Đà Nẵng cuối tuần

Đại Nam Thực lục Tiền biên và Đại Nam Liệt truyện Tiền biên

14:40, 11/12/2021 (GMT+7)

* Hai bộ sách “Đại Nam Thực lục Tiền biên” và “Đại Nam Liệt truyện Tiền biên” ra đời như thế nào, có nội dung ra sao mà có tên gọi na ná giống nhau? (Nguyễn Ngọc Sơn, Hải Châu, Đà Nẵng).

- “Đại Nam Thực lục Tiền biên” và “Đại Nam Liệt truyện Tiền biên” là hai bộ sách về lịch sử Đàng Trong, đều do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn.

Đại Nam Thực lục Tiền biên là một phần (phần kia là Đại Nam Thực lục Chính biên) của bộ Đại Nam Thực lục - bộ quốc sử lớn nhất, quan trọng nhất của Triều Nguyễn do Quốc Sử quán biên soạn.

Trong phần giới thiệu về Đại Nam Thực lục, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (mocban.vn) cho biết Đại Nam Thực lục Tiền biên (còn gọi là Liệt thánh Thực lục Tiền biên), ghi chép về mọi mặt hoạt động của 9 đời chúa Nguyễn, bắt đầu từ Thái tổ Gia Dụ hoàng đế - Nguyễn Hoàng (còn gọi là chúa Tiên) vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558 đến hết đời Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế (chúa Sãi) - Nguyễn Phúc Thuần năm 1777.

Đại Nam Thực lục Chính biên tiếp tục ghi chép về lịch sử vương Triều Nguyễn, từ năm Mậu Tuất (1778) đến đời vua Khải Định (1916-1925). Bộ sách được chia làm nhiều kỷ, mỗi kỷ là một đời vua.

Để có thể biên soạn một cách tỉ mỉ, cụ thể với các thông tin ghi chép đạt độ xác thực cao, thì các sử thần làm việc tại Quốc Sử quán đã phải nghiên cứu, thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ, do vậy, đây thực sự là bộ quốc sử quy mô nhất, giá trị nhất của Triều Nguyễn.

Về bộ Đại Nam Liệt truyện Tiền biên, tác giả Cao Tự Thanh trong cuốn “Đại Nam Liệt truyện Tiền biên” (NXB Khoa học xã hội, 1995), cho biết đây là bộ sách được viết không theo thể biên niên (như các công trình biên soạn lịch sử khác) mà viết theo thể kỷ truyện duy nhất thời phong kiến về lịch sử Việt Nam ở Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII, thông qua hệ thống hành trạng cá nhân - tiểu sử nhân vật.

Sau Đại Việt Thông sử của Lê Quý Đôn, Đại Nam Liệt truyện Tiền biên là công trình sử học thứ hai ở Việt Nam viết theo thể kỷ truyện. Tính chất hiếm hoi này không cho phép tìm hiểu giá trị tác phẩm chỉ trong phạm vi kết quả sử học với các nội dung sử liệu, kết cấu, bút pháp… thông thường, mà còn phải cả trên cơ sở bối cảnh sử học với những yếu tố tư tưởng, chính trị, học thuật… cụ thể ở đó nó xuất hiện.

Giống như nhiều tác phẩm sử học mang tính chất chính thống thời phong kiến nói chung, Đại Nam Thực lục Tiền biên và Đại Nam Liệt truyện Tiền biên đều chỉ tập trung ghi chép về sinh hoạt trong cung đình, hành vi của vua quan, hệ thống chính trị và pháp luật trong quốc gia, hoạt động cai trị và thu thuế của chính quyền…, tóm lại chủ yếu chỉ trực tiếp phản ảnh lịch sử chính trị.

Năm 1844, Đại Nam Thực lục Tiền biên được khắc in, đến 1852 - 1853 Đại Nam Liệt truyện Tiền biên được hoàn thành. Theo nhận định của tác giả Cao Tự Thanh, có thể thấy ngay rằng trên Niên biểu sử học Việt Nam thế kỷ XIX thì hai tác phẩm này nằm trong một giai đoạn đặc biệt: chúng đều xuất hiện sau khi vua Minh Mạng tiến hành việc thống nhất đất nước về mặt hành chính (1831 - 1832) và trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858). Trong đó, Đại Nam Liệt truyện Tiền biên còn có một vị trí đáng quan tâm hơn: nó được khắc in sau sự kiện chiến hạm Pháp dưới quyền De Lapierre và Rigault de Genouilly gây hấn ở cửa biển Đà Nẵng năm 1847, bắt đầu đặt Việt Nam trước hiểm họa xâm lăng của chủ nghĩa tư bản - thực dân phương Tây.

ĐNCT

.