Hạnh phúc không nguyên tắc

.

Chợ thị xã nằm ngay bờ sông Hồng và quốc lộ 32C. Chợ chật quá nên người ta cứ tràn dần ra đường. Buổi sáng đi qua đoạn đường này là thấy bao nhiêu phận người hiện ra.

Không phải góc chợ nào cũng ồn ã, xô bồ. Có những ngày mưa tôi đứng nép nhờ trước sạp hàng nhìn cảnh bán buôn ế ẩm mà thương. Chị bán hành, tỏi chống cằm nhìn ra màn mưa than: “Sáng ra còn chưa kịp mở hàng. Cả tuần nay ngày nào cũng mưa tầm tã thế này buôn bán được cho ai”. Cô bán dao, thớt chép miệng bảo: “Khéo mà phải đóng cửa lò rèn. Chứ giờ mọi người mua bán online. Dao Hàn, dao Nhật đủ cả. Mẫu mã đẹp, giá lại rẻ. Hàng mình tốt đấy nhưng chẳng mấy người mua”. Chị bán quần áo ngồi bóc tâm sen phẩy tay bảo: “Dịch bệnh thế này càng đẩy mạnh việc buôn bán online. Ế ẩm nhất phải là hàng quần áo chúng em đây này”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Họ than với nhau như thế nhưng chẳng ai chịu rời bỏ chợ. Họ bám víu lấy chợ đã mấy chục năm, ngày nắng bù ngày mưa, ngày đông khách bù ngày vắng vẻ. Chợ ngày mưa ướt nhẹp, tôi bắt gặp hình ảnh ba mẹ con chị bán rau đang ngồi trong góc chợ. Hai đứa nhỏ ngồi trong hai chiếc sọt, người mẹ ngồi dưới đất phía sau xe ngửa cổ lên đùa với con mình. Họ che chung một mảnh áo mưa, lưng con thì khô, lưng mẹ thì ướt. Chợ này đâu ai lạ hoàn cảnh mẹ con Mai “hấp”. Người mẹ đầu óc không bình thường, nên trời nắng nắng mưa vẫn chở con rong ruổi khắp thị xã. Quần áo hai đứa nhỏ lúc nào cũng nhem nhuốc nhưng miệng chúng luôn cười. Lần nào gặp tôi cũng thấy trên tay chúng cầm túi bỏng ngô, hoặc bánh kẹo bón cho nhau.

Nhiều người xót thương hai đứa trẻ được sinh ra bởi bà mẹ hâm dở nên có tuổi thơ cơ cực. Nhưng nếu ai từng nghe kể về hoàn cảnh của mấy mẹ con chị thì hẳn sẽ thấy ngậm ngùi. Họ kể, lúc còn trẻ, chị có nhan sắc, nhanh nhẹn, làm công nhân ở khu công nghiệp. Chị quen một người đàn ông gia đình có điều kiện nhưng không được bố mẹ người yêu đồng ý. Họ sống với nhau không hôn thú cho đến khi chị sinh đứa con gái thứ hai thì người đàn ông bỏ đi lấy vợ.

Sau cú sốc tình cảm, lại thêm phần tâm lý bất ổn sau sinh, chị bắt đầu đạp xe đi lang thang. Nhiều người ngỏ ý xin hai đứa nhỏ về nuôi nhưng chị không đồng ý. Hằng ngày chị đèo hai sọt rau đi bán kiếm thu nhập. Hai đứa nhỏ càng lớn càng quấn mẹ. Hồi mới chuyển về thị xã, gặp mấy mẹ con chị, tôi thắc mắc: “Sao không để con ở nhà, lôi chúng đi làm gì, tội nghiệp”. Chị xoa đầu con mình cười bảo: “Nhà không có ai. Bỏ các con ở nhà không nỡ. Nhỡ chúng ra vườn nghịch rồi ngã xuống ao hồ. Đèo đi cho có mẹ có con”.

Nhiều lúc tôi nghĩ người mẹ ấy còn tỉnh táo hơn khối người bình thường. Chị không vứt bỏ con mình dù khó khăn, vất vả. Chị thong thả mưu sinh theo từng vòng xe lăn bánh. Dân xóm chợ thương lắm nên xe rau chị vẫn thường hết sớm. Trước khi về, chị thường ghé qua hàng quà mua bánh cho con. Có ai đó dúi cho tụi nhỏ vài chiếc kẹo, dặn chị lần sau thấy mưa thì trú, thấy nắng thì đưa con tạt vào bóng râm. Chị cúi đầu cảm ơn, miệng cười ngượng nghịu. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo hai mái đầu bé nhỏ ngồi trong sọt tre. Tiếng trẻ thơ cười giòn tan dần xa ngõ chợ.

Tôi trở về nhà, bước vào căn bếp nhỏ chợt thấy tha thiết nấu những món ăn ngon mà chồng con thích. Lúc ngồi nghe nồi canh sôi liu riu, tôi thấy nhớ con. Con thường trở về nhà bằng bước chân mệt mỏi. Nghiêng vai tháo ba lô, trút gánh nặng trên lưng, con hoạt bát trở lại khi thấy ở nhà bên lũ trẻ đang nô đùa. Nhưng tôi luôn từ chối những lời năn nỉ xin đi chơi của con. Phải tắm giặt, ăn cơm sớm, ôn bài cũ rồi còn đi ngủ. Trẻ con phải ngủ sớm mới phát triển chiều cao. Phải học tốt tiếng Anh sau này mới có nhiều cơ hội phát triển bản thân. Phải ăn cơm đúng giờ mới tốt cho hệ tiêu hóa.

Tôi quên mất có những thứ hạnh phúc không theo nguyên tắc. Nhớ đến tiếng cười của hai đứa trẻ con chị bán rau, tôi thấy chúng không hề khổ cực. Biết đâu một vài lần dầm mưa ngoài trời lại là niềm ước ao của biết bao đứa trẻ, như con tôi chẳng hạn.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.