UNESCO tước danh hiệu của Liverpool

Bài học về giữ di sản

.

Liverpool - thành phố cảng ở tây bắc nước Anh - đã bị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tước danh hiệu Di sản Thế giới vì cho rằng sự phát triển đô thị trong nhiều năm qua đã gây ra những tổn thất không thể khắc phục, ảnh hưởng đến chất liệu lịch sử nơi đây.

Những tổn thất đó đã được UNESCO chỉ ra tại các bến tàu Victoria ở Liverpool. Phiên họp trực tuyến của UNESCO giữa tuần qua tại Trung Quốc nêu rõ: “Giá trị phổ quát nổi bật” của thành phố cảng Liverpool đã bị những tòa nhà, công trình mới phá hủy. Trong những công trình bị coi là “tội đồ” đó, có cả sân vận động bóng đá mới trị giá 500 triệu bảng Anh của CLB bóng đá Everton.

UNESCO tước danh hiệu Di sản Thế giới đã có từ năm 2004 của Liverpool (Vương quốc Anh) vì cho rằng thành phố này không bảo tồn được các giá trị bản sắc của công trình di sản. Ảnh: Dave Cooil/Alamy
UNESCO tước danh hiệu Di sản Thế giới đã có từ năm 2004 của Liverpool (Vương quốc Anh) vì cho rằng thành phố này không bảo tồn được các giá trị bản sắc của công trình di sản. Ảnh: Dave Cooil/Alamy

Quyết định thức tỉnh

“Phán quyết” gây chú ý của UNESCO được ông Tian Xuejun, Chủ tịch UNESCO, công bố trong cuộc họp trực tuyến ngày 21-7 tại Trung Quốc. Đây là lần thứ ba trong 5 thập niên qua cơ quan Liên Hợp Quốc ra một quyết định như thế. Trước đó, hai di sản bị tước danh hiệu là Khu bảo tồn linh dương Arab của Oman (bị tước danh hiệu năm 2007) và thung lũng Dresden Elby của Đức (bị tước danh hiệu năm 2009).
Năm 2012, UNESCO từng cảnh báo Liverpool khi thành phố này bị xếp vào danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa.

Thời điểm đó, Liverpool đã thông báo về dự án Liverpool Waters, cho phép tái tạo, xây dựng các tòa nhà mới như căn hộ, văn phòng, khách sạn... tại những bến tàu vốn rất nổi tiếng. Giờ đây, UNESCO cho rằng, hệ lụy từ các dự án phát triển hạ tầng ở Liverpool đã khiến khu vực bến cảng “bị hủy hoại dần tới mức mất đi những bản sắc riêng”, những đặc trưng vốn từng đưa thành phố vào danh sách các Di sản Thế giới.

Thành phố Liverpool được trao danh hiệu Di sản Thế giới vào năm 2004, sánh ngang với các công trình Di sản Thế giới nổi tiếng khác như cung điện Taj Mahal của Ấn Độ và Vạn lý Trường thành của Trung Quốc. Việc được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO không chỉ là danh tiếng, mà còn là cơ sở để thành phố sở hữu di sản có thể tiếp cận các nguồn ngân sách của Liên Hợp Quốc cho công tác bảo trì, tôn tạo theo Công ước về bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới của UNESCO có hiệu lực từ ngày 17-12-1975. Bên cạnh đó, khi trở thành Di sản Thế giới, các địa danh này sẽ xuất hiện trong những sách chỉ dẫn du lịch trên toàn cầu, mở ra cơ hội lớn thu hút du khách bốn phương, tăng nguồn thu cho địa phương sở hữu di sản. 

“Nỗi xấu hổ quốc gia”

Không ngạc nhiên khi lãnh đạo thành phố Liverpool phản ứng mạnh mẽ với quyết định của UNESCO. Bà Joanne Anderson, Thị trưởng thành phố, bày tỏ cảm giác “vô cùng thất vọng và lo ngại” về sự việc, đồng thời nói rằng Hội đồng thành phố đang cân nhắc đệ đơn phản đối.

Theo bà Anderson, đã một thập niên trôi qua kể từ lần cuối cùng UNESCO tới thăm Liverpool để trực tiếp ngắm nhìn thành phố này, và bà không thể hiểu vì sao họ lại phản đối việc xây dựng một sân vận động mới dự kiến thu hút hàng trăm ngàn du khách như thế.

“Di sản Thế giới của chúng tôi chưa bao giờ ở tình trạng tốt hơn như vậy sau khi được hưởng lợi từ hàng trăm triệu bảng (Anh) đầu tư vào hàng chục tòa nhà và các không gian công cộng”, bà Anderson nói thêm. Tuy nhiên, theo báo Financial Times, sân vận động mới Bramley-Moore Dock của câu lạc bộ Everton đã “lấn át” bến tàu lịch sử và làm thay đổi bản chất của khu bến cảng.

Trong khi đó, các tổ chức bảo vệ di sản cho rằng, việc Liverpool bị tước danh hiệu di sản thế giới thực sự là chuyện xấu hổ đối với chính phủ. Họ chỉ trích chính quyền đã không hành động đúng mức để bảo vệ các di tích lịch sử, cũng như không có động thái can thiệp cần thiết khi UNESCO đe dọa xóa danh hiệu của Liverpool. Bà Henrietta Billings, Giám đốc tổ chức Save Britain’s Heritage (tạm dịch: Cứu lấy di sản nước Anh) cho biết, việc bị tước bỏ danh hiệu Di sản Thế giới là “nỗi xấu hổ quốc gia”, và trong hậu quả buồn này của Liverpool có một phần lỗi ở chiến lược bảo vệ các tài sản văn hóa của chính phủ.

Theo đài ITV, trong tháng 6 năm nay, UNESCO công bố danh sách 53 Di sản Thế giới đang trong tình trạng “nguy hiểm”, trong đó có thành phố Liverpool của Anh. Một số di sản khác đang bị đe dọa tước danh hiệu nếu không kịp thời bảo trì, tôn tạo gồm: Rạn san hô Great Barrier (Úc), Công viên quốc gia Everglades (Mỹ), Di sản rừng mưa nhiệt đới của Sumatra (Indonesia), Các vườn quốc gia hồ Turkana (Kenya)….

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Guardian, Financial Times, ITV)

;
;
.
.
.
.
.