Hôm nay, news feed (phần nội dung nằm ở chính giữa trang chủ facebook) của tôi tràn ngập màu xanh - màu áo thiên thanh truyền thống của ngôi trường cấp 3 tôi từng theo học, kèm theo chuỗi các ký tự mang ý nghĩa chúc mừng 35 năm ngày thành lập trường. Có lẽ, các bạn tôi, và cả tôi nữa, khi chọn cho mình một tấm hình đại diện để lồng vào khung hình thiết kế sẵn mang tên ngôi trường của mình, đều mang tâm trạng bồi hồi khó tả với niềm nhớ nhung, luyến tiếc về thuở học trò vô âu, vô lo và rộn rã tiếng cười.
Ngày ấy, tôi đậu vào lớp chuyên Văn của một ngôi trường chuyên có tiếng của thành phố. Mỗi khi khoác lên mình chiếc áo dài màu thiên thanh truyền thống của trường, tôi và lũ bạn cùng trường có đôi chút thích thú xen lẫn tự hào. Lớp chúng tôi ngày ấy có 28 thành viên, và cũng vì là lớp chuyên Văn nên chỉ có duy nhất 3 “nam vương”.
Mặc dù toàn nữ nhưng độ “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” của lớp tôi không hề bị suy giảm. Vì vậy, cô chủ nhiệm lớp suốt thời THPT không những vừa dạy kiến thức mà còn phải vừa theo dõi sát sao để kịp thời uốn nắn, khuyên răn và cả nghiêm khắc với đám học trò tinh nghịch. Cô hiểu tính cách từng đứa trong lớp. Cô biết hoàn cảnh gia đình của từng đứa. Cô tâm sự, sẻ chia từng nỗi niềm với chúng tôi...
Trường chúng tôi ngày đó mỗi năm đều tổ chức đưa đoàn học sinh vào Thành phố Hồ Chí Minh tham dự kỳ thi Olympic toàn quốc. Chúng tôi cùng nhau rong ruổi trên tàu hơn một ngày, cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi đùa. Dù chỉ có toa tàu ghế cứng chật chội, nóng bức, nhưng dường như lũ học trò vẫn vui, ban đêm đứa ngủ trên ghế, đứa trải bạt ngủ dưới gầm ghế, đứa thì tay lăm lăm chiếc máy ảnh để canh me chụp lại những khuôn mặt đang say ngủ và cười khúc khích.
Trong khi chúng tôi vui đùa, hát hò thì thầy cô chăm lo cho học trò từng miếng ăn, giấc ngủ, liên tục đi kiểm tra từ đầu toa đến cuối toa, thỉnh thoảng lại đếm đi đếm lại số lượng học sinh trong toa. Rồi đến khi chúng tôi vào phòng thi, thầy cô lại thắc thỏm bên ngoài sân trường… Những khoảnh khắc ấm áp đó vẫn hiển hiện rõ nét, như vừa mới hôm qua thôi.
Ba năm dưới mái trường có màu áo thiên thanh đó, chúng tôi không chỉ được học kiến thức, mà còn được học cả những bài học về cuộc sống, về con người lồng ghép trong từng môn học. Cô chủ nhiệm thường nói: “Văn học là nhân học” (Maksim Gorky), học văn trước hết là học làm người; và sau cùng, là để làm một người tử tế. Lời căn dặn đó đã theo chúng tôi suốt hành trình khôn lớn và trưởng thành. Giờ đây, mỗi đứa đều đã có gia đình riêng, có sự nghiệp riêng nhưng cô vẫn như “quân sư” của chúng tôi; từ chuyện tình cảm đến chuyện công việc đều tìm đến cô để tìm được sự đồng cảm và nhận được những lời khuyên răn đúng đắn nhất.
Cứ vậy, mỗi khi gặp khó khăn, trở ngại, mỗi lần đối diện với mất mát, khổ đau trong cuộc sống, chúng tôi lại như nghe thấy lời giảng của cô năm nào trong giờ học văn: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có đủ sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” (Nguyễn Khải).
Cầm trên tay chiếc áo dài xanh với chi chít nét bút và chữ ký lưu niệm tuổi học trò, tôi bỗng nhớ những câu thơ trong trang đầu quyển tập san của trường trước đây:
“Mùa xuân là cả một mùa xanh
Vội vàng chi lắm mà bước nhanh
Ơi nhỏ vô tình về ngang lối
Gió đùa quấn quýt áo thiên thanh”.
ĐỖ LAN HƯƠNG