Mới đây, bộ phim Người lắng nghe: Lời thì thầm (tựa tiếng Anh là Listeners: The Whispering) giành chiếc cúp vàng danh giá “Phim điện ảnh xuất sắc nhất” (có kinh phí dưới 250.000 USD) tại Liên hoan phim quốc tế New York 2021 (INYFF 2021). Nói về tác phẩm điện ảnh đầu tay thành công, đạo diễn Khoa Nguyễn cho biết, anh muốn gửi gắm thông điệp rằng ai cũng cần một người để lắng nghe.
Đạo diễn Khoa Nguyễn (trái) trao đổi với diễn viên Oanh Kiều khi quay Người lắng nghe: Lời thì thầm. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Người lắng nghe: Lời thì thầm xoay quanh câu chuyện nhà văn An Nhiên (Oanh Kiều đóng) bị ám ảnh bởi nhân vật chính trong tiểu thuyết của mình. Khi tác phẩm hoàn thành cũng là lúc người phụ nữ, bóng ma nhân vật chính vươn mình ra khỏi những trang sách để tiến vào cuộc đời thật của cô và đem đến chuỗi ám ảnh kinh hoàng. Phim cũng vừa đoạt 3 giải tại Liên hoan phim quốc tế Nghệ thuật châu Á 2021 (AFAIFF 2021) gồm: Nữ diễn viên xuất sắc (Best Actress) trao cho Oanh Kiều, Nam diễn viên ấn tượng (Special Mention Actor) dành cho Quang Sự và Phim ấn tượng (Special Mention).
* Chào đạo diễn Khoa Nguyễn, tại sao anh chọn đề tài liên quan đến sức khỏe tâm lý của con người cho bộ phim điện ảnh đầu tay?
- Trong cuộc sống, ai cũng có những chấn thương tâm lý, chỉ là nặng hay nhẹ mà thôi. Câu chuyện của bộ phim Người lắng nghe: Lời thì thầm đề cập trực tiếp đến cách mà mỗi người đối diện với những nỗi buồn, mất mát, tổn thương của chính mình, hoặc của những người xung quanh; cách để cùng nhau đối diện và chữa lành. Khi viết kịch bản và thực hiện bộ phim này, tôi muốn gửi gắm thông điệp rằng, ai cũng cần một người để lắng nghe. Đó là ý tưởng chủ đạo của cả câu chuyện phim.
Tôi chọn đề tài này không chỉ vì sự quan tâm của bản thân mà còn bởi nó có tính phổ quát, liên quan mật thiết đến đời sống con người. Câu chuyện phim vì thế sẽ có thể tìm được sự đồng cảm của người xem. Đây cũng là đề tài mà thị trường phim trong nước đang bỏ ngõ, gần như chưa có đạo diễn nào khai thác. Với một đạo diễn mới như tôi, điều này sẽ cho tôi cơ hội tạo được dấu ấn riêng, thay vì lựa chọn các đề tài quen thuộc với người xem trong nước.
Tương tự việc chọn đề tài, tôi chọn cách kể bằng thể loại tâm lý - kinh dị cũng vì xác định thể loại này ở trong nước hiện vẫn là mảnh đất chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng của thị trường. Vì vậy, còn nhiều cơ hội để tạo dấu ấn cho một người mới như tôi, so với các thể loại khác đã rất quen thuộc với khán giả trong vài năm gần đây như: hài, thanh xuân, gia đình, ngôn tình…
* Trong quá trình Người lắng nghe: Lời thì thầm nên hình thành dáng, anh đã gặp những khó khăn nào?
- Làm phim đầu tay thì có nhiều chuyện khó, trong đó khó nhất chính là kinh phí. Kinh phí sản xuất ở mức trung bình thấp hiện nay cho một phim tại thị trường Việt Nam tầm 10 tỷ đồng. Bản thân tôi và gia đình không có điều kiện bỏ ra số tiền như vậy nên phải tìm nhà đầu tư. Nhưng ngành này thì “nhìn phim nói chuyện”, không nói trên giấy được. Mà làm phim đầu tay nghĩa là mình chưa có sản phẩm nào để chứng minh cho người khác thấy được tầm nhìn, phẩm chất, năng lực của mình thì làm sao người ta tin tưởng mà bỏ ra mấy tỷ đồng được. Vậy nên, quá trình 3 năm thực hiện dự án này gặp rất nhiều khó khăn; cái khó, vất vả, đau đầu nhất chính là xoay xở nguồn vốn. Đây chắc là câu chuyện chung của mọi đạo diễn làm phim đầu tay.
Tuy nhiên, điều may mắn là tôi được gia đình và rất nhiều bạn bè ủng hộ, các cộng sự tin tưởng. Bằng việc xoay xở nhiều cách, cuối cùng tôi cũng hoàn thành được bộ phim đầu tay. Một mình tôi không thể làm được, vẫn phải nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều người. Làm phim là công việc tập thể, nếu không có những người cộng sự cùng tầm nhìn với mình thì sẽ dễ dàng khiến mình lạc lối, dẫn đến bỏ cuộc.
* Sau khi hoàn thành bộ phim này, điều gì đọng lại trong anh?
- Khi thực hiện bộ phim đầu tay, điều quan trọng nhất mà tôi xác định bản thân cần phải đạt được là làm phim theo cách mình muốn. Tuy nhiên, trong điều kiện nhiều khó khăn, nhất là tài chính, tôi không thể yêu cầu nhà sản xuất và các cộng sự đáp ứng cho mình 100% mong muốn, mà vẫn phải “liệu cơm gắp mắm”. Quá trình làm phim phải cân nhắc lựa chọn, cái gì quan trọng, cần nhất cho câu chuyện thì tập trung nguồn lực vào đó; cái gì có thể bỏ qua thì giản lược, cốt yếu làm sao hoàn thành bộ phim tốt nhất có thể trong điều kiện của dự án.
Tôi hiểu rất rõ bản thân đang có gì, điều kiện dự án đang như thế nào. Vậy nên, khi bộ phim hoàn thành, tôi không có gì tiếc nuối và có thể khẳng định mình đã làm được bộ phim theo cách mà mình muốn. Giờ thì chỉ mong ngày phim được ra mắt khán giả.
Việc chưa thể phát hành phim do dịch bệnh vừa ảnh hưởng xấu đến tài chính của dự án, vừa ảnh hưởng xấu đến tinh thần của mình và ê-kíp. Vậy nên, việc đạt được một số thành tích ở các sân chơi quốc tế, dù nhỏ thôi, vẫn mang đến cho tôi cùng các cộng sự niềm vui và sự phấn khởi để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
“Tôi thường tự hỏi bản thân mình đang muốn gì, đang vui hay buồn, đang thoải mái hay khó chịu… Rồi tôi cũng hay tự hỏi mình mục tiêu của cuộc đời là gì? Mình muốn 5 năm nữa mình là người thế nào? Ba năm nữa sẽ ra sao? Một năm tới mình sẽ làm được gì? Việc thường xuyên tự vấn chính mình giúp tôi thường biết rõ mình muốn gì. Và khi đã biết rõ mình muốn gì rồi thì việc còn lại chỉ là tập trung mọi nguồn lực của bản thân để thực hiện, theo đuổi điều mình muốn” Đạo diễn Khoa Nguyễn |
* Cơ duyên nào khiến anh rẽ ngang và bén duyên với con đường làm phim?
- Sau gần 10 năm công tác tại trường đại học, tôi nhận thấy bản thân không còn phù hợp nữa. Đầu năm 2011, tôi bắt đầu tìm kiếm con đường mới. Đầu năm 2013, tôi làm việc tại kênh truyền hình HTV3 - nơi tôi học các bài học đầu tiên về làm phim. Sau một thời gian, tôi nhận thấy đây là con đường phù hợp với mình nên năm 2014 quyết định thi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành Đạo diễn điện ảnh - truyền hình để có thể theo đuổi con đường làm phim một cách bài bản. Cuối năm 2018, tôi tốt nghiệp; đầu năm 2019 bắt đầu viết kịch bản Người lắng nghe: Lời thì thầm; năm 2020 tiến hành sản xuất; đến đầu 2021 hoàn thành bộ phim. Hành trình từ một giảng viên đại học trở thành đạo diễn tròn 10 năm.
Ba mẹ chắc có chút sốc khi nghe tôi báo tin nghỉ việc ở trường đại học. Lúc đó, tôi 30 tuổi. Nhưng cả nhà đều tôn trọng quyết định và sự lựa chọn của tôi. Nếu không có sự ủng hộ này, chắc tôi không trở thành đạo diễn như ngày hôm nay.
* Con đường làm phim đã khiến anh thay đổi ra sao?
- Trước đây, tôi nghĩ bản thân không thích chia sẻ vì tôi hơi lười giao tiếp, ngại đám đông và thường khó kết bạn. Nhưng từ khi dấn thân vào con đường làm phim và theo đuổi việc trở thành đạo diễn, tôi nhận ra mình luôn có những câu chuyện muốn được chia sẻ. Thông qua việc làm phim, tôi có thể kể chuyện, gửi gắm thông điệp đến với cả triệu triệu người trên khắp hành tinh này, vượt qua không gian địa lý, ranh giới quốc gia, sự khác biệt về dân tộc, tôn giáo, thể chế chính trị, điều kiện văn hóa - xã hội… Và tôi nghĩ, đây vừa là đặc ân, vừa là trách nhiệm, là sứ mệnh của mình với cuộc sống, với tư cách một đạo diễn.
* Anh có thể chia sẻ thêm về những dự định, ấp ủ trong tương lai?
- Trước mắt vẫn là chuẩn bị mọi thứ tốt nhất cho ngày Người lắng nghe: Lời thì thầm ra mắt khán giả trong nước. Bên cạnh đó, vẫn còn một số Liên hoan phim quốc tế mà Người lắng nghe: Lời thì thầm cần tham dự để tiếp tục cọ xát. Hy vọng bộ phim sẽ tiếp tục có được những phản hồi tốt.
Tôi cùng một số đạo diễn khác đang thực hiện một seri phim ngắn chất lượng cao, thuộc thể loại tâm lý - kinh dị. Dự án đang trong giai đoạn sản xuất.
Tôi vẫn đang viết kịch bản điện ảnh mới. Việc tiếp tục làm phim là cách duy nhất để tôi có thể ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn. Tôi đã đi một hành trình rất dài mới đến được đây nên tôi không định chỉ trở thành một đạo diễn. Mục tiêu của tôi là trở thành một đạo diễn giỏi!
Năm 2019, dự án phim ngắn đầu tay Come Back Home của đạo diễn Khoa Nguyễn tham dự tổng cộng 11 Liên hoan phim ở 5 châu lục; đoạt giải Hình ảnh xuất sắc tại Cinematography Award (tháng 5-2019), Thiết kế âm thanh xuất sắc tại Great Message International Film Festival (Ấn Độ, tháng 9-2019) và Award of Merit tại cuộc thi phim ngắn ở Mỹ (Best Shorts Competition, tháng 6-2019)… |
NAM BÌNH thực hiện