Diện mạo Đà Nẵng từ sau năm 1945 đến 1975

.

Giáo dục và đào tạo ở vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang từ sau năm 1945 đến 1975 đã có bước phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước. Diện mạo y tế ở vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang trong giai đoạn này được đánh dấu trước tiên bằng việc thành lập mới hai bệnh viện trên đường Nguyễn Hoàng/Hải Phòng.

Bệnh viện C Đà Nẵng ngày nay, khi mới được xây dựng vào năm 1968, hoàn thành vào đầu năm 1972 có tên là Bệnh viện Việt Đức Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN
Bệnh viện C Đà Nẵng ngày nay, khi mới được xây dựng vào năm 1968, hoàn thành vào đầu năm 1972 có tên là Bệnh viện Việt Đức Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN

Hình thành bậc trung học công lập

Ngày 7-8-1952, Thủ hiến Trung Việt Lê Quang Thiết có Công văn số 3214-VP-SV cho mở một lớp Đệ thất (lớp Sáu) để bắt đầu hình thành bậc trung học công lập tại Đà Nẵng. Ngày 6-5-1954, Bộ trưởng Quyền Tổng trưởng Bộ Giáo dục Vũ Quốc Thúc ra Nghị định số 95-GD/NĐ chính thức đặt tên Trường Trung học Phan Châu Trinh từ niên khóa 1954-1955. Trước đó, vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang chỉ có một vài trung học tư thục, nên Trường Trung học Phan Châu Trinh được xem là trường trung học công lập đầu tiên và duy nhất ở thập niên 1950.

Đến năm 1961 có thêm Trường Trung học công lập Hòa Vang trên đường Ông Ích Đường - là phân hiệu của trường Trần Quý Cáp Hội An. Năm 1962 có thêm Trường Trung học Kỹ thuật Đà Nẵng trên đường Cao Thắng (nay là Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thuộc Đại học Đà Nẵng).

Đến năm 1963 có thêm Trường Trung học công lập Ngoại Ô trên địa bàn quận II (nay là Trường THPT Thái Phiên) và Trường Trung học công lập Đông Giang trên địa bàn quận III (nay là Trường THPT Hoàng Hoa Thám). Đến năm 1967 có thêm Trường Trung học quốc gia nghĩa tử Đà Nẵng trên đường Đồng Khánh/Hùng Vương (chấm dứt hoạt động từ tháng 4-1975).

Đến năm 1968 có thêm Trường Trung học công lập Hiếu Đức (nay là Trường THPT Ông Ích Khiêm). Đến năm 1973 có thêm Trường Trung học công lập Nguyễn Tri Phương (sau đổi tên thành Nguyễn Trường Tộ) trên đường Võ Tánh/Núi Thành (nay là Trường THCS Tây Sơn)...

Giai đoạn này, vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang còn có một số trường do tôn giáo thành lập như các trường tiểu học và trung học Bồ Đề của Phật giáo (lớn nhất là Trường Trung học Bồ Đề trên đường Quang Trung thành lập năm 1963, nay là Trường THCS Nguyễn Huệ); như Trường Trung - Tiểu học Sao Mai trên đường Độc Lập/Trần Phú thành lập năm 1959 (một thời gian là Trường THPT Trần Phú, nay không còn) hay Trường Nữ Trung học Thánh Tâm trên đường Yên Bái (nay là Trường THCS Trưng Vương)… của Công giáo; như Trường Trung - Tiểu học Ánh Sáng của đạo Tin Lành trên đường Nguyễn Hoàng/Hải Phòng (nay là Trường THCS Nguyễn Trãi) …

Một số trường như Thọ Nhân Công học/Trung học Thọ Nhân trên đường Quảng Nam/Trưng Nữ Vương dành riêng cho học sinh người Hoa thành lập năm 1949 (nay là Trường THCS Trần Hưng Đạo); hay như Collège Français de Tourane trên đường Độc Lập/Trần Phú chính thức khai giảng ngày 1-10-1955 (đến năm 1963, trường đổi tên thành Lycée Blaise Pascal) dạy - học theo chương trình Pháp (nay không còn).

Cũng có thể kể đến trường trung học công lập đầu tiên dành cho nữ sinh là Trường Nữ Trung học Đà Nẵng, thành lập năm 1967 trên đường Thống Nhất/Lê Duẩn (đến năm 1973, trường đổi tên thành Nữ Trung học Hồng Đức, nay là cơ quan Đại học Đà Nẵng); và trường đại học cộng đồng đầu tiên là Trường Đại học Cộng đồng Quảng Đà khai giảng năm 1974 (chấm dứt hoạt động từ tháng 4-1975). Từ năm học 1972-1973, trên địa bàn các quận Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn còn có một số trường trung học ở Quảng Trị địa đầu giới tuyến sơ tán vào tổ chức dạy - học. Cũng có thể kể đến một số cơ sở giáo dục mầm non chẳng hạn như Vườn trẻ Minh Tâm trên đường Trưng Nữ Vương (nay là Trường Mầm non Ánh Hồng)…  

Thành lập mới 2 bệnh viện trên đường Nguyễn Hoàng/Hải Phòng

Diện mạo y tế ở vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang từ sau năm 1945 đến 1975 được đánh dấu trước tiên bằng việc thành lập mới 2 bệnh viện trên đường Nguyễn Hoàng/Hải Phòng. Thứ nhất, năm 1965, Trung tâm Y tế toàn khoa Đà Nẵng - cơ sở khám và chữa bệnh gắn với tên tuổi của một người Hội An là bác sĩ Đinh Văn Tùng - từ đường Hùng Vương được chuyển về cơ sở mới xây dựng trên mặt tiền hai đường Nguyễn Hoàng/Hải Phòng và Quang Trung (người dân địa phương quen gọi là Bệnh viện Giải phẫu), ở ngay địa điểm trước năm 1963 là Trường Trung học Bán công Đà Nẵng.

Do bác sĩ Giám đốc Đinh Văn Tùng đồng thời là Giáo sư khoa Sản phụ của Trường Đại học Y khoa Huế, nên Trung tâm Y tế Toàn khoa Đà Nẵng một thời gian dài trở thành bệnh viện thực tập cho sinh viên y khoa nội trú năm cuối của trường đại học này. Từ năm 1970, Trung tâm Y tế toàn khoa Đà Nẵng đã phát triển số giường bệnh lên đến 1.000 giường.

Thứ hai là Bệnh viện Việt Đức Đà Nẵng cũng được xây dựng trên mặt tiền hai đường Nguyễn Hoàng/Hải Phòng và Quang Trung (nay là Bệnh viện C Đà Nẵng), khởi công vào năm 1968, hoàn thành vào đầu năm 1972 và tạm thời trực thuộc Trung tâm Y tế toàn khoa (trong 1.000 giường của Trung tâm Y tế toàn khoa, bao gồm cả 200 giường của Bệnh viện Việt Đức Đà Nẵng). Bệnh viện Việt Đức Đà Nẵng là cơ sở khám chữa bệnh đầu tiên ở Đà Nẵng có bãi đáp trực thăng cứu hộ. Chính Tổ chức Malteser Hilfsdienst - một tổ chức thiện nguyện Công giáo của Đức - đã giúp Đà Nẵng cả về tài chính và chuyên môn để xây dựng Bệnh viện Việt Đức, cũng như đưa Tàu bệnh viện Helgoland đến Đà Nẵng vào đầu năm 1967 và neo đậu ở phía tả ngạn  sông Hàn, đoạn gần Bến Mía, để khám, chữa bệnh miễn phí. Đến tháng 1-1972, tàu bệnh viện Helgoland rời sông Hàn về Đức.

Ngoài ra, có thể kể thêm Tổng Y viện Duy Tân của quân đội Sài Gòn hình thành từ năm 1955 (nay là Quân y viện 17); Trung tâm Phục hồi chức năng và hướng nghiệp Đà Nẵng - chi nhánh của Viện Quốc gia Phục hồi tại Sài Gòn - được thành lập từ cuối năm 1968…
Chuyển biến về đời sống văn hóa

So với trước năm 1945, đời sống văn hóa của vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang từ sau năm 1945 đến 1975 chuyển biến khá rõ nét. Ngoài Cinéma Lạc Khoanh - còn gọi là Cinéma Nguyễn Khoa Lệ - sau đổi thành Cinéma Lido - trên đường Marc Pourpe/ Phan Châu Trinh hoạt động từ trước năm 1930 (nay không còn), giai đoạn này Đà Nẵng có thêm một số rạp chiếu phim khác như Cinéma Vĩnh Lợi/Kinh Đô (trên đường Độc Lập/Trần Phú, gần hãng Air France, nay không còn), Cinéma Palace/Kim Châu (cũng trên đường Độc Lập/Trần Phú, nay là Rạp Lê Độ), như Cinéma Kim trên đường Phan Đình Phùng (nay không còn), như Cinéma Olympic/Tân Thanh/Chợ Cồn trên đường Labbée/Triệu Nữ Vương nối dài (nay không còn)…

Về phim truyền hình, khoảng nửa cuối thập niên 1960, Đài Truyền hình Huế bắt đầu phát sóng và khán giả Đà Nẵng có thể dùng máy thu hình đen trắng để xem các chương trình của Đài Truyền hình Huế được kết nối qua Trạm Tiếp sóng Truyền hình trên đỉnh Hải Vân. Từ năm 1966-1969, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho xây dựng Đài Truyền hình Sài Gòn và 4 đài truyền hình địa phương tại Huế, Quy Nhơn, Nha Trang và Cần Thơ, thì Đà Nẵng chỉ có trạm tiếp sóng.

Sản xuất công nghiệp tự sản, tự tiêu

Về kinh tế trên vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang từ sau năm 1945 đến 1975, có thể ghi nhận sự “lên ngôi” của các hãng xe đò như Phi Long, Tiến Lực, Nam Lộc. Phần lớn là xe Renault Goelette, chạy đường dài, chủ yếu là tuyến Đà Nẵng - Nha Trang, tuyến Đà Nẵng - Huế… Có thể ghi nhận thêm hãng xe An Lợi chạy tuyến Đà Nẵng - Huế có bến xe ở đường Phan Châu Trinh đoạn gần Ngã Năm với các xe traction nhằm bảo đảm an toàn khi qua đèo Hải Vân. Sở dĩ vận tải hành khách bằng đường bộ ở Đà Nẵng phát triển mạnh bởi chiến tranh kéo dài nên tuyến đường sắt xuyên Việt qua Ga Đà Nẵng hầu như không hoạt động được - ngoài một số chuyến tàu chợ từ Ga Đà Nẵng đi các ga Thanh Khê, Dương Sơn, Lệ Trạch…

Sân bay Đà Nẵng chủ yếu dùng cho quân sự nhưng Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Air Việt Nam) cũng khai thác đường bay dân dụng Sài Gòn - Đà Nẵng. Vận tải hàng hóa bằng đường thủy qua Cảng Đà Nẵng phát triển mạnh nhưng chủ yếu cũng phục vụ nhu cầu quân sự.

Sản xuất công nghiệp ở vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang từ sau năm 1945 đến 1975 không đáng kể, chủ yếu mang tính tự sản, tự tiêu. Năm 1954, Brasseries Glacières d’Indochine/Hãng Bia và Nước đá Đông Dương đổi tên là Brasseries Glacières nternationales/Hãng Bia và Nước đá Quốc Tế nhưng các nhà máy của hãng trong đó có nhà máy ở Đà Nẵng trên đường Độc Lập/Trần Phú vẫn được gọi tắt là Nhà máy BGI như trước và tiếp tục sản xuất bia Larue Con Cọp, bia 33 Export, nước ngọt và nước đá.

Ngoài ra, có một số cơ sở sản xuất như Nhà máy Dệt Hòa Thọ thành lập từ năm 1962 - là chi nhánh của Công ty Kỹ nghệ Bông vải Việt Nam (SICOVINA) ở Sài Gòn nên còn gọi là Nhà máy Dệt SICOVINA Hòa Thọ; như Nhà máy nước Cầu Đỏ công suất 5.600m3/ngày đêm được xây dựng vào năm 1967 và Nhà máy nước Sân Bay công suất 12.000m3/ngày đêm được xây dựng vào năm 1969, do Thủy cục Đà Nẵng quản lý để khai thác nguồn nước mặt tại sông Cẩm Lệ thay cho nguồn nước ngầm từ các giếng khoan sâu trước đây… Đáng chú ý là Khu Kỹ nghệ Hòa Khánh - một mô hình tổ chức sản xuất mới - được hình thành vào đầu thập niên 1970 trên địa bàn quận Liên Chiểu ngày nay.

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.