Đà Nẵng cuối tuần

Những điều rất bình thường

16:17, 02/10/2021 (GMT+7)

1. Sau những ngày “ai ở đâu thì ở đó”, Đà Nẵng chuyển sang thái mới theo Chỉ thị số 08/CT-UBND và Công văn số 6589/UBND-KGVX ngày 28-9-2021 của UBND thành phố. Việc nới lỏng một số hoạt động để từng bước sống chung an toàn với dịch là cách thức phù hợp; sẽ không có “zero Covid” nhưng phải “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”.

Hơn nữa, trải qua quãng thời gian căng thẳng vì dịch bệnh, chắc phần nào mọi người cũng nhận ra, đời sống con người rốt cuộc chỉ xoay quanh một vài nhu cầu cơ bản, quan trọng hàng đầu là cái ăn; sau đó là có một công việc để bận rộn; rồi nhu cầu được chữa bệnh, đi tắm biển, tập luyện thể dục thể thao…

Hôm trước, mình đọc trên facebook của một người anh ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh bảo những ngày siêu thị, chợ đóng cửa, việc đặt hàng thực phẩm trở nên khó khăn, gia đình anh đã phải bứt cả cây hoa xuyến chi trước cổng nhà vào xào tỏi để bổ sung chất xơ. Vợ anh còn chia nhỏ gộc cây, kiếm vài chậu đất trống trồng vào, tưới nước, mong cho nó sẽ trổ cành.

Một người chị khác ở Hà Nội cũng tâm sự, chiếc tủ lạnh của gia đình không thực sự “quyền lực” như nồi gạo Thạch Sanh bởi ăn dần rồi cũng cạn. Chị và con gái đã nghĩ ra nhiều cách để tích trữ mắm muối, thực phẩm. Như trái dưa hấu trên ban thờ, sau khi cúng tuần thì sẽ được hạ xuống, chia năm xẻ bảy, mỗi người chén một, hai miếng là xong, vứt phần vỏ vào thùng rác. Thế nhưng bây giờ, phần vỏ ấy sẽ được rửa sạch, cắt nhỏ, rải ra mâm phơi héo rồi cho vào hũ nhựa, muối thành dưa. Món dưa chua kết hợp với một ít cá khô do bà ngoại từ quê gửi vào đã trở thành một món kho dân dã bắt cơm, giúp cả nhà vơi bớt bần thần vì cảm giác thèm rau củ sau những ngày giãn cách.

2. Mảnh ruộng ấy cách nhà tôi chưa tới chục cây số, nên những chiều tà rảnh rỗi, tôi vẫn thường chạy lên đó. Có khi tôi mua vài quả bí, có khi hái vài cây hoa dại về trồng, có khi chỉ để chuyện trò cùng những cô, những bác nông dân.

Trong buổi chiều nắng nhẹ, giữa một góc nhỏ cánh đồng, bạt ngàn gốc rau sam vươn lên xanh mướt sau cơn mưa. Những thân rau màu đỏ tía không bò bám đất như đặc tính thường thấy của loài, mà chúng vươn cao, trên mỗi cành non bụ bẫm tỏa ra chi chít những chiếc lá nhỏ thuôn dài. Rau lan khắp các luống cày, mọc trên cả bờ mương, phủ kín mặt những gò đống. Tôi chọn một nhành non nả nhất, bẻ đôi, nhựa sam ứa ra mềm ướt, lấp loáng dưới ánh mặt trời… Sao dì không cắt hết rau đem ra chợ bán, rau này có vị chua nhẹ nên mọi người rất thích”, tôi hỏi người chủ ruộng.

Dì đáp lời: “Năm nay, thời tiết thuận lợi nên gia đình có rất nhiều rau để bán rồi. Bây giờ, phần rau dại này để yên cho chúng già, cây sẽ kết hoa vàng rồi cho hạt. Đấy là của để dành cho mùa năm sau”.

3. Ngoài cỏ dại, rau sam tự do kết thành biền bãi, ở một vài rìa chân ruộng khác là những luống rau khoai, cải cay, cải ngọt xanh mướt, nhưng mật độ lơ thơ. Tìm hiểu mới biết, bây giờ đã đến mùa trồng súp lơ và dưa sọc, người ta thu hoạch những đám rau đó để lấy đất. Những cây non ở phần rìa ruộng chính là phần rau được bác nông dân cố tình chừa lại… cho sâu ăn.

Với những người làm ruộng theo lối canh tác hữu cơ, họ sẽ không sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật để tăng sản lượng cây trồng. Họ dựa vào quy luật thiên địch có sẵn trong tự nhiên để cân bằng, bảo vệ sinh thái.

Bên cạnh ruộng rau nhỏ này còn có cả cánh đồng lúa, bát ngát nép mình dưới chân núi. Đâu đó, loài chuột vẫn luôn rình rập chờ thóc mùa mới. Dịp thu này cũng chính là thời điểm chuột sinh sản nhanh nhất, cắn phá nhiều nhất. Bác nông dân để dành lại những dải rau dài để làm thức ăn cho loài sâu cuốn lá. Khi sâu đông đàn, những loài chim núi cũng tự nhiên xuất hiện.

Sáng sáng, chiều chiều, chúng sẽ bay theo đàn rồi sà xuống ruộng, chúng không những bắt sâu mà còn giúp người nông dân săn cả chuột. “Thứ gì cũng vừa có hại vừa có lợi. Chỉ cần ta biết chờ đợi và vận dụng là có thể bảo vệ và cân bằng cuộc sống của mình”, bác nông dân nói với tôi như thế. Tôi tắm mình trong ánh nắng chiều, lắng nghe...

4. Thuận lợi cho ta sung sướng, sự cố mang đến những bài học. Giờ đây, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã cơ bản được kiểm soát. Dần trở lại các hoạt động, chắc hẳn mỗi người sẽ biết tiết kiệm, trân trọng hơn những điều nhỏ bé rất đỗi bình thường, ví như vỏ một quả dưa.

Còn những người nông dân trên núi kia, họ luôn đủ đầy không phải vì họ may mắn ở xa tâm dịch, mà bao đời nay vẫn thế, họ luôn biết cách nương vào quy luật bù trừ và tái tạo của thiên nhiên để tạo thế cân bằng. Họ ung dung vì luôn biết tích cốc phòng cơ, rau củ ăn mùa này còn tính chuyện những mùa sau xa ngái...

DIỆU THÔNG

.