Đà Nẵng cuối tuần

BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA

Gìn giữ văn hóa từ chuyện một người trẻ

13:21, 26/12/2021 (GMT+7)

Giữa lối sống nhanh nhạy nắm bắt các xu hướng, trào lưu của những thanh niên hiện đại, năng động, việc một bạn trẻ cứ cặm cụi, trăn trở tìm về những giá trị xưa cũ có lẽ trông hơi lạc lõng và đôi khi còn bị cho là “va đầu” vào cái chi chi.

Đặng Tấn Cường mong muốn được lan tỏa niềm đam mê gìn giữ di sản văn hóa đến các bạn trẻ. Trong ảnh: Đặng Tấn Cường trong một buổi hướng dẫn đoàn tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: NVCC
Đặng Tấn Cường mong muốn được lan tỏa niềm đam mê gìn giữ di sản văn hóa đến các bạn trẻ. Trong ảnh: Đặng Tấn Cường trong một buổi hướng dẫn đoàn tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

Đặng Tấn Cường (SN 1999), chàng trai vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nhiều lần khiến bạn bè thấy khó hiểu vì kiểu “va đầu” như thế. Nhưng quan trọng với Cường là càng tìm hiểu về di sản văn hóa lại càng rung động với những gì thuộc về truyền thống của dân tộc và Cường tự thôi thúc bản thân phải chia sẻ tình yêu ấy đến các bạn trẻ đồng trang lứa.

Học chuyên ngành Văn hóa du lịch, khoa Lịch sử, khóa 2017-2021, Đặng Tấn Cường chỉ nghĩ sẽ trở thành một hướng dẫn viên đưa đón du khách thăm thú đó đây, nhưng sự “chạm ngõ” với câu chuyện di sản văn hóa từ cuộc thi hùng biện “Tự hào di sản văn hóa Đà Nẵng” diễn ra hồi cuối năm 2020 do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức (dành cho tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Đà Nẵng từ 18-30 tuổi) đã thực sự khơi lên trong Cường một “nhiệm vụ” khác của bản thân.

Tại cuộc thi “Tự hào di sản văn hóa Đà Nẵng”, Cường chọn chủ đề bài chòi. Chàng trai đến từ đô thị cổ Hội An từng chắc mẩm “trúng tủ” vì được sinh ra, lớn lên tại vùng đất của loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian này. Nhưng khi bắt tay vào tìm hiểu một cách nghiêm túc, Cường nhận ra mình chưa thực sự hiểu gì về bài chòi, bản thân bao lâu nay đã lãng quên và cả lảng tránh với chính dòng chảy văn hóa dân gian đang nuôi dưỡng đời sống để làm nên giá trị đặc trưng của xứ sở.

Và thế là, nếu bạn bè hằng ngày nghe nhạc ngoại, Cường cứ nghe riết bài chòi đến ngấm và say mê. Điều đọng lại với Đặng Tấn Cường sau cuộc thi ấy không chỉ là giải quán quân hùng biện, mà hơn hết là mở ra cho Cường những cảm nhận về vai trò của giới trẻ trong vấn đề bảo tồn di sản văn hóa.

Những hoạt động sau đó của Cường cũng thường xoay quanh mối bận tâm về chủ đề này, kể cả đề tài khóa luận tốt nghiệp mang lại kết quả ra trường loại xuất sắc cũng không mấy “trẻ trung” như độ tuổi của bạn: văn hóa cộng đồng ở làng cổ Phước Tích (tỉnh Thừa Thiên Huế). Đi giữa hàng chè tàu xanh mướt và những ngôi nhà bám vết thời gian, Cường cảm nhận sâu sắc không hẳn chỉ sự hào nhoáng, tiện nghi mới có sức thu hút người trẻ, mà những di tích văn hóa đượm màu dân gian vẫn đẹp đến nao lòng.

Vấn đề là nhiều bạn trẻ cũng từng như Cường, họ dường như mải mê kiếm tìm vẻ đẹp ở đâu đó xa xôi mà quên đi sự lung linh, huyền hoặc trong chính đời sống sẵn có ngay bên mình. Lỗi này đôi khi không hẳn chỉ thuộc về người trẻ…

Điều khiến Cường thấy buồn và trăn trở là khán giả của những cuộc thi và hoạt động về di sản văn hóa hầu như chỉ có thí sinh và người nhà, rất ít bạn trẻ quan tâm các sự kiện như thế; ở các làng cổ, làng nghề xưa cũng chỉ thấy người già và những nỗi niềm đau đáu truyền trao còn bỏ ngỏ. Vậy nên, Cường càng mong muốn được làm gì đó thực tế trong khả năng của bản thân góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp.

Nói đến việc bảo tồn di sản văn hóa không chỉ có các hoạt động vĩ mô, lớn lao, mà với Cường, mỗi người bằng tình yêu quê hương, đất nước đều có thể chung tay gìn giữ theo cách nhỏ bé của mình; bởi văn hóa dân gian thuộc về mọi người, của mỗi người và do chính chúng ta góp phần tạo dựng nên. Hiện tại, Đặng Tấn Cường đã tự học quay phim, dựng hình và mua sắm các thiết bị cơ bản để làm được những thước phim một cách chỉn chu theo ý muốn.

Cường đang chuẩn bị làm một số phim tư liệu về nét đẹp văn hóa truyền thống như: giới thiệu các hiện vật tại Bảo tàng Đà Nẵng, làng nước mắm Nam Ô (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), các địa danh tại Hội An cùng những món ăn dân giã và lễ hội truyền thống. Đang là cán bộ Đoàn tại địa phương (phường Cẩm An, thành phố Hội An), Đặng Tấn Cường nhận thấy việc làm video có thể khiến các bạn trẻ thích theo dõi vì sinh động, ngắn gọn. Trước đây, Cường đã thử và thấy khá hiệu quả với cách này.

“Em làm và phát trên mạng xã hội để các bạn cùng xem. Em không nghĩ đến chuyện kiếm tiền từ công việc khá kỳ công này, chỉ cần lan tỏa được sự quan tâm của mọi người về văn hóa truyền thống là em vui rồi, dù chỉ có 1 người xem và muốn tìm hiểu em cũng vui”, Cường bộc bạch.

Cường nhận thấy các bạn trẻ có cách tiếp cận riêng về chủ đề bảo tồn di sản văn hóa. Nếu cứ tỏ ra quá “nghiêm túc” khi chia sẻ chủ đề này có khi càng đẩy các bạn ra xa, nên Cường tạo sức hút bằng âm nhạc và cách dựng phim ngắn theo hình thức mới mẻ. Cường cũng khoe một chồng sách văn hóa về vùng đất và con người vừa mới xin được khắp nơi về tìm hiểu.

Bạn bè trêu “còn trẻ cứ thoải mái hướng tới tương lai chớ nghĩ chi mấy chuyện đã qua miết rứa”, nhưng Cường nghĩ khác: “Mỗi hiện vật, mỗi hoạt động văn hóa dân gian đều có thể kể một câu chuyện đầy thú vị về sự tiếp nối. Quá khứ không khép lại, quá khứ đang tiếp diễn trong chúng ta và em thực sự rung động khi cảm nhận mình cũng là một phần của quá khứ sinh động đó”.

Đối với một sinh viên mới ra trường, Cường cảm nhận rằng, không chỉ có kiến thức, mà các giá trị văn hóa truyền thống cũng chính là “vốn liếng” giúp những công việc trong tương lai của bạn được gắn kết nhiều hơn với đời sống, tạo nét riêng thú vị để văn hóa dân gian trở thành cầu nối đưa những người trẻ như Cường “hòa nhập nhưng không hòa tan”.

THU HOA

.