng kiểm soát chi tiêu, không sợ việc bị trả thiếu tiền hay quên lấy tiền thừa khi mua hàng. Khi xảy ra Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo tiền giấy có thể là vật dụng trung gian truyền nhiễm SARS-CoV-2. Việc sử dụng TTKDTM giúp mỗi cá nhân bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như cộng đồng.

Mặc dù việc thúc đẩy TTKDTM đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ. Đó là chi phí đầu tư ban đầu quá lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như máy tính, trang thiết bị nối mạng, dịch vụ đường truyền…; hạ tầng thông tin chưa bảo đảm liên tục thường xuyên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; thói quen sử dụng tiền mặt còn cao... Do đó, để thực hiện hiệu quả mục tiêu thúc đẩy TTKDTM, yếu tố cốt lõi vẫn là xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán dịch vụ công đồng bộ, tạo điều kiện tốt nhất để người dân thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán điện tử; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán đến các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, việc đẩy mạnh các hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước không dùng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước và tiến tới không giao dịch bằng tiền mặt qua cơ quan này sẽ tăng cường thực hiện mục tiêu Chính phủ đề ra, góp phần tích cực trong việc kết hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong nền kinh tế.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.