VẮC-XIN! VẮC-XIN!

Phấn đấu tiêm phòng Covid-19 cho 70% dân số

.

Theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19, Việt Nam đặt mục tiêu 150 triệu liều vắc-xin để tiêm cho 70% dân số. Để đạt mục tiêu này, việc vận động chiến lược “ngoại giao vắc-xin” có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh khan hiếm vắc-xin toàn cầu hiện nay.

Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Ký túc xá phía Tây thành phố Đà Nẵng hôm 3-8. Ảnh: Đ.H.L
Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Ký túc xá phía Tây thành phố Đà Nẵng hôm 3-8. Ảnh: Đ.H.L

Trên cơ sở vận động và đàm phán tích cực, số lượng vắc-xin phòng Covid-19 mà Việt Nam tiếp nhận càng ngày tăng lên đáng kể.

"Ngoại giao vắc-xin”

Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 được triển khai từ tháng 7-2021 tới tháng 4-2022 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18. Bộ Y tế cho biết, sẽ mở rộng độ bao phủ tiêm chủng, góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm 150 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 cho hơn 70% dân số đến cuối quý 1-2022.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, đến nay, cả nước đã có được cam kết và ký hợp đồng bảo đảm được cung cấp hơn 105 triệu liều, trong đó có 38,9 triệu liều do COVAX (cơ chế phân bổ vắc-xin toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác) tài trợ, 30 triệu liều AstraZeneca ký hợp đồng với Công ty CP vắc-xin Việt Nam (VNVC) để Chính phủ mua lại, 31 triệu liều Pfizer ký với Chính phủ, 5 triệu liều Moderna ủy quyền cho Công ty Zuellig Pharma Việt Nam. Việt Nam cũng đàm phán mua 55 triệu liều vắc-xin, trong đó có 40 triệu liều Sputnik-V do Tập đoàn T&T đàm phán với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga và 15 triệu liều Covaxin do Bộ Y tế đàm phán với Ấn Độ.

Ngoài ra, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) viện trợ dự án “Hỗ trợ triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam năm 2021-2023”, trong đó có 1.910 tủ lạnh bảo quản vắc-xin công suất lớn và huy động 10 triệu USD để thực hiện dự án. Hàn Quốc hỗ trợ 30 triệu xi-lanh tiêm, tương đương khoảng 2,5 triệu USD. Chính quyền và nhân dân một số bang của Đức gửi tặng Việt Nam 1 triệu bộ kít xét nghiệm nhanh Covid-19…

Song song đó, Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tích cực đóng góp cho Quỹ vắc-xin phòng Covid-19, để cùng với nguồn lực ngân sách Nhà nước mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước để tiêm chủng cho người dân.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, để đạt mục tiêu đề ra, cần làm rõ 2 điều kiện quyết định: Thứ nhất, cần có đủ nguồn vắc-xin; thứ hai, khi vắc-xin đã về rồi thì làm thế nào để tiêm nhanh. Chúng ta phải có bước tiếp cận nhanh nhưng tiêm hết sức an toàn theo phương châm của Bộ Y tế “tiêm đến đâu an toàn đến đấy”.

"Vắc-xin là biện pháp rất căn cơ trong phòng, chống dịch. Chính phủ hoan nghênh tất cả doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đóng góp, đồng hành để Việt Nam có vắc-xin phòng Covid-19 sớm nhất, tiêm được cho nhiều người dân nhất một cách an toàn nhất có thể, để có miễn dịch cộng đồng sớm, quay lại cuộc sống bình thường như cộng đồng quốc tế”
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 nêu rõ tại buổi gặp gỡ đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đóng góp ý kiến và ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 ở trụ sở Chính phủ sáng 4-6-2021

Đà Nẵng dự kiến thiết lập khoảng 110 điểm tiêm chủng

Ngày 16-7, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định điều chỉnh kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 năm 2021-2022. Theo đó, kế hoạch mới đặt mục tiêu tiêm đủ mũi vắc-xin phòng Covid-19 cho 90% số người trong độ tuổi tiêm chủng theo từng đợt phân bổ vắc-xin. Cố gắng đạt tiến độ tiêm chủng nhanh nhất khi nhận đủ vắc-xin, công suất tối đa dự kiến là 20.000 mũi tiêm/ngày.

Để đạt tiến độ tiêm chủng, Đà Nẵng dự kiến thiết lập từ 100-110 điểm tiêm chủng tại các quận, huyện và 2 điểm tiêm chủng tại Bệnh viện Đà Nẵng để triển khai vắc-xin cho các đối tượng do tuyến dưới chuyển tuyến. Mỗi điểm tiêm chủng cần tối thiểu 10-15 người tham gia công tác tiêm chủng và phải được đào tạo, tập huấn về khám sàng lọc, tiêm chủng an toàn và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19.

Tính đến ngày 13-8, Đà Nẵng nhận tổng cộng 163.920 liều vắc-xin phòng Covid-19 (gồm Astra Zeneca: 119.250; Moderna: 33.600; Pfizer: 11.070 liều), đã tiêm 91.895 liều. Số liều vắc-xin mà Đà Nẵng cần để đạt miễn dịch cộng đồng là khoảng 1,6 triệu liều.

Để bảo đảm an toàn trong tiêm chủng, quá trình tiêm chủng được thực hiện đúng theo quy trình của Bộ Y tế từ việc tiếp nhận, phân loại đối tượng tiêm chủng đến việc cung cấp phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; khám sàng lọc đối tượng trước khi tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tiêm chủng theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn theo quy định tại Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12-11-2018 của Bộ Y tế... Cùng với đó, tại các điểm tiêm chủng đều được bố trí xe cấp cứu, hệ thống điều trị trực sẵn sàng tiếp các ca phản ứng sau tiêm.

Chia sẻ về công tác tiêm vắc-xin, BS CKII Huỳnh Xuân Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết, bệnh viện đã lên kế hoạch cụ thể từ trước, ai làm công tác gì, ở những vị trí nào đều được hoạch định rõ ràng. Cơ sở vật chất tại bệnh viện cũng được chuẩn bị và kiểm tra chu đáo trước mỗi đợt tiêm, mỗi buổi tiêm.

Tất cả các danh mục trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc đều chuẩn bị theo đúng yêu cầu về điểm tiêm chủng an toàn của Bộ Y tế và của y tế địa phương. Bệnh viện còn diễn tập tình huống tiêm chủng, xử trí tai biến trước khi tổ chức tiêm chủng vào ngày đầu tiên 25-7-2021. “Đến nay, Bệnh viện C tiếp nhận và chính thức phụ trách 6.360 liều vắc-xin (tương đương 3.180 người được tiêm mũi 1 và mũi 2) bao gồm 2 loại Pfizer và Moderna. Bệnh viện đã hoàn thành 3.180 liều cho mũi 1 và đang đợi đúng thời gian theo quy định để tiếp tục tiêm mũi 2 cho 3.180 người này”, BS CKII Huỳnh Xuân Hải nhấn mạnh.

Để bảo đảm an toàn cho tiêm chủng vắc-xin ở tuyến quận/huyện, ông Phan Trình, Trưởng phòng Y tế quận Liên Chiểu, thành viên Ban chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 quận Liên Chiểu đề xuất, việc xây dựng kế hoạch và phân bổ số lượng, đối tượng tiêm quá gấp sẽ dẫn đến bị động cho địa phương.

Do đó, cần ban hành kế hoạch trước 72 giờ để các đơn vị có đối tượng được tiêm chủng biết. Tại điểm tiêm Khu ký túc xá phía tây thành phố, có nhiều đơn vị phụ trách tiêm chủng, nên việc sắp xếp, bố trí điểm tiêm gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đối tượng tiêm nên được bố trí tiêm theo địa phương để thuận tiện cho việc đi lại.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 11-8, có khoảng 18,7 triệu liều vắc-xin từ các nguồn khác nhau đã về đến Việt Nam. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là hơn 11,3 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi là hơn 10,3 triệu, tiêm mũi 2 là hơn 1 triệu liều.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong quý 3-2021, số lượng vắc-xin Covid-19 về có thể chưa nhiều nhưng tới quý 4 sẽ về nước dồn dập. Riêng vắc-xin Pfizer sẽ về Việt Nam khoảng 47-50 triệu liều. Do đó, các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ tiêm, huy động tổng lực các lực lượng ở địa phương tham gia tiêm chủng. Ở địa phương có ít vắc-xin vẫn phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm chuẩn bị cho các đợt vắc-xin sắp về. Đặc biệt, tại các vùng phong tỏa càng phải tổ chức tiêm vắc-xin ngay.
 

ĐOÀN HẠO LƯƠNG - MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.