Châu Phi tránh được thảm họa Covid-19

.

Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, số ca tử vong do Covid-19 ở châu Phi chỉ chiếm 3% trong tổng số hơn 5,18 triệu ca tử vong trên toàn cầu, trong khi “lục địa đen” thiếu tiềm lực về vắc-xin và y tế.

Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Nigeria. Ảnh: WHO
Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Nigeria. Ảnh: WHO

Khi Covid-19 bùng phát và lan rộng toàn cầu, các chuyên gia WHO đã rất lo ngại cho châu Phi khi khu vực này có hệ thống y tế kém hiện đại hơn so với các châu lục khác. Hồi tháng 6, số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục dẫn tới tình trạng thiếu giường điều trị tích cực và oxy y tế ở châu Phi. Từ tháng 7, số ca nhiễm mới đã bắt đầu giảm dần.

Theo thống kê của worldometers, tính đến ngày 24-11, châu Phi có hơn 8,6 triệu ca nhiễm và 222.500 ca tử vong, trong khi châu Âu có hơn 71,5 triệu ca nhiễm và 1,3 triệu ca tử vong; châu Á có hơn 81,6 triệu ca nhiễm và 1,2 triệu ca tử vong.

Gần 6% dân số đã tiêm vắc-xin

Hãng tin AP dẫn lời bà Wafaa El-Sadr, phụ trách y tế toàn cầu tại Đại học Columbia (Mỹ) cho rằng, châu Phi không có vắc-xin ngừa Covid-19 và các nguồn lực khác như ở châu Âu và Mỹ, nhưng bằng cách nào đó, họ có vẻ đang làm tốt hơn. Gần 6 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được phân phối trên toàn cầu, nhưng châu Phi chỉ tiếp cận được 2% thông qua chương trình COVAX - cơ chế phân bổ vắc-xin toàn cầu do WHO và các đối tác khởi xướng. Đến nay, chỉ gần 6% dân số châu Phi đã được tiêm vắc-xin.

Dữ liệu của WHO cho thấy, trước làn sóng của biến thể Delta, số ca tử vong ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu, trong khi tỷ lệ tử vong ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%. Theo AP, ở Nigeria - quốc gia có dân số đông nhất châu Phi, chính phủ ghi nhận tổng cộng gần 3.000 ca tử vong trong số 200 triệu dân. Nhiều tháng qua, trong các báo cáo cập nhật hằng tuần về Covid-19, WHO đánh giá “lục địa đen” là “một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng nhất trên thế giới”.

Trong số các quốc gia chịu thiệt hại nghiêm trọng do Covid-19 ở châu Phi, Nam Phi dẫn đầu với hơn 2,9 triệu ca nhiễm và 89.600 ca tử vong; tiếp đó lần lượt là Maroc với 949.000 ca nhiễm và 14.700 ca tử vong; Tunisia với 716.000 ca nhiễm và 25.300 ca tử vong. Với “lục địa đen” có dân số 1,4 tỷ người, quả thật đây là “kỳ tích”.

Nguyên nhân do đâu?

Các nhà khoa học cho rằng, con số thống kê vẫn chưa chính xác, bởi việc thu thập dữ liệu chính xác, nhất là ở các quốc gia châu Phi, là rất khó khăn. TS. Mary Stephen, chuyên gia của WHO tại khu vực châu Phi nhận định: “Các ca nhiễm Covid-19 thường được ghi vào báo cáo khi họ có triệu chứng hoặc thông qua các xét nghiệm. Tuy nhiên, ở một số khu vực xa xôi của châu Phi, việc giám sát thu thập chính xác số ca nhiễm rất khó khăn. Do đó, rất nhiều ca nhiễm không được đưa vào thống kê”.

Xét từ góc độ khoa học, theo AFP, một số nhà nghiên cứu cho rằng, dân số của châu Phi rất trẻ, độ tuổi trung bình là 20 so với khoảng 43 ở châu Âu và 38 ở Mỹ. Hơn nữa, tỷ lệ đô thị hóa ở châu Phi thấp hơn, xu hướng người già sống ở vùng nông thôn - nơi có mật độ dân số thấp có thể giúp người dân tránh được tác động của SARS-CoV-2 nhiều hơn.

Các nhà khoa học cũng đang tiến hành thêm một số nghiên cứu về mặt di truyền hoặc quá khứ nhiễm các bệnh ký sinh trùng để lý giải thêm. Một nghiên cứu tại Uganda cho thấy, những bệnh nhân có tiền sử mắc sốt rét cao có nguy cơ mắc Covid-19 nặng hoặc tử vong thấp hơn. Hơn nữa, các nhà khoa học cho rằng, các nước châu Phi vốn có nhiều kinh nghiệm trong xử lý dịch bệnh, nay dù không có tiềm lực về vắc-xin ngừa Covid-19 nhưng họ lại có mạng lưới rộng lớn các nhân viên y tế cộng đồng nên đã làm tốt công tác xét nghiệm, cách ly, truy vết.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là châu Phi không cần vắc-xin. Nhà dịch tễ học Salim Abdool Karim tại Đại học KwaZulu-Natal của Nam Phi cho rằng, cần phải tiêm phòng để chuẩn bị ứng phó với đợt dịch tiếp theo. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn kêu gọi xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 và cần bao phủ vắc-xin ở châu Phi. 

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.