Chuyện tình bên dòng sông Tranh

.

Nàng khóc mãi, khóc mãi đến nỗi nước mắt nàng chảy thành dòng sông Tranh, còn thân thể nàng hóa một loài cây có hoa nở trắng dọc hai bên bờ sông như thể ca ngợi tình yêu và sự thủy chung son sắt của hai người. Từ đó, tất cả phụ nữ và con gái dân tộc Ca Dong đều buộc dải thắt lưng như lưu giữ một nét đẹp truyền thống dân tộc mình.

Preen dxenh màu trắng mộc tô điểm, làm tăng thêm nét đẹp của thiếu nữ Ca Dong khi tham gia lễ hội. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19)Ảnh: S.G.P
Preen dxenh màu trắng mộc tô điểm, làm tăng thêm nét đẹp của thiếu nữ Ca Dong khi tham gia lễ hội. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19)Ảnh: S.G.P

Khi chúng tôi tò mò về nét đẹp riêng của dây thắt lưng này, bà Hồ Thị Dôn (70 tuổi, dân tộc Ca Dong hiện sống tại thôn 6, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) kể rằng, từ thuở hồng hoang, ở một làng nọ của người Ca Dong sống trên lưng chừng của đỉnh núi Ngọc Linh, trong làng (plài) có một chàng trai Ca Dong tên Ka mồ côi. Vì rất nghèo, đến nỗi không có một mảnh rẫy quế, một vườn cau, nên Ka đi ở mướn làm thuê cho một gia đình nhà giàu có.

Trong thời gian đi ở mướn, Ka luôn chịu khó chịu khổ. Ka quấn che thân bằng sợi dây có màu trắng ngà, người Ca Dong gọi là preen dxenh. Hằng ngày, từ sáng sớm cùng chiếc rìu trên vai, Ka lên rừng đốn cây chẻ củi; có ngày chăn dắt cả đàn trâu đến tối mịt mới về đến nhà. Có hôm, Ka xuống suối mò cua, bắt ốc cả gùi. Trong gia đình, có cô con gái tên Tua rất thích được mẹ nướng cho những con cua, con ốc mà Ka đem về. Những năm tháng ở nhà Tua, Ka và Tua thương nhau. Ka đã có lời hứa miệng trước (poic lơiq) với Tua và hai người thề sẽ lấy nhau làm vợ chồng.

Cha mẹ của Tua biết chuyện, bèn ngăn cản mối tình của hai người. Chàng Ka bị gia đình nhà giàu không cho ở nữa. Trước khi ra về, chàng gửi tặng Tua dải thắt lưng mà mình thường quấn trên mình hằng ngày để minh chứng cho tình yêu. Còn Tua tặng Ka chiếc vòng bằng đồng.

Ka đi rồi. Vì quá thương Ka, nên ngày ngày Tua vẫn ra bờ suối nơi chia tay với Ka để khóc. Mỗi lần khóc, Tua lại lấy dải thắt lưng người yêu tặng ra lau nước mắt. Nàng khóc mãi, khóc mãi đến nỗi nước mắt nàng chảy thành dòng sông Tranh, còn thân thể nàng hóa một loài cây có hoa nở trắng dọc hai bên bờ sông như thể ca ngợi tình yêu và sự thủy chung son sắt của hai người. Từ đó, tất cả phụ nữ và con gái dân tộc Ca Dong đều buộc dải thắt lưng như lưu giữ một nét đẹp truyền thống dân tộc mình.

Bà Dôn cho biết thêm, xưa kia đồng bào Ca Dong ở đây rất nghèo, không có đường sá để giao thương với bên ngoài nên rất hiếm có sợi bông để dệt vải. Đa số không có đồ mặc, bà con phải lên rừng lột vỏ cây về làm quần áo che thân, tấm đắp vào mùa mưa rừng dai dẳng. Bà cũng không biết preen dxenh có từ lúc nào. Khi bà lớn lên, nghe mẹ và những người phụ nữ Ca Dong lớn tuổi trong làng kể thì preen dxenh được làm từ cây dứa rừng (ra xạc).

Phụ nữ Ca Dong sau một ngày làm lụng trên rẫy, tranh thủ cắt lá dứa rừng mang về, dùng dao gọt bỏ phần gai hai bên của lá và lớp màu xanh ngoài ở hai mặt lá, chỉ lấy phần còn lại của những sợi trắng bên trong, rồi đem phơi khô, sau đó se những sợi trắng này lại quấn thành búp để dành dệt preen dxenh.

Bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Ca Dong gồm: váy, áo cộc tay; phần quan trọng và tốn nhiều thời gian nhất là việc dệt dây thắt lưng màu trắng mộc. Người Ca Dong quan niệm màu trắng thể hiện sự tinh khiết, nên phụ nữ mặc trang phục này thường quấn thêm dây thắt lưng màu trắng mộc hòa quyện trong một tổng thể thống nhất.

Phụ nữ Ca Dong khi quấn preen dxenh vào lưng trông gọn gàng mà vẫn toát lên vẻ kín đáo, đầy nét tinh tế với ước muốn giàu sang, hạnh phúc. Việc làm preen dxenh còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ và là tiêu chí đánh giá tài năng của phụ nữ Ca Dong. Thắt lưng là tấm vải trắng có chiều rộng từ 15-20cm và dài hơn sải tay (khoảng hơn 1,5m) khi đã nối các tua bằng sợi len màu đỏ hai đầu lại.

Hiện nay, người Ca Dong ở Bắc Trà My vẫn lưu giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc mình, trong đó có việc gìn giữ trang phục và dây thắt lưng. Dịp làng tổ chức lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa, ngày hội Đại đoàn kết..., phụ nữ Ca Dong luôn sử dụng bộ trang phục với váy và áo cộc tay.

Dự đám cưới hay về những làng khác trong các chuyến chơi xa, thiếu nữ Ca Dong chưa chồng rất thích đeo chuỗi cườm nhiều màu sắc ở cổ và không quên quấn thêm dây thắt lưng. Phụ nữ Ca Dong có chồng và lớn tuổi, ngoài dùng dây thắt lưng, họ còn dùng đồ trang sức bằng chuỗi dây đồng dài có gắn lục lạc quấn vào lưng quần, đeo nhiều trang sức bằng đồng, vòng bạc ở tay và cổ.

Hình ảnh phụ nữ dân tộc Ca Dong trong chiếc preen dxenh màu trắng mộc - một trong những phụ kiện trang phục quan trọng tô điểm và làm tăng thêm nét đẹp của họ - luôn gợi lên câu chuyện tình yêu chung thủy bên dòng sông Tranh. Hồn cốt của chuyện xưa góp phần làm nên diện mạo đặc trưng của vùng đất, con người và văn hóa Ca Dong so với các dân tộc anh em khác trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.

SƠN GIA PHÚ

;
;
.
.
.
.
.