Đà Nẵng cuối tuần
Rác kể…
Làm công việc thu gom rác trong các khu dân cư tận 21 năm và vẫn còn cần mẫn với nghề này, anh Đỗ Minh Tiến (52 tuổi), nhân viên Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê bộc bạch: Rác có thể “kể” cho chúng ta rất nhiều điều, từ sự thay đổi về cách sống, cách tiêu dùng và cả ý thức xã hội…
Một trong những đổi thay mà tầm 4 năm trở lại đây anh Tiến nhận thấy rõ nét, đó là việc thải bừa bãi rác nhựa ra môi trường đã giảm đáng kể, vì sự nổi lên của các phong trào thu gom nhựa tái chế ở khắp các hội đoàn thể lớn nhỏ. Anh Tiến chia sẻ: Lương của anh sau bao năm vẫn thấp, nên thú thực nguồn phế liệu từ rác giúp cải thiện phần nào thu nhập của bản thân.
Trước đây, mỗi tháng anh có thể bán được 3 triệu đồng nhờ rác nhựa và các phế liệu khác lọc lại từ nguồn rác thu gom trong khu dân cư. Số tiền ấy cũng góp phần tạo nên động lực để anh gắn bó với công việc nặng nhọc này. Thế nhưng, gần đây nguồn thu “không chính thức” trên không nhiều như trước, bởi người dân không còn vô tư vứt những thứ có khả năng tái chế như nhựa, thay vào đó, họ phân loại tại nguồn kỹ hơn. Đặc biệt, phong trào thu gom rác tài nguyên để phục vụ các hoạt động công ích xã hội tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng nên nhựa tái chế “lạc” trong rác thải vơi bớt.
Tương tự anh Minh Tiến, chị Bùi Thị Nguyệt (49 tuổi), công nhân quét đường thuộc Xí nghiệp Môi trường Hải Châu 1 cũng nhận thấy, nếu trước đây trên đường phố không chỉ có lá cây, rác sinh hoạt mà còn nhiều vỏ chai nhựa vương vãi, thì nay có khi cả tháng chị mới gom được 50.000 đồng - 100.000 đồng từ phế liệu nhựa. Làm việc dọc các tuyến đường Đống Đa, Nguyễn Chí Thanh, Lý Thường Kiệt…, chị Nguyệt vừa quét vừa vui vẻ chỉ tay men theo lề đường như minh chứng lời mình vừa kể: Em thấy đó, làm gì còn cái gì đến tay mình. Phong trào thu gom rác ở khu dân cư giờ mạnh lắm nên bà con không quăng vỏ chai, vỏ lon ra đường như xưa đâu. Rác là tiền mà!
Dù ảnh hưởng đôi chút nguồn thu cá nhân, nhưng cả anh Tiến và chị Nguyệt đều công nhận đó là dấu hiệu tích cực của ý thức xã hội. Có điều, sự thay đổi này mới chỉ tập trung chủ yếu vào nhóm rác nhựa có khả năng “quy ra tiền”, còn những loại rác nhựa… chỉ là rác thì vẫn đang kể những câu chuyện chưa thật sự vui.
Chị Nguyệt quét đường mỗi ngày 2 đợt sáng và chiều. Sáng quét sạch, chiều đường lại bẩn là chuyện bình thường. Đằng này, nhiều khi vừa dứt tay thì chính đoạn đường ấy lại xuất hiện nhiều rác thải mới, dễ thấy nhất vẫn là những hộp xốp, túi nilon ai đó vừa ăn sáng xong rồi “tiện tay” bỏ ngay vào gốc cây bên đường. Tiếc là những hình ảnh ấy không xảy ra ở một vài chỗ. Những thứ rác nhựa này bán rẻ cũng chẳng ai mua, có lẽ vì vậy người ném nó không cần nghĩ ngợi chuyện thu gom làm lợi!
Mà thu gom rác đâu chỉ vì mỗi lý do kinh tế, bởi việc làm này còn “kể” nhiều điều khác nữa về ý thức của cư dân thành phố. Những cái tên mỹ miều: Thành phố môi trường, Thành phố sạch - Đại dương xanh có còn đẹp; và văn hóa - văn minh đô thị có bị hư hao khi những hộp xốp, nilon cứ lổn nhổn chỗ này chút, chỗ kia chút trên chính những con đường, góc phố đang được nỗ lực làm cho thêm xanh, thêm sạch?!
Nếu chỉ rác nhựa có khả năng tái chế hay mang lại nguồn thu mới được gom nhiệt tình, thì có thể nói việc chung tay giảm rác thải nhựa để bảo vệ môi trường mới chỉ đi được “một nửa”. Nửa còn lại đang dành cho nỗ lực không của riêng ai, càng không phải nhiệm vụ của riêng phong trào nào. Nhựa nào cũng “khó tiêu” dù được giá hay mất giá nên đều cần bỏ đúng nơi, đúng chỗ. Việc này, may thay nằm trong tầm tay của mỗi người, để từ ý thức đến hành động không mấy khó khăn nếu thực sự muốn thực hiện.
HƯỚNG DƯƠNG