Đà Nẵng cuối tuần

Mũ màu trắng của đầu bếp

09:01, 19/12/2021 (GMT+7)

* Các đầu bếp trên khắp thế giới đều đội mũ màu trắng và có thành cao. Đây là phong tục có từ lâu đời hay theo một quy định nào đó? (Phan Thị Mỹ Uyên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Việt - Úc (VAVC) đội mũ trắng thực hành nghề bếp với thầy giáo - chuyên gia ẩm thực nước ngoài (ảnh chụp lúc chưa xảy ra Covid-19). Ảnh: V.T.L
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Việt - Úc (VAVC) đội mũ trắng thực hành nghề bếp với thầy giáo - chuyên gia ẩm thực nước ngoài (ảnh chụp lúc chưa xảy ra Covid-19). Ảnh: V.T.L

- Không gian làm việc của các đầu bếp chỉ quanh quẩn trong gian bếp, không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết nhưng họ vẫn thường xuyên đội mũ. Họ chọn đội mũ màu trắng không phải để giữ vệ sinh mà là để tỏ rõ tư cách của mình.

Chuyện về chiếc mũ đầu bếp được kể lại khá thú vị trong bài “Câu chuyện đằng sau chiếc mũ đầu bếp, có thể bạn chưa biết” đăng trên trang hoteljob.vn (Công ty TNHH MTV Santa).

Theo đó, tương truyền, tại Vương quốc Anh, vào thời vua Henry VIII, trong một lần dùng bữa, nhà vua phát hiện có sợi tóc trong món súp. Ông vô cùng tức giận và ra lệnh tất cả đầu bếp phải đội mũ trong khi nấu nướng để sự việc tương tự không lặp lại. Kể từ đó, chiếc mũ đầu bếp màu trắng ra đời.

Một câu chuyện khác của người Hy Lạp kể về chiếc mũ đầu bếp.

Thời Trung cổ, trên miền đất Hy Lạp - nơi thông thương giữa châu Á và châu Âu - luôn xảy ra chiến tranh, nhiều người phải chạy vào tu viện để lánh nạn. Có điều, vào những nơi này buộc phải mặc áo đen như các tu sĩ. Một lần có mấy người đầu bếp giỏi lánh vào tu viện, không có việc gì làm bèn vào nhà bếp của tu viện và trổ tài nấu nướng. Tài nghệ của họ được mọi người tán thưởng. Để làm nổi bật mình, họ đổi chiếc mũ đen trên đầu thành chiếc mũ màu trắng khiến mọi người đều tròn xoe mắt, tỏ vẻ thán phục. Các đầu bếp của tu viện thấy thế liền đổi sang đội mũ màu trắng. Sau đó, “phong trào” đầu bếp đội mũ trắng lan dần sang các tu viện khác, đến cả các đầu bếp ngoài tu viện.

Cuối thế kỷ 18, nước Pháp có một đầu bếp nổi tiếng khắp châu Âu tên là Krem. Rất thích chiếc mũ trắng, nhưng Krem nhận thấy mũ của các môn đồ mình cũng cao bằng mũ của mình nên không “sướng” lắm. Để phân biệt “đẳng cấp” giữa thầy và trò, ông nhờ người may riêng cho mình chiếc mũ trắng cao thành. Khi các môn đồ của ông trưởng thành và nhận học trò, cũng bắt chước thầy Krem đội mũ trắng có thành cao dựng lên. Tuy nhiên, so mặt bằng chung, mũ của “sư tổ” Krem lúc nào cũng cao hơn mũ các đồ đệ của mình vài phân và cứ cao dần theo thời gian, nghe nói mũ cao nhất lên tới gần 40cm.

Từ đó, người ta quan niệm rằng chiều cao chiếc mũ bếp thể hiện năng lực, vị trí và đẳng cấp của người đầu bếp. Tuy nhiên, đội những chiếc mũ quá cao sẽ khiến các đầu bếp khó khăn trong di chuyển cũng như lúc làm việc. Theo trang dongphucvietnam.vn (Công ty TNHH MTV Đồng phục Việt Nam), để tránh sự bất tiện này, mũ bếp được hạ thấp xuống và thường có chiều cao từ 23-31cm để các đầu bếp cảm thấy thoải mái, năng động khi làm việc.

Trên những chiếc mũ bếp thường có những nếp gấp thẳng, những nếp gấp này cũng thể hiện tay nghề của người đầu bếp đó. Do đó, chiều cao và số lượng nếp gấp trên mũ bếp chính là tiêu chí để đánh giá mức độ lành nghề, kinh nghiệm và địa vị của người đầu bếp.

Ngày nay, chiếc mũ bếp được cách tân để trở nên đẹp mắt hơn. Ngoài lý do giúp người nấu ăn trông gọn gàng hơn, thể hiện tác phong sạch sẽ, chiếc mũ đầu bếp cũng thể hiện tính thẩm mỹ, thời trang và nét riêng biệt của từng khách sạn, nhà hàng khác nhau.

ĐNCT

.