HIỂU VÀ THƯƠNG

Cảm thông, chia sẻ với bệnh trầm cảm

.

Thông điệp của chúng tôi là hãy tìm kiếm thông tin nhiều hơn về căn bệnh trầm cảm, hiểu nhiều hơn về những nỗi khổ, khó khăn mà người trầm cảm và người thân của họ phải chịu đựng để có thể cảm thông, chia sẻ cùng họ.

Trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta thường gặp những than thở như: “Tôi trầm cảm mất thôi”, “tôi trầm cảm rồi”, hoặc “tôi không trầm cảm mới là lạ”… Tuy nhiên, bệnh trầm cảm không phải là một tâm trạng, một cảm giác thoáng qua, và không ai trong chúng ta muốn trải nghiệm những nỗi khổ sở, đau đớn, tuyệt vọng mà trầm cảm đem lại.

Thường thì khi rơi vào những hoàn cảnh sống khó khăn kéo dài, nhiều người sẽ cảm thấy chán nản, nghi ngờ năng lực của bản thân. Nếu tâm trạng chán nản kéo dài liên tục trong 2 tuần trở lên, nhất là không được cải thiện khi hoàn cảnh khó khăn đã chấm dứt, đây hoàn toàn có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm, một căn bệnh nghiêm trọng, chỉ đứng thứ hai sau tim mạch về độ nguy hiểm đối với con người, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trầm cảm chính là tình trạng buồn bã hoặc vô cảm kéo dài ít nhất 2 tuần liên tiếp và nghiêm trọng đến mức làm gián đoạn các hoạt động sống, làm việc hằng ngày của các cá nhân. Trầm cảm hoàn toàn không phải là dấu hiệu của nhân cách yếu đuối hay một lối sống, thế giới quan tiêu cực, mà là vấn đề sức khỏe cộng đồng và là căn bệnh nặng, nhưng hoàn toàn có thể chữa trị được.

Theo thống kê của WHO, khoảng 3% dân số thế giới mắc bệnh trầm cảm; mỗi năm, cứ 5 người thì một người sẽ có thể đối mặt với trầm cảm. Như vậy, căn bệnh trầm cảm có thể dai dẳng, tái đi tái lại, nhưng có thể được chữa trị khỏi, phụ thuộc nhiều vào từng cá nhân và phương pháp chữa trị.

Trầm cảm có nhiều biểu hiện cả về thể chất lẫn tinh thần. Về tinh thần, triệu chứng và dấu hiệu chính đầu tiên là tâm trạng buồn bã, mất hứng thú ngay cả đối với những mối quan tâm trước đây. Người mắc bệnh trầm cảm bị ám ảnh bởi cảm giác tội lỗi, bất lực, vô giá trị, thường xuyên có ý nghĩ về cái chết.
Về mặt thể chất, trầm cảm có thể khiến con người trở nên mệt mỏi và giảm năng lượng.

Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, đặc biệt là bị thức giấc vào sáng sớm, hoặc ngược lại ngủ quá nhiều là dấu hiệu rất thường xuyên cảnh báo về căn bệnh này. Người bị trầm cảm cũng có thể cảm thấy đau nhức dai dẳng, đau đầu, chuột rút hoặc rối loạn tiêu hóa kéo dài, dù được điều trị. Trầm cảm có thể ảnh hưởng xấu tới các bệnh mạn tính. Sự rối loạn các chất hóa học của não bộ có thể ảnh hưởng đến cả cảm xúc và ngưỡng cảm nhận cơn đau. Nhiều bác sĩ cho rằng, khi trầm cảm được chữa trị tốt sẽ kéo theo sự cải thiện các bệnh về thể chất.

Khi trong gia đình có một người bị trầm cảm, cuộc sống và sinh hoạt sẽ bị đảo lộn. Hãy tưởng tượng, nếu người thân của bạn đóng cửa phòng, không ra ngoài, từ chối giao tiếp, dễ cáu giận, không hài lòng về những chuyện rất nhỏ, thậm chí không vì bất cứ chuyện gì, một phút trước còn vui vẻ, ngay lập tức có thể chuyển sang trạng thái nóng giận, bất cần, hoặc tệ hơn nữa là đập phá đồ đạc, tự làm đau bản thân, thậm chí đòi tự tử…, bạn có thể cảm thấy bình an không?

Bệnh trầm cảm mang đến là cảm giác tệ hại từ bên trong chúng ta, không phải là sự khó chịu từ bên ngoài. Những khó khăn không thể vượt qua được đến từ bên trong, dường như không ai thấy được, kể cả chính người trầm cảm cũng không thể hiểu thật rõ ràng về những nguyên nhân gây ra đau khổ, bế tắc, tuyệt vọng cho mình. Bằng cách này, trầm cảm đầu độc cuộc sống không chỉ của cá nhân người bị trầm cảm mà còn cuộc sống của cả gia đình, nhất là những người thân của người mắc bệnh trầm cảm.

Ở cộng đồng và nơi làm việc, người trầm cảm thường cố gắng hết sức để tỏ ra mình vẫn ổn, nên áp lực với họ dường như nhân lên nhiều lần. Còn đồng nghiệp, bạn bè sẽ khó hiểu được những khó khăn chồng chất trong nội tâm của họ. Mặt khác, việc có bạn bè, đồng nghiệp mắc trầm cảm cũng là một khó khăn cho nhiều người, bởi họ không biết nên cư xử ra sao, cần làm gì để giúp đỡ, cần tránh làm gì để không làm tổn thương người bị trầm cảm. Còn nếu cộng đồng, bạn bè không biết người bên cạnh mình mắc phải trầm cảm, thì người trầm cảm sẽ vất vả hơn nhiều. Thậm chí, họ rất ít nhận được sự thông cảm, chia sẻ, chẳng những thế còn thường xuyên bị hiểu lầm trong cộng đồng và ở nơi làm việc.

Tuy nhiên, dù khó khăn thế nào, người trầm cảm cũng thường làm việc với trách nhiệm rất cao vì họ đòi hỏi cao ở chính bản thân mình. Một đặc điểm rất quan trọng ở người trầm cảm là họ vô cùng cẩn thận, chăm chút từng chi tiết, họ có thể làm việc chậm hơn đa số, nhưng chắc chắn sản phẩm của họ bảo đảm chất lượng và họ chăm chỉ hơn so với đa số những người không mắc trầm cảm. Chính vì những đặc điểm tính cách này nên một số hãng thiết bị điện tử và công nghệ thông tin luôn quan tâm tìm kiếm và đãi ngộ đặc biệt những người trầm cảm.

Người trầm cảm nhiều khi là những người hết sức nhạy cảm nên có thể trở thành những nhà soạn nhạc thiên tài, những nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ lớn. Nhiều người trong số họ hy sinh cả cuộc đời sống trong đau khổ, vất vả để mang đến cho chúng ta những tuyệt tác nghệ thuật.

Để điều trị trầm cảm, có rất nhiều phương pháp, từ sử dụng thuốc đến những liệu pháp trò chuyện không dùng thuốc. Đồng thời, cũng có rất nhiều biện pháp đồng hành như: tập thể dục, liệu pháp tăng cường ánh sáng, nuôi thú cưng, bổ sung vitamin, omega 3, thực phẩm chức năng…

Theo thống kê, hơn 80% bệnh nhân trầm cảm có tiến triển tốt nhờ thuốc, nhờ liệu pháp trò chuyện hoặc nhờ kết hợp cả hai. Trong nhiều trường hợp vẫn có thể sử dụng những phương pháp điều trị tiên tiến, như liệu pháp kích thích dây thần kinh, kích thích bằng sốc điện (ETC), kích thích từ tính để giúp cải thiện tình trạng bệnh

Điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người trầm cảm, hiểu đúng bệnh và tìm được liệu pháp điều trị phù hợp với mình. Để làm được điều này, nhất thiết người trầm cảm phải đi khám, gặp bác sĩ, không tự tra cứu trên mạng để tự chẩn đoán về bệnh. Bệnh trầm cảm không tự khỏi, nó là một bệnh nặng cần được chăm sóc và chữa trị của chuyên khoa. Đồng thời,người thân, gia đình, bạn bè, cộng đồng, đồng nghiệp của người mắc trầm cảm cũng cần có nhận thức đúng và đầy đủ về căn bệnh trầm kha này.

Nếu chúng ta luôn sẵn sàng cảm thông, sẻ chia với những người mắc các căn bệnh nan y, những bệnh nhân mắc Covid-19 và gia đình họ, vậy thì chúng ta hãy cố gắng hiểu và cảm thông, chia sẻ với người bệnh và gia đình những người mắc trầm cảm. Bất cứ sự căng thẳng không cần thiết nào từ bên ngoài đối với người trầm cảm cũng đều cực kỳ có hại, nhất là khi họ đang ở trong tình trạng tồi tệ. Thông điệp của chúng tôi là, hãy tìm kiếm thông tin nhiều hơn về căn bệnh trầm cảm, hiểu nhiều hơn về những nỗi khổ, khó khăn mà người trầm cảm và người thân của họ phải chịu đựng để có thể cảm thông, chia sẻ cùng họ.

PGS.TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA(*)

(*) Chuyên ngành tâm lý học, tác giả của các cuốn sách: Khi mây đen kéo tới (2018), Có một cơn đau mang tên trầm cảm (2019).

;
;
.
.
.
.
.