Đà Nẵng cuối tuần

Tìm về không gian "Vườn Mẹ"

09:07, 24/10/2021 (GMT+7)

“Vườn Mẹ” là tên gọi của một dự án công viên - nghĩa trang, một không gian mở nhằm vinh danh thành quả cách mạng qua các thời kỳ ở xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam),  tri ân công lao của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.

Ông Phan Đức Nhạn (phải) giới thiệu dự án “Vườn Mẹ” với Trung tướng Ngô Quí Đức, nguyên Phó Tư lệnh -  Tham mưu trưởng Quân khu 5, nguyên Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn, Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: T.T.S
Ông Phan Đức Nhạn (phải) giới thiệu dự án “Vườn Mẹ” với Trung tướng Ngô Quí Đức, nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 5, nguyên Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn, Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: T.T.S

Kỹ sư Phan Đức Nhạn (nguyên đại biểu Quốc hội khóa XI, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) - người con của xã Bình Dương, tác giả và cũng là người khai sinh ý tưởng dự án “Vườn Mẹ” cho biết: “Dự kiến dự án chọn khu vực đồi cát - một thực thể có vị trí xứng đáng trong lịch sử thời chiến tranh làm đài tưởng niệm và khuôn viên để an vị nơi an nghỉ cho 350 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; một bia ghi danh 1.347 liệt sĩ...

“Vườn Mẹ” có làng nghề truyền thống, có hoa cỏ cây cao bóng mát, có bến nước đường làng nhà văn hóa... để các con vui sống với nhau. “Vườn Mẹ” có không gian bảo tàng các loài hoa xương rồng đa dạng, phong phú đã gắn bó với vùng đất này. “Vườn Mẹ” được quy hoạch để người dân sống trong vùng dự án cùng tham gia chỉnh trang cho làng quê có duyên có hồn”.

Mặc dù là kỹ sư xây dựng, thời gian công tác hầu như luôn gắn bó với các công trình trên khắp đất nước, nhưng từ nhỏ, Phan Đức Nhạn đã yêu văn học và có năng khiếu thơ văn. Trong Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, nhà văn có những trang viết về cuộc gặp gỡ “cậu bé tên Nhạn” rất thú vị, được nhiều sách, báo nhắc lại.

Có lần cùng Phan Đức Nhạn về thăm quê hương Bình Dương, nhắc đến một thời khốc liệt giữ làng giữ nước, tôi nghe ông kể về “Giấc mơ Vườn Mẹ”. Đó là giấc mơ gợi nhớ về câu chuyện lần đầu “cậu bé tên Nhạn” được mẹ dẫn đến một bến đò trên dòng sông Hoài để thăm Hội An; lần đầu được nghe lời rao “ai mua bánh mì không” của anh bán bánh dạo gây tò mò; được mẹ dẫn lên hiệu Huỳnh Sỏ chụp ảnh để gửi ra Hà Nội cho cha; được mẹ tìm mua cho con đôi dép Nhật, nhưng dép đẹp quá, cậu bé chỉ để dành chứ không dám mang… Hôm nay, tôi trở về nhà ngoại, mẹ không còn dẫn dắt, nhưng đi đâu, về đâu cũng cảm nhận đi theo dấu chân của mẹ…”.

Ông Nhạn băn khoăn nói: “Chiến tranh kết thúc, làng quê nghèo còn lại trang sử oanh liệt, con người còn lại chủ yếu phụ nữ, người già và trẻ em, lại lao vào mặt trận mới. Câu chuyện bàn tay trắng từ trong đổ nát đi lên có sá chi khổ cực trăm bề để lợp lại màu xanh quê hương, để sức sống mới bật dậy phi thường. Tôi cảm giác lời dặn dò những người mẹ vẫn văng vẳng bên tai: Các con ơi! Đời mẹ già rồi, chẳng còn bao hơi nữa, sự nghiệp này trao lại để lớp con cháu của mẹ phấn đấu giữ vững ngọn cờ. Các con hãy vững tin, truyền thống quê hương không ở đâu xa, mà ở ngay trong chính chúng ta, đang ẩn vào trong xóm làng, nổng cát, rừng dương xanh... Từ những trăn trở, xót xa, tôi nảy ra ý tưởng xây dựng không gian “Vườn Mẹ”. Tôi nêu ý tưởng “Vườn Mẹ” với đồng nghiệp và bạn bè, được các bác, các chú cùng những anh chị thế hệ đi trước động viên, khuyến khích. Tôi mang hồ sơ ý tưởng “Vườn Mẹ” trình bày với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Chủ tịch đón nhận, đồng tình chia sẻ, động viên, rồi có thư gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về dự án “Vườn Mẹ”.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X và khóa XI, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam là một trong những người tích cực đồng hành với ý tưởng đề án “Vườn Mẹ” đã nêu rõ: “Bản chất và nội dung của “Vườn Mẹ” là dự án văn hóa có chiều sâu, phải có linh hồn và cảm xúc, có thể tạo nên những xúc động lòng người, làm cầu nối gần nhất từ trái tim đến với trái tim, cảm hóa những ý nghĩ sai lầm, hướng tới những giá trị thiêng liêng của chân - thiện - mỹ. Đây là công việc rất hay, rất đẹp và cũng rất khó. Khó nhưng có thể làm được bằng tình cảm chân thành và sự trân trọng, đam mê, với tầm tư duy văn hóa sâu sắc và trình độ nghệ thuật cao”.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, bày tỏ hy vọng: “…Rồi đây trên vùng đất Bình Dương sẽ mọc lên một công trình thật ý nghĩa không chỉ cho Bình Dương mà cho cả Thăng Bình, cho cả tỉnh Quảng Nam. Nơi đây sẽ trở thành một địa điểm du lịch văn hóa, tâm linh hướng về nguồn cội, vươn tới tương lai, phát triển vững bền, bởi Quảng Nam sẽ đi lên từ cội nguồn sức mạnh, đó là lòng dân, lòng của những người Mẹ anh hùng và bản sắc văn hóa của con người xứ Quảng. Mong “Vườn Mẹ” ra đời để chúng ta có một hành trình từ các di tích cổ kính của Hội An đến một “Vườn Mẹ” của hôm nay, mai sau, và lớn hơn là có một bảo tàng quy mô trên cát”.

Dự kiến trọng tâm của dự án “Vườn Mẹ” là dãy nỗng cát bên dòng sông Trường Giang liên hoàn, từ nỗng ông Nhánh tới nỗng cây Nài vốn là trận địa quan trọng thời chiến tranh chống Mỹ ở vùng cát cháy Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Dự án gồm nhiều hạng mục phát huy truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trong sự nghiệp giải phóng dân tộc như công viên nghĩa trang vinh danh 350 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; lập bia tưởng niệm 1.347 liệt sĩ; tái hiện trên thực địa địa đạo, hào giao thông, bờ làng chiến đấu, điểm chốt tiền tiêu, hầm trú ẩn, công sự, trạm phẫu thuật… “Vườn Mẹ” còn tái hiện những làng nghề truyền thống một thời của nhân dân vùng cát bằng nông nghiệp, ngư nghiệp…

TRẦN TRUNG SÁNG

.